(CAO) Hôm 10-6, CNN đưa tin trong bước đi nỗ lực nhằm cứu loài thú có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thị trường động vật hoang dã, chính quyền Trung Quốc đã loại vảy tê tên khỏi danh sách nguyên liệu được phép sử dụng trong Đông y trong năm 2020.
Động thái này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của các nhà vận động chống buôn bán động vật hoang dã, được đánh giá là bước đi vô cùng “quan trọng”.
Hiện nay có khoảng 8 loài tê tê được phát hiện ở Châu Á và Châu Phi. Nhiều loài trong đó đước xếp vào danh sách loài “vô cùng nguy cấp” có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Mặc dù đến nay các nhà khoa học xác định thành phần trong vảy tê tê chủ yếu là chất keratin, chất tương tự có trong móng tay, móng chân của con người, không có tác dụng dược chất. Thế nhưng ngành y học cổ truyền của Trung Quốc lại khuyến khích sử dụng vảy tê tê bên cạnh sừng tê giác vì tin rằng chúng giúp giảm các triệu chứng viêm và cải thiện tuần hoàn máu.
Tê tê là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thị trường động vật hoang dã - Ảnh: David Brossard/Flickr
Chính thị trường Đông y Trung Quốc là yếu tố chính khiến loài tê tê bị săn bắt và tiêu thụ số lượng lớn từ trước đến nay.
Quyết định này của Trung Quốc cũng được đánh giá xuất phát từ sự thức tỉnh của cộng đồng khi các nghiên cứu mới đây cho thấy việc tiêu thụ tê tê có thể là nguyên nhân làm bùng lên dịch Covid-19 với tê tê là vật trung gian truyền coronavirus từ vật chủ (dơi) sang người.
Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Duke và phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos nhấn mạnh dù còn sớm để kết luận vai trò của tê tê trong việc làm bùng lên dịch Covid-19 vừa rồi nhưng rõ ràng việc con người cần phải giảm thiểu tương tác với động vật hoang dã (tiêu thụ thịt) là cần thiết để ngăn các bệnh truyền nhiễm mới có tác nhân là vi khuẩn, virus khu trú trên động vật bùng lên.
Vảy tê tê là một trong những thành phần chính của các bài thuốc Đông y - Ảnh: CNN