Tiêu điểm:

Chiếu tướng nhau ở Ukraine

Thứ Sáu, 13/03/2015 16:14  | 

|

(CAO) Cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine giữa quân chính phủ và quân ly khai tuy giảm đối đầu quân sự sau thỏa thuận đạt được ở Minsk, nhưng các động thái mới đây của Nga và Mỹ đang đẩy xung đột ở khu vực này leo thang trở lại.

Hôm 12-3, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp thêm các lệnh trừng phạt kinh tế lên một số phiến quân nắm vai trò lãnh đạo trong lực lượng ly khai miền đông. Lệnh này đóng băng tài sản của các cá nhân, tổ chức ở các tổ chức tài chính Mỹ và cấm công dân Mỹ đầu tư, kinh doanh với các đối tượng bị phạt.

Lệnh trừng phạt cũng áp lên Ngân hàng Thương mại quốc gia Nga - hiện là ngân hàng lớn nhất tại Crimea kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo này một năm trước. Washington ngăn ngân hàng này tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu khi cấm các ngân hàng Mỹ hay có vốn đầu tư của Mỹ giao dịch. Với nước cờ này, Washington muốn cô lập tài chính, chặn dòng tiền lưu thông đến bán đảo này để trả đũa Nga.

AFP hôm 12-3 dẫn tin từ một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Washington sẽ cung cấp gói vũ khí phi sát thương trị giá hơn 75 triệu USD cho quân đội Ukraine gồm 30 xe bọc thép và 200 xe không bọc thép Humvee, máy bay không người lái không trang bị vũ khí Raven, xe cứu thương quân sự, thiết bị nhìn trong đêm...

Từ lệnh trừng phạt kinh tế đến cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, Mỹ liên tiếp tung đòn nhằm đẩy Nga vào thế bị “chiếu tướng”. Moscow đáp trả nhanh chóng. Hôm 8-3, Tổng thống Nga Putin thừa nhận trên đài truyền hình quốc gia Rossiya-1 rằng khi hay tin cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ ông đã lập tức họp với các quan chức an ninh vào tháng 2-2014 để đưa ra quyết định sáp nhập nhanh bán đảo Crimea vào Nga. 

Đối đầu Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine khiến khủng hoảng tại đây khó có điểm dừng

Hành động của Nga dù bị phương Tây phản ứng gay gắt vẫn là nước cờ cao tay khi bán đảo này có vị trí chiến lược, là nơi đóng đô của hạm đội biển Đen hải quân Nga. Crimea trông ra biển Đen - là một biển nội địa giáp với khu vực Tây Á và các quốc gia Đông Âu khác như Romania, Bulgaria. Từ đây, hải quân Nga có thể tỏa ra các phía để thiết lập sức mạnh quân sự ở cả hai châu lục.

Hôm 12-3, ngay khi Mỹ áp thêm các lệnh trừng phạt và nhấn nhá rằng sẽ “gửi vũ khí” cho Kiev, hãng tin Interfax dẫn lời ông Mikhail Ulyanov - người đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng: “Tôi không rõ có vũ khí hạt nhân ở đó (Crimea) hay không. Tôi cũng không rõ về bất kỳ kế hoạch nào, nhưng về nguyên tắc Nga có thể làm điều đó”. Cú tung đòn: Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại Crimea tương tự đe nẹt của Mỹ về gói vũ khí dành cho Ukraine - đều là cách thức để Moscow và Washington gửi thông điệp cứng rắn đến nhau. Cả hai bên đều muốn đẩy đối phương vào thế bị “chiếu tướng” trên bàn cờ khủng hoảng Ukraine.

Điểm lại những năm gần đây, quan hệ Nga - Mỹ liên tục lao dốc không phanh vì những bất đồng. Từ vấn đề Mỹ muốn đặt lá chắn tên lửa ở các nước Đông Âu sát sườn Nga như Ba Lan, mở rộng số thành viên gia nhập NATO là các quốc gia từng chịu ảnh hưởng của Nga dưới thời Xô Viết. Nay đến khủng hoảng tại Syria và Ukraine mà lập trường hai bên ở hai thái cực đối đầu. Cộng đồng quốc tế lo sợ rằng nếu Nga - Mỹ cứ mâu thuẫn theo đà này có thể kéo thế giới vào một cuộc chiến tranh lạnh mới mà trước nhất máu sẽ tiếp tục đổ tại Ukraine.

Anh Duy

Bình luận (0)

Lên đầu trang