(CAO) Hôm 7-6, CNN dẫn thông tin từ chính quyền Ấn Độ cho biết nước này với Trung Quốc cam kết giải quyết hoà bình tranh chấp biên giới
Căng thẳng biên giới giữa hai quốc gia đông dân nhất Thế giới thời gian qua gia tăng ở dọc đường biên trên dãy Himalaya. Phía Ấn cáo buộc một lượng đáng kể binh sĩ Trung Quốc đã di chuyển qua đường ranh kiểm soát thực tế (LAC) bên đất Ấn Độ.
LAC là đường ranh được thiết lập vào năm 1993 trong nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên đường ranh phân định này vẫn còn mơ hồ và vẫn còn tranh cãi đâu là cột mốc chính thức phân chia hai bên.
Đã xảy ra nhiều vụ hai bên tố nhau để binh sĩ vuột qua lằn ranh này. Trong cuộc họp mới đây, được chính quyền Ấn Độ mô tả là diễn ra trong bầu không khí “tích cực”, hai bên đồng ý xử lý các tình trạng phát sinh ở biên giới một cách hoà bình.
Ấn - Trung cam kết giải quyết hoà bình tranh chấp biên giới - Ảnh: CNN
Tháng trước, binh sĩ giữa hai bên đã xảy ra ẩu đả trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở đường biên.
Trước đó căng thẳng từng tăng cao vào năm 2017 ở khu vực cao nguyên Doklam nằm kẹp giữa 3 nước Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc. Dù đây không phải là phần lãnh thổ của Ấn Độ nhưng nó lại nằm sát khu vực “cổ gà”, dải đất hẹp có vị trí chiến lược của nước này.
Bhutan khi đó đã cáo buộc Trung Quốc cho xây một con đường trong khu vục lãnh thổ của họ. Bắc Kinh bác bỏ việc này trong khi Ấn Độ ủng hộ Bhutan về cáo buộc trên dẫn đến hàng tháng trời đối đầu căng thẳng giữa Ấn – Trung. Quân đội Trung Quốc khi đó đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực biên giới để thị uy.
Trong đợt căng thẳng lần này, hai bên đã điều binh sĩ và triển khai vũ khí hiện đại đến biên giới để “dằn mặt” nhau. Cam kết “giải quyết tranh chấp hoà bình” lần này vì thế chỉ mới là ở trên…bàn giấy, còn chưa rõ trên thực địa hai bên có tuân thủ hay không.
(CAO) Những tuần vừa qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã vướng vào vụ lùm xùm vì tranh chấp trên đường biên dài 3500km mà điểm nóng căng thẳng nhất nằm gần biên giới với Bhutan.
(CAO) Trang tin rediff.com chạy tít “Ấn Độ lo ngại khi Trung Quốc - Bhutan bắt đầu các vòng đàm phán biên giới”. Báo này dùng khoảng thời gian 2 tuần để nói về khoảng cách hai cuộc gặp song phương Ấn Độ - Bhutan và Bhutan - Trung Quốc.