Tây Nguyên khẩn cấp chống dịch sốt xuất huyết

Thứ Tư, 03/08/2016 07:54

|

(CAO) Ngày 2-8, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch. Các cơ sở đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư, giường bệnh để sẵn sàng phòng chống dịch… nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Gia Lai và Kon Tum đã có ca tử vong vì sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Gia Lai, tính từ đầu năm tới nay trên toàn tỉnh đã có 3.960 ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết, riêng phát hiện thêm 103 ca nhiễm bệnh mới, đã có 1 bệnh nhân tử vong. Những địa phương đứng đầu về con số này là TP. Pleiku, huyện Đak Đoa, huyện Ia Grai…. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã trong tình trạng quá tải, cứ trung bình mỗi ngày có thêm 30 ca nhập viện.

Các bệnh viện đang quá tải vì số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao

Trước tình hình đó, Ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chưa đầy 1 tháng đã gửi 2 công điện về quyết liệt tập trung phòng chống dịch. Yêu cầu ngành Y tế phun hóa chất 100% các hộ trong ổ dịch, kiên quyết không để dịch lây lan, phát triển.

Về đơn vị chuyên môn, ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai cho biết, để ngăn chặn tình diễn biến phức tạp của nguồn bệnh, ngoài việc chỉ đạo trung tâm y tế các huyện thị xã chủ động trong công tác tuyên truyền, làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất… thì quan trọng là người dân phải thay đổi nhận thức, chủ động phòng chống dịch bệnh ở mỗi nhà thì mới phát huy hiệu quả cao.

Trước tình trạng bùng phát của dịch với tốc độ cao, ngày 2-8, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế Gia Lai bàn về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói : “Chúng tôi sẽ rà soát lại để cấp thêm hóa chất giúp tỉnh phòng chống dịch bệnh”.

Tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng ở tỉnh Gia Lai

Tại tỉnh Kon Tum, tính từ tháng 2 đến nay đã có khoảng 1.500 ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong tăng gấp nhiều lần so với các năm trước. Trong chuyến làm việc với ngành y tế Kon Tum mới đây về bệnh sốt xuất huyết, Viện vệ sinh Dịch tễ Tây nguyên cho rằng, bệnh sốt xuất huyết Dengue tăng cao một phần do thời tiết thay đổi bất thường, trong khi đó việc phòng chống dịch bệnh này của tỉnh Kon Tum chưa được triển khai đồng bộ.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tại các tỉnh Tây Nguyên hiện có 6.038 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 4 trường hợp đã tử vong, tăng gần 15 lần so với năm 2015. Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có số người mắc bệnh nhiều nhất với 2.181 trường hợp, có 1 trường hợp đã tử vong.

Bình luận (0)

Lên đầu trang