Điều gì đã khiến các nhà báo có thể vượt qua những gian nan, vất vả của nghề? Thiết nghĩ, đó là sức khỏe của người dân, sự tin yêu của đội ngũ y bác sĩ, những ghi nhận của toàn xã hội…
Tuy vậy, dưới góc nhìn của người làm truyền thông trong lĩnh vực y tế, được đồng hành với các nhà báo trong nhiều năm, tôi lại cảm nhận họ rất ít nói về bản thân mình, chỉ biết cống hiến thầm lặng, bền bỉ vì sự nghiệp “Ngòi bút cứu người”.
Phóng viên y tế phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Sát cánh cùng người dân nâng cao nhận thức “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Vào thăm hỏi Cụ bà 70 tuổi trước khi xuất viện, nụ cười tươi trên khuôn mặt phúc hậu của Cụ làm ấm lòng nhân viên y tế chúng tôi. Cách đây một tuần, Cụ nhập viện với một vết xước ở bàn chân, tuy nhiên với tiền căn bệnh lý đái tháo đường nên Cụ được người nhà đưa vào nhập viện ngay và chăm sóc vết thương kịp thời.
Chia sẻ với chúng tôi, anh D., con trai của Cụ tâm sự: “Nhờ kịp thời đọc các bài cảnh báo về bệnh lý đái tháo đường cùng những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt loét bàn chân do đái tháo đường có thể dẫn đến đoạn chi, tôi có thêm kiến thức về bệnh nên đưa Mẹ vào Bệnh viện ngay sau khi bàn chân bị dẫm phải gai, tránh để vết thương nhiễm trùng lan rộng. Những thông tin sức khỏe trên báo/đài thật sự rất hữu ích, giúp tôi có thể chủ động bảo vệ sức khỏe cho gia đình”.
Để có thể truyền tải những kiến thức y khoa chính xác, nhanh chóng, kịp thời đòi hỏi người nhà báo nhạy bén, thấu hiểu trong việc nắm bắt nhu cầu thông tin của người dân, thời sự y tế, trào lưu sức khỏe “nóng” trên các diễn đàn, mạng xã hội…
Song song đó, là sự kết nối chặt chẽ cùng với các Thầy thuốc, chuyên gia trong lĩnh vực y tế để có thể tiếp cận nguồn thông tin chính thống, xác thực. Nhà báo y tế chính là cầu nối quan trọng giúp Thầy thuốc và cộng đồng gần nhau hơn, giúp người dân nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Phóng viên y tế tác nghiệp ở bệnh viện
Sứ giả mang đến niềm tin và hi vọng cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn
Nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ của người Mẹ chàng trai mang dị dạng mạch máu hiếm gặp. Chị chia sẻ cùng với các nhà báo y tế trong buổi gặp mặt báo chí tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cách đây 1 năm trước: “Các bác sĩ bảo bệnh con trai tôi rất nặng, khối u lớn ở mông lở loét ra. Khi nghe con bị bệnh hiếm gặp dị dạng động tĩnh mạch, nếu không được điều trị thì có thể bị liệt và nằm một chỗ suốt đời, tôi gần như ngã quỵ…”.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cảm thông với nỗi đau tận cùng của bệnh nhân, những ngòi bút đồng cảm đã lan tỏa thông tin. Ngay sau đó, các mạnh thường quân đã chung tay cùng với Bệnh viện hỗ trợ chi phí điều trị cho em. Đến nay, bệnh tình của em đã bình phục 90%, em đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường.
Tâm sự với chúng tôi, vẫn là những giọt nước mắt, nhưng lại chan chứa niềm hạnh phúc, sự biết ơn và hi vọng: “Em không thể bình phục như ngày hôm nay nếu không có sự tận tâm của các y bác sĩ Bệnh viện, sự hỗ trợ tận tình của các nhà báo y tế, và tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân. Em đã có thể đi học lại, có thể kiếm tiền phụ giúp Cha Mẹ rồi”.
Ước muốn tưởng chừng thật đơn giản nhưng đối với em, đó là phép màu trong chuyện cổ tích mà những người bác sĩ, nhà hảo tâm và những nhà báo y tế – sứ giả của niềm tin và hi vọng đã mang đến cho em.
Phóng viên y tế phỏng vấn người nhà bệnh nhân
Sự dấn thân, đồng hành cùng Thầy thuốc trong nghiệp “cứu người”
Nhận cuộc gọi của chúng tôi vào lúc 11 giờ 30 đêm nhờ hỗ trợ thông tin tìm người thân cho người bệnh bị tai nạn giao thông vừa nhập viện, chỉ sau 10 phút, Chị đã có mặt tại bệnh viện. Nhanh chóng tác nghiệp, Chị phỏng vấn người hỗ trợ mang bệnh nhân đi cấp cứu, phỏng vấn bác sĩ, lấy thông tin, giấy tờ tùy thân, đặc điểm nhận dạng của bệnh nhân,…Và gần như thức trắng đêm cùng ê kíp trực của cơ quan để biên tập và dựng tin.
Ngay sau khi thông tin được lan tỏa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Bệnh viện đã liên hệ được với gia đình, kịp thời hỗ trợ cho người bệnh.
Chị nói: “Cứ điện thoại cho mình 24/7 khi người bệnh cần hỗ trợ thông tin nhé, nhà báo y tế như mình luôn sẵn sàng vì người bệnh”.
Câu nói vô cùng giản dị những chất chứa biết bao tình cảm, sự hy sinh thầm lặng, hết lòng vì người bệnh của nhà báo y tế.
Viết về y tế đòi hỏi người nhà báo sự dấn thân không mệt mỏi. Đó là có thể thức trắng đêm cùng với ê kíp bác sĩ cấp cứu người bệnh bị tai nạn, bất chấp nguy hiểm để tìm ra sự thật, cảnh báo những mối nguy hại cho sức khỏe người dân, hay đêm 30 Tết đón giao thừa cùng các bác sĩ trực trong Bệnh viện để có bài viết đầy thấu hiểu những hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế… Chắc chắn, chỉ có trái tim yêu nghề, yêu người mới có thể giúp các nhà báo vượt qua mọi gian khó vì sứ mệnh cao quý “Ngòi bút cứu người”.
ThS. Đỗ Thị Nam Phương (Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)