(CAO) Nhau cài răng lược là một biến chứng thai kỳ hiếm gặp nhưng nó lại rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của thai phụ và trẻ sơ sinh.
Gần đây tình trạng nhau cài răng lược đã tăng lên nhiều do chỉ định mổ lấy thai rộng rãi hơn và có những trường hợp mổ theo yêu cầu, góp phần làm tăng tai biến sản khoa và tử vong mẹ.
Cắt tử cung để bảo toàn tính mạng cho sản phụ
Mới đây, các bác sĩ BV Từ Dũ TP.HCM đã buộc phải cắt bỏ tử cung để bảo toàn tính mạng cho sản phụ 24 tuổi. Nữ công nhân 24 tuổi, ngụ tại Đồng Nai, mang thai 36 tuần, thấy ra huyết nên đi khám và được yêu cầu chuyển tuyến lên Bệnh viện Từ Dũ vì nhau cài răng lược thể xâm lấn nặng.
Bệnh nhân cho biết, hai vợ chồng chị đã có con đầu là một bé trai sinh thường năm 2012, cân nặng 3500gr. Năm 2015, chị sinh mổ con thứ hai vì bé nặng 3700gr. Trong quá trình mang thai con thứ 3 này, đã khám thai tại địa phương 4 lần.
Trước cuộc mổ, êkíp tiền phẫu đã chuẩn bị chu đáo từ việc xin dự trù máu, chuẩn bị kíp phẫu thuật… Trong lúc phẫu thuật, các bác sĩ quan sát thấy tử cung bị dính vào bàng quang do lần mổ trước, bánh nhau xâm lấn sát bó mạch tử cung buồng trứng bên trái, “ăn” hết lớp cơ tử cung, các mạch máu tăng sinh phình to, phẫu thuật viên chính quyết định không giữ lại tử cung cho sản phụ.
Mặc dù đã được tư vấn tâm lý và chuyên môn cho bệnh nhân trước mổ, tuy nhiên quyết định cắt bỏ tử cung vẫn là một quyết định khó khăn đối với phẫu thuật viên sản phụ khoa vì họ luôn hiểu tâm lý của phụ nữ trẻ tuổi khi bị cắt tử cung. Tuy vậy, vì bảo toàn tính mạng cho sản phụ, kíp mổ nhanh chóng xẻ thân tử cung, đưa ra an toàn một bé gái 2600g.
Bé lập tức được chuyển cho kíp Nhi Sơ sinh chăm sóc trong lúc kíp phẫu thuật bóc tách, gỡ dính, kẹp cầm máu, cắt đốt… cho người mẹ. Bệnh nhân đã mất là 4,6 lít và đã được bồi hoàn đủ trong quá trình phẫu thuật. Hiện tại cả mẹ lẫn con đều ổn định.
Nhau cài răng lược: Mối nguy hiểm của
mẹ bầu. Ảnh minh họa
Tương tự, ngày 24-12 mới đây, các bác sĩ BV Phụ sản TP. Cần Thơ cũng vừa trải qua 3 giờ căng thẳng để cứu sống sản phụ bị nhau tiền đạo cài răng lược xâm lấn bàng quang hiếm gặp trong sản khoa đe dọa tính mạng.
Sản phụ 34 tuổi, ngụ tại Cần Thơ, mang thai con thứ 2 ở tuần 34 tuần, ngôi đầu, có vết mổ cũ. Qua thăm khám, kết hợp các kết quả chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng chuyên sâu phát hiện nhau tiền đạo cài răng lược bám toàn bộ vào cơ tử cung xâm lấn đến bàng quang vô cùng nguy hiểm.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành mời hội chẩn liên viện và cuộc phẫu thuật lấy thai được tiến hành. Trong quá trình phẫu thuật, do vị trí nhau bám chặt, đâm xuyên cơ tử cung và xâm lấn sâu vào bàng quang nơi có nhiều mạch máu tăng sinh phức tạp, êkip các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật lấy thai, cắt tử cung thay vì bóc tách nhau, giúp sản phụ thoát nguy cơ tử vong do xuất huyết trầm trọng và tổn thương tử cung cùng các cơ quan lân cận.
Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa cùng các phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, sản phụ 34 tuổi này đã có cuộc “vượt cạn” an toàn, bé gái nặng 2300 gram chào đời khỏe mạnh sau gần 3 giờ tập trung phẫu thuật.
Nhau cài răng lược: Biến chứng thai kỳ hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm
Các bác sĩ cho biết, nhau cài răng lược là một biến chứng thai kỳ và là vấn đề quan trọng trong thực hành sản khoa. Mặc dù không thường gặp, nhau cài răng lược là vấn đề mà các bác sĩ sản khoa đặt biệt quan tâm vì các biến chứng nguy hiểm trong lúc mang thai hay ngay cả khi được phẫu thuật: thủng hoặc vỡ tử cung, mất máu nhiều, nhiễm trùng… có thể nguy hiểm tính mạng.
Nguyên nhân của nhau cài răng lược thực sự chưa được làm rõ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia ghi nhận những yếu tố nguy cơ của bệnh như có mổ lấy thai trước đó, tiền sử nạo phá thai nhiều lần,...
Nếu trường hợp nhẹ thì sản phụ được bồi hoàn máu và tử cung tự cầm máu, còn nếu trường hợp nặng hơn thì thường phải phẫu thuật.
Hiện nay, chưa có một biện pháp chính xác nào có thể phòng ngừa được nhau cài răng lược. Chỉ có cách làm giảm và hạn chế tối đa những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp rủi ro cho nhau thai. Phần lớn các trường hợp khi phát hiện thì thai nhi đã lớn (khoảng gần 20 tuần tuổi) hoặc phát hiện lúc sanh. Do đó, người mẹ cần thường xuyên khám thai định kỳ để theo dõi. Đặc biệt là những mẹ nằm trong nhóm có nguy cơ cao để chủ động hơn trong khi sinh.
(CAO)
Thai phụ nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, mạch, huyết áp bằng 0.