TP.HCM có thêm bệnh viện 1.500 tỷ đồng

Thứ Bảy, 22/12/2018 13:10  | Ngô Đồng

|

(CAO) Ngày 22-12, Bệnh viện Gia An 115 tổ chức lễ khánh thành tại P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP.HCM.

Các đại biểu cắt băng khánh thành bệnh viện. Ảnh: NĐ

Bệnh viện được đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, với quy mô 367 giường bệnh, 60 phòng khám và được trang bị đầy đủ các phương tiện để phục vụ các chuyên khoa.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh trao Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của Bộ Y tế cho BV Gia An 115.  Ảnh: NĐ

GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mỗi năm các bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận khoảng 40 triệu lượt người dân đến khám và chữa bệnh, trong đó, hơn 50% là người dân đến từ các tỉnh thành khác.

Số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đang không ngừng gia tăng do đó việc giảm tải cho các bệnh viện công tuyến cuối tại TP.HCM, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố nói chung và đặc biệt cho khu vực cửa ngõ miền Tây nói riêng là hết sức cần thiết.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, y tế là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nên việc áp dụng PPP trong y tế gắn liền với nhiều khía cạnh như hợp tác trong điều hành, quản lý, vận hành, chuyển giao kỹ thuật, phối hợp khám chữa bệnh, quản lý tài chính, bảo hiểm y tế…

Bộ Y tế sẽ tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra việc phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân để kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn, kịp thời xem xét, tháo gỡ; tăng cường chỉ đạo và định hướng cho việc áp dụng PPP trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

Tại TP.HCM, hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực y tế đã được hình thành và phát triển trong nhiều năm qua. Sự hợp tác này nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà đầu tư.

Nhiều hình thức hợp tác công - tư tại TP.HCM triển khai thành công đã được lãnh đạo Bộ Y tế ghi nhận như: Bệnh viện tư làm "vệ tinh" cho bệnh viện công (chuyển giao thương hiệu từ bệnh viện công); luân phiên nhân sự chuyên môn từ bệnh viện công về hỗ trợ các khoa, bệnh viện tư; liên kết sử dụng mặt bằng; liên doanh đặt máy, trang thiết bị y tế tư tại cơ sở công… Đó có thể coi là sự hợp tác toàn diện, sâu sắc và hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực y tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang