Hồ sơ quốc tế:

Bhutan, Nepal thành “chiến địa” mới trong đối đầu Ấn - Trung

Thứ Năm, 09/04/2015 10:42  | 

|

(CAO) Trang tin rediff.com chạy tít “Ấn Độ lo ngại khi Trung Quốc - Bhutan bắt đầu các vòng đàm phán biên giới”. Báo này dùng khoảng thời gian 2 tuần để nói về khoảng cách hai cuộc gặp song phương Ấn Độ - Bhutan và Bhutan - Trung Quốc.

 

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 15-6 đã bay đến Bhutan hội đàm với giới chức ở Thimphu. Hai tuần sau, bộ trưởng Ngoại giao Bhutan Rinzin Dorje có mặt tại Bắc Kinh thảo luận về vấn đề biên giới.

Nằm ở vị trí “đắc địa” khi giáp khu “cổ gà” thuộc bang Assam - Ấn Độ, Bhutan trở thành địa bàn chiến lược trong chính sách đối ngoại của New Delhi. “Cổ gà”- dải đất hẹp của Ấn Độ nằm kẹp giữa 3 nước Nepal- Bhutan- Bangladesh và cách không xa biên giới Trung Quốc. Mọi biến động trong việc xác định biên giới của Bhutan khiến Ấn Độ “thót tim”. Bởi thế, trang tin rediff.com bình rằng “các phiên đàm phán biên giới Bhutan - Trung Quốc đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho New Delhi vì bất kì điều khoản đàm phán nào giữa hai nước này đều ảnh hưởng đến đàm phán biên giới Ấn-Trung”.

 

Dùng viện trợ, đầu tư tạo ảnh hưởng

Đến nay, giữa Bhutan-Trung Quốc chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Tuy nhiên, những biến động địa- chính trị gần đây trong bối cảnh Ấn Độ- Trung Quốc gia tăng căng thẳng quanh tranh chấp biên giới đang đẩy Bhutan vào cuộc giằng co mới.

Trung Quốc đã lên kế hoạch xây nhánh đường sắt mới kết nối thủ phủ Lhasa (khu tự trị Tây Tạng) đến biên giới Nepal và Bhutan. Rediff.com bình luận dự án này rất “hấp dẫn” để Bhutan hút khách du lịch từ Trung Quốc.

Các phiên đàm phán biên giới giữa Bhutan-Trung Quốc vẫn chưa ngã ngũ khi đã kéo đến vòng thứ 22. Trang tin bhutannewsnetwork.com cho biết “Bắc Kinh sẽ nhanh chóng chìa ra gói thỏa thuận với Bhutan với việc giải quyết rốt ráo tranh chấp biên giới trong một lần nếu nước này chịu thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Bắc Kinh”.

Trước “sức ép” đó, New Delhi mau chóng đáp lại bằng các gói viện trợ kinh tế “khủng”. Tờ Telegraph hồi tháng 8-2013 dẫn cam kết của cựu thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh rằng Ấn Độ sẽ giúp chính quyền Bhutan vực dậy nền kinh tế trong chuyến thăm của thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay. Động thái “xoa dịu” này nhằm làm lành “cú đấm” vào tháng 7-2013 khi Ấn Độ lần đầu tiên đã cắt giảm trợ cấp nhiên liệu cho Bhutan sau 64 năm thiết lập quan hệ. Giới chuyên gia đánh giá hành động này nhằm trả đũa cho “cử chỉ” thân Bắc Kinh của chính quyền trước ở Thimphu.

Khi Tshering Tobgay đắc cử với chiến dịch tranh cử thể hiện sự ủng hộ rõ đối với Ấn Độ, New Delhi lập tức nối lại khoản trợ cấp này. Trong chuyến thăm của ông Tobgay, Ấn Độ cam kết viện trợ thêm cho Bhutan hơn 1 tỉ USD cho 11 kế hoạch phát triển trong 5 năm tới của nước này. Một quan chức Ấn Độ (giấu tên) nói thẳng với Telegraph “Đây là thời điểm để đẩy hợp tác tiến tới (nối lại trợ cấp nhiên liệu, cung cấp thêm viện trợ). Đó là những gì Ấn Độ muốn biểu đạt đến thủ tướng Bhutan qua chuyến thăm lần này”.

Khu vực biên giới giữa Nepal, Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc - Ảnh: The Economist

Tại Nepal-quốc gia kế cạnh, ảnh hưởng của Bắc Kinh đã sâu sắc hơn bằng các dự án đầu tư. Trang southasiaanalysis.org cảnh báo “dù đến nay ảnh hưởng của Ấn Độ tại Nepal vẫn là số một, nhưng khoảng cách số 2 của Trung Quốc đang được rút ngắn dần khi Bắc Kinh đầu tư vào Nepal với tốc độ chóng mặt, từ các dự án đường bộ đến cơ sở hạ tầng”.

So găng quân sự

Căng thẳng tuyến biên giới Trung- Ấn đẩy hai quốc gia này ghìm nhau bằng hoạt động quân sự. Tờ The Diplomat (Nhật) hôm 6-11 giật tít “Bhutan- tiền tuyến của quân đội Ấn Độ”. Phóng viên Victor Robert Lee của báo này trong quá trình thâm nhập thực địa đã chứng kiến sự ảnh hưởng của quân đội Ấn Độ ở Bhutan. “Tôi bắt gặp một căn cứ quân sự của Ấn Độ ở thung lũng Paro-Bhutan với hơn 600 binh sĩ”. Cạnh bên là trại quân của Bhutan với 120 người. Đây là chiến dịch tập trận-huấn luyện chung giữa quân đội hai nước.

Con đường dẫn vào khu tổng trại quân sự Ấn Độ-Bhutan ở Paro trên đất Bhutan đang được gấp rút hoàn thành. Nhân công xây dựng là người Ấn Độ từ bên kia biên giới sang. Chia sẻ đường biên dài 480 km, nhưng chỉ có 3 trạm gác Gyatsa, Soi Thangthangkha và Lingshi dọc biên giới với phần đất mênh mông của Tây Tạng. Bhutan “bi đát” khi không có không quân, phải lệ thuộc vào đội máy bay quân sự của Ấn Độ và Nepal trong tình trạng khẩn cấp. Điều kiện “trói gà không chặt” khiến tuyến biên giới Bhutan- Trung Quốc khó lòng giữ an ninh nếu canh gác lơ là.

Lính biên phòng Bhutan nói với phóng viên Robert Lee “nhiệm vụ của chúng tôi thường là đấu tranh chống nạn buôn lậu, nhưng cũng phải cảnh giác với hoạt động xâm nhập khi thỉnh thoảng lính biên phòng Trung Quốc vượt biên giới qua đất Bhutan thông qua các tuyến đường họ mới xây ở khu vực giáp ranh này”.

Các báo cáo gửi về cấp tập khiến quân đội Ấn Độ “giật mình”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chọn Bhutan làm điểm đến đầu tiên ngay khi nhậm chức. Mới đây, từ ngày 1 đến 3-11, Trung tướng Dalbir Singh Suhag - Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ cũng “theo gót” ông Modi chọn Bhutan làm điểm đến đầu tiên sau khi được bổ nhiệm.

Tờ Diplomat tiết lộ có thể ngay trong năm 2015, Ấn Độ sẽ cung cấp trực thăng hạng nặng cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị quân sự cho lính biên phòng Bhutan dọc biên giới. Điều này giúp lính Bhutan đỡ công thồ hàng bằng ngựa qua vùng núi mà chuyên tâm vào nhiệm vụ canh gác trên biên giới với Trung Quốc hơn.

Về quân sự, New Delhi đã đi trước Bắc Kinh một bước khi tận dụng lợi thế hợp tác lâu dài trong lịch sử để thiết lập phòng tuyến quân sự. Tờ The Times of India “hả hê” trích lời một nhà phân tích Trung Quốc Đới Bỉnh nhắc nhở Bắc Kinh cần phải quan tâm hơn đến lợi ích của mình tại khu vực này. Nhà phân tích này cảnh báo Ấn Độ đã xúc tiến xây căn cứ không quân tại Nepal, trong khi Bhutan đã triển khai thiết bị quân sự mua từ Ấn Độ dọc biên giới Trung Quốc.

Anh Duy

Bình luận (0)

Lên đầu trang