(CAO) Chỉ cần có chiếc điện thoại di động thông minh, người bệnh ở bất kì nơi đâu cũng có thể thực hiện nhanh chóng các bước đăng ký khám bệnh, thanh toán viện phí với các hình thức thanh toán phù hợp với nhu cầu của mình.
Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Sau nhiều năm triển khai, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thể hiện những lợi ích nổi bật như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian so với thanh toán bằng tiền mặt, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người bệnh.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, từ tháng 9/2016, Bệnh viện đã triển khai dịch vụ thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán viện phí trực tuyến. Với sự tích hợp đầy đủ về thông tin người bệnh, mã số hồ sơ, thẻ vừa có chức năng thanh toán viện phí, vừa có chức năng ATM có thể thực hiện các giao dịch nạp/ rút tiền tại các máy ATM của các ngân hàng và thanh toán tiền cho các giao dịch mua sắm.
Đến năm 2019, Bệnh viện triển khai đồng bộ các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như thanh toán bằng máy POS, chuyển khoản, thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán, thanh toán qua Web/App, thanh toán bằng Internet Banking (thanh toán hóa đơn).
Đặc biệt, trong việc thanh toán bằng QR Code, Bệnh viện đã liên kết với 23 ngân hàng thương mại và 3 ví điện tử (Viettelpay, VinID, Truemoney). Bên cạnh đó là ví điện tử MoMo, Payoo và thanh toán tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc (17 chuỗi cửa hàng).
Chỉ cần có chiếc điện thoại di động thông minh, người bệnh ở bất kì nơi đâu cũng có thể thực hiện nhanh chóng các bước đăng ký khám bệnh, thanh toán viện phí với các hình thức thanh toán phù hợp với nhu cầu của mình.
Thanh toán viện phí cho người bệnh không dùng tiền mặt bằng máy POS
ThS. Đặng Anh Long, Trưởng phòng Tài chính kế toán cho biết, đến nay đã có hơn 25% người bệnh ngoại trú sử dụng ứng dụng “Đăng ký khám bệnh trực tuyến” để đặt hẹn khám bệnh, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong năm 2019 đã chiếm tỷ trọng hơn 37% trong thanh toán viện phí. Phấn đấu trong năm 2020, con số này là 40% và các năm kế tiếp sẽ là 45%.
Có thể thấy, sự chuyển đổi từ hình thức thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt đã mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia, bao gồm người bệnh, người nhà người bệnh, Bệnh viện và các tổ chức tín dụng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 70% dân số tập trung tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Thậm chí, ngay tại TP.HCM, các điểm giao dịch thanh toán không tiền mặt ở các quận/ huyện ngoại thành còn rất ít, thủ tục mở tài khoản, đổi mã pin, sử dụng thẻ... chưa được thuận tiện.
Do đó, thách thức đặt ra trong thời gian đầu triển khai là việc thay đổi hành vi của người bệnh khi sử dụng tiền mặt để thanh toán, chưa quen sử dụng các ứng dụng di động, các loại thẻ ngân hàng, thậm chí chưa nhận thấy lợi ích, ý nghĩa của việc thanh toán không dùng tiền mặt.
KS. Trần Văn Đức cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cho người dùng, mà còn mang lại nhiều dịch vụ tiện ích và sự thuận tiện cho người bệnh.
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng được xem là xu thế phát triển tất yếu của xã hội văn minh, hiện đại. Mô hình bệnh viện “không giấy, không xếp hàng, không mang tiền mặt, đơn giản hóa các thủ tục trong khám chữa bệnh” sẽ được triển khai trong tương lai.