(CAO) Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học: 'Chế tạo, thẩm định chứng dương nhân tạo và đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2'.
Trong ngày 11-6, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ phối hợp Viện Pasteur TP HCM đã hoàn tất buổi nghiệm thu đề tài “Chế tạo và thẩm định chứng dương nhân tạo và đoạn mồi chuẩn đoán tác nhân gây viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona”.
Đề tài do PGS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM và TS.BS Hoàng Quốc Cường – Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM làm chủ nhiệm đề tài.
Đại diện thành viên của Ban Chủ nhiệm đề tài, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Quốc Cường (Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: Công trình được thực hiện gấp rút trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2020, trên 60 mẫu bệnh phẩm được lưu trữ tại Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh.
Nhóm nghiên cứu trình bày quy trình và thành phẩm của đề tài nghiên cứu - Ảnh Đ.T
Mục tiêu của công trình được đặt ra nhằm: Nghiên cứu chứng dương chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2; thẩm định, đánh giá chứng dương nhân tạo trong nghiên cứu theo chuẩn quốc tế; chế tạo đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2; thẩm định, đánh giá đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2.
Đại dịch Covid-19 lây lan và phát triển mạnh trên toàn thế giới, có mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống. Việc chẩn đoán, xác định bệnh bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR là tiêu chuẩn vàng. Tuy nhiên, hiệu suất của xét nghiệm này lại phụ thuộc vào sinh phẩm chẩn đoán (mồi, đoạn dò và thuốc thử…).
Do đó, việc nghiên cứu chế tạo, sản xuất chứng dương, đoạn mồi và đoạn dò hỗ trợ cho việc sàng lọc, tầm soát dịch bệnh Covid-19 là công việc hết sức cần thiết trong tình trạng nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng để phục vụ công tác chẩn đoán bệnh.
"Bộ kít" xét nghiệm Covid-19 - Ảnh Đ.T
Được biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã chế tạo được chứng dương để chẩn đoán Covid-19 tuy nhiên loại này chỉ sử dụng được trên 1 loại máy, các máy khác không sử dụng được. Nên việc thực hiện đề tài để cho ra đời “bộ kít” xét nghiệm Covid-19 là vô cùng cần thiết.
Theo ông Hoàng Quốc Cường, kết quả thẩm định và các đánh giá cao từ hội đồng chuyên gia cho thấy các sản phẩm của nghiên cứu gồm chứng dương và đoạn mồi, đoạn dò đầy đủ tiêu chuẩn để có thể sản xuất và sử dụng trên quy mô lớn nhằm góp phần đẩy lùi Covid-19. Cụ thể, chứng dương nhân tạo đã được đề xuất hướng dẫn phục vụ cho việc sử dụng trong thực tế.
Đối với sản phẩm đoạn mồi, nghiên cứu đã tổng hợp thành công theo quy trình đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa kỳ. Chất lượng sản phẩm, đoạn mồi có độ nhạy và độ tin cậy tương đồng với các sinh phẩm chẩn đoán trên thị trường.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị: đưa vào sử dụng các sản phẩm vừa được nghiên cứu thành công để tăng độ chính xác các xét nghiệp, tránh bỏ sót các trường hợp dương tính thật và tránh sai sót đối với các trường hợp dương tính giả.
Từ đó góp phần giảm thiểu chi phí và gánh nặng ngân sách nhà nước. Sử dụng sản phẩm đoạn mồi, đoạn dò, thông số của thuốc thử nhằm mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất xét nghiệm trong bối cảnh cả thế giới đang trong tình trạng thiếu hóa chất, sinh phẩm để chẩn đoán Covid-19. Bên cạnh đó, tiến hành đánh giá hạn dùng của sinh phẩm chẩn đoán và tối ưu hóa điều kiện bảo quản.
Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho biết, Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất cao về giá trị của đề tài và nhất trí xếp loại xuất sắc.
Theo ông Tín, đây là đề tài khoa học mang tính cấp bách và mang tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Những nghiên cứu này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đáng quan ngại hiện nay liên quan đến công tác phòng chống và xét nghiệm Covid-19.
Bên cạnh đó, ông Tín còn cho biết, giá thành của sản phẩm chắc chắn sẽ thấp hơn hoặc cao nhất chỉ bằng 2/3 giá nhập khẩu và có thời gian lưu hành lâu nhất hiện nay.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị đưa vào sử dụng các sản phẩm vừa được nghiên cứu thành công để tăng độ chính xác các xét nghiệp, tránh bỏ sót các trường hợp dương tính thật và tránh sai sót đối với các trường hợp dương tính giả.
Từ đó góp phần giảm thiểu chi phí và gánh nặng ngân sách nhà nước. Sử dụng sản phẩm đoạn mồi, đoạn dò, thông số của thuốc thử nhằm mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất xét nghiệm trong bối cảnh cả thế giới đang trong tình trạng thiếu hóa chất, sinh phẩm để chẩn đoán Covid-19. Bên cạnh đó, tiến hành đánh giá hạn dùng của sinh phẩm chẩn đoán và tối ưu hóa điều kiện bảo quản.