(CAO) Tuần này, truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến 3 quốc đảo trên Ấn Độ Dương là Sri Lanka, Seychelles và Mauritius. Chuyến thân chinh vượt đại dương là nỗ lực của New Delhi nhằm gia tăng ảnh hưởng trong khu vực giữa lúc Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào đây.
Lịch công du của ông Modi kéo dài 5 ngày (từ 10-3 đến 14-3) với chuyến thăm “mở màn” ở Seychelles. Hôm 11-3, lãnh đạo hai nước đã hội đàm về hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải cũng như các lĩnh vực dân sự tiềm năng. Quần đảo phía đông Châu Phi này nhập trang thiết bị quân sự chủ yếu từ Ấn Độ và New Delhi cũng tham gia huấn luyện cho lực lượng quân đội Seychelles. Mối quan hệ truyền thống này được củng cố bằng những gói hỗ trợ tài chính hàng năm của Ấn Độ.
Tuy nhiên, tờ The Diplomat (Nhật) hôm 11-3 nhắc lại yếu tố Trung Quốc trong mối quan hệ này. Theo đó, năm 2011 Seychelles từng đề nghị Bắc Kinh xây các căn cứ hải quân trên những hòn đảo của nước này. Seychelles giải thích rằng các căn cứ này nhằm mục đích để tàu Trung Quốc tiếp nhiên liệu khi chúng tiến hành hoạt động chống hải tặc ở vịnh Aden. Seychelles lãnh tiền thuê đất từ Trung Quốc theo mối quan hệ cả hai cùng lợi. Bắc Kinh khi đó đã từ chối đề nghị hấp dẫn này. Nhưng đặt vào bối cảnh hiện nay, liệu họ có lắc đầu?
Ông Modi cũng dành phần lớn thời gian (từ 13 đến 14-3) cho Sri Lanka- điểm đến cuối cùng trong chuyến công du. Tọa lạc ngoài khơi bờ biển đông nam Ấn Độ- Sri Lanka có vị trí chiến lược khi nằm sát sườn (chỉ cách 32 km) tính từ đất liền Ấn Độ. Chính quyền tiền nhiệm của nước này giữ một thái độ thân thiện với Trung Quốc khi cấp phép cho hàng loạt dự án hạ tầng có vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Việc “lấy lòng” bằng rót vốn đầu tư đi song song với việc tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên ra vào neo đậu tại cảng Colombo.
Giành lại ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương là bài toán khó cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lúc này - Ảnh:
Ấn Độ nhiều lần bày tỏ quan ngại khi tàu ngầm Trung Quốc hiện diện tại đây. Đáp lại, chính quyền Bắc Kinh cho rằng họ hành động phù hợp thông lệ quốc tế khi tàu chiến được phép neo ở các cảng hải ngoại để tiếp nhiên liệu. Trung Quốc cho biết số tàu này tham gia hoạt động chống hải tặc tại vịnh Aden.
Hôm 1-3, chính quyền Sri Lanka bất ngờ ra lệnh cấm tàu ngầm Trung Quốc neo lại ở các cảng nước này. Động thái này được đánh giá là để “xoa dịu” Ấn Độ trước thềm chuyến thăm của ông Modi trong ngày 13 và 14-3. Trung Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Sri Lanka.
Tại Maldives- quần đảo nằm chệch phía tây nam Ấn Độ, bằng việc rót vốn đầu tư, Trung Quốc cũng đang gầy dựng ảnh hưởng của mình. Các dự án sân bay, cảng biển, đường sá do nhà thầu Trung Quốc xây dựng ồ ạt mọc lên đi kèm các gói viện trợ, hỗ trợ tài chính mà Bắc Kinh dành cho nước này.
Chiêu bài tăng hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc ở các quốc gia trên Ấn Độ Dương có thể tóm trong 3 “mũi tên” hành động mà tờ The Diplomat dẫn lời từ đại sứ Trung Quốc tại Maldives- Wang Fukang: du lịch, đầu tư dự án hạ tầng và sau cùng là tăng cường hợp tác hàng hải. Đến nay, “hợp tác hàng hải” mà Bắc Kinh chú trọng đã được hiện thực hóa bằng hàng loạt cảng biển do nước này đầu tư ở Gwadar (Pakistan), Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar bao quanh Ấn Độ Dương. Không khó để dự đoán các cảng này phút chốc sẽ thành nơi neo đậu cho các tàu chiến Trung Quốc mở rộng hoạt động trên vùng biển này.
Trước chuyến công du, ông Modi nhấn mạnh “chuyến đi lần này của tôi phản ánh ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ”. Tầm quan trọng của Ấn Độ Dương với New Delhi cũng được gói gọn trong thống kê của ông Vijay Sakuja- Giám đốc quỹ hải dương Quốc gia nói với báo giới “90% khối lượng hàng hóa và 75% giá trị thương mại của chúng tôi di chuyển trên biển này”. Việc lôi kéo ảnh hưởng của Ấn Độ cũng không khác chiêu của Trung Quốc: giúp các nước xây dựng hạ tầng biển, cung cấp thiết bị quân sự kỹ thuật cao, ưu đãi bằng các gói vay tài chính…
Nhưng xem ra trong “cuộc chiến” giành ảnh hưởng này, Trung Quốc đã nhanh chân hơn Ấn Độ rồi.
Anh Duy