(CAO) Sau khi được mổ bắt con, sản phụ đột ngột tím tái, mất ý thức, đồng tử dãn rơi vào nguy kịch. Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, sản phụ 3 lần ngưng tim trên bàn mổ và cuộc chiến giành giật mạng sống với tử thần 42 ngày sau đó.
Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM cho biết, sau 42 ngày điều trị đầy "sóng gió", sản phụ V.T.T.T (26 tuổi, ngụ TP.HCM) đã được xuất viện về nhà.
Ngày xuất viện, sản phụ V.T.T.T. chia sẻ, nghe người thân kể lại, chị cứ tưởng là đã chết rồi, nhưng không ngờ vẫn còn sống được trở về nhà.
Trước đó, như đã thông tin, vào khoảng 13 giờ 30 ngày 27-11-2017, sản phụ V.H.T.T. nhập BV Nhân Dân Gia Định trong tình trạng đau bụng chuyển dạ sinh con lần 2, có vết mổ cũ để mổ lấy thai. Các xét nghiệm tiền phẫu về sinh hóa, huyết học, ECG đều bình thường, tiền căn mổ lấy thai với phương pháp vô cảm là tê tủy sống.
Ngay sau đó, sản phụ được thực hiện mổ bắt con nhanh chóng, không có diễn tiến bất thường. Sau mổ, bé khóc to và được đưa mẹ nhìn mặt để chuẩn bị thực hiện “da kề da”. Đột nhiên, sản phụ tím tái, mất ý thức, đồng tử dãn. Nghĩ ngay đến thuyên tắc ối, bác sĩ gây mê đặt ngay nội khí quản để hồi sức, đồng thời bác sĩ phẫu thuật đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện.
Sau khi được mổ bắt con, sản phụ phải chiến đấu với tử thần giành giật mạng sống trong 42 ngày
Tuy nhiên, trong quá trình hồi sức, sản phụ đã ngưng tim 3 lần trên bàn mổ. Cuộc hội chẩn lần 2 trong đêm quyết định lọc máu cho sản phụ liên tục, đến sáng hôm sau đồng tử bệnh nhân đã có phản xạ ánh sản, đáp ứng kích thích.
Tuy nhiên đến ngày 1-12-2017, sản phụ lại rơi vào suy đa tạng, suy hô hấp, rối loạn đông máu, suy thận, suy gan… hôn mê. Sản phụ xuất hiện đông máu nội mạch, sau đó là suy thận cấp.
Nhiều cuộc hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành về huyết học, thận học,… với nhận định bệnh cảnh này sản phụ có nguy cơ tử vong gần như khó có thể tránh được, bệnh nhân bị hội chứng TMAs (Thrombotic microangiopathies) với các biểu hiện: thiếu máu, rối loạn đông máu, LDH tăng, đồng thời bệnh nhân bị suy thận cấp, vô niệu, viêm phổi.
Với tinh thần “còn nước còn tát”, bệnh nhân đã trải qua nhiều ngày thở máy, điều trị kháng sinh, trải qua 5 chu kì lọc máu, thay huyết tương, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, tập vật lý trị liệu, phục hồi dinh dưỡng,… Với hi vọng mỏng manh chỉ “vài phần trăm”, nhưng sức khoẻ của sản phụ diễn tiến ngày một tốt dần và phục hồi, và được xuất viện trong tình trạng tinh thần tỉnh táo trong sự vui mừng của gia đình và tập thể các y bác sĩ BV Nhân dân Gia Định.
Theo các chuyên gia y tế, tử vong mẹ do nhiều nguyên nhân khác nhau như băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, sản giật… Riêng thuyên tắc ối chiếm 5 - 10% trong số tử vong mẹ nói chung.
Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch ối, những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác đi vào vào tuần hoàn mẹ gây ra phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính cho mẹ.
Nếu xảy ra thuyên tắc ối, tỉ lệ tử vong mẹ hơn 80%, mặc dầu tỉ lệ sống sót của thai nhi có thể đến 70%. Thống kê cho thấy 50% sản phụ sẽ chết trong giờ đầu khi khởi phát triệu chứng và trong số sống sót sau một giờ thì phần lớn trường hợp để lại di chứng thần kinh nặng nề.
Bệnh thuyên tắc ối không thể dự báo, không có cách dự phòng. Do đó, trong khi chuyển dạ, các bác sĩ nhanh chóng ghi nhận các dấu hiệu và triệu chứng, hồi sức tích cực và điều trị hỗ trợ là điều kiện tiên quyết có thể mang lại hi vọng cứu sống mẹ và thai nhi.
(CAO) Sau khi được mổ bắt con, sản phụ tím tái, mất ý thức, đồng tử dãn rơi vào nguy kịch. Sau hơn 10 giờ phối hợp cấp cứu và hồi sức, sản phụ bắt đầu có dấu hiệu diễn tiến theo chiều hướng tích cực.