Tiêu điểm:

Hàng không hậu MH370

Thứ Hai, 09/03/2015 15:28  | 

|

(CAO) Cuối tuần qua, cộng đồng quốc tế đồng loạt tưởng niệm 239 hành khách cùng phi hành đoàn mất tích trong chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Ngành hàng không thế giới đang tìm cách nâng cấp quy chuẩn an toàn để tai nạn như MH370 không tái diễn.

23 giờ 41 ngày 7-3-2014 (giờ VN), chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines cất cánh trong hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Đến 0 giờ 30 ngày 8-3, máy bay mất tín hiệu radar với trạm điều khiển mặt đất khi đang bay trong khu vực giáp ranh giữa 3 vùng thông tin bay (FIR) của Singapore, Malaysia và Việt Nam. Điều tra sau đó cho thấy MH370 đã quay đầu bay ngược lại eo biển Malacca, rồi bay thêm ít nhất 5 giờ nữa trước khi (được dự đoán) rơi xuống vùng biển Ấn Độ Dương ngoài khơi lãnh thổ phía tây nước Úc.

Bí ẩn mất tích của MH370 một năm sau vẫn chưa có lời đáp. Vì sao từ khi mất liên lạc, MH370 bay thêm 5 giờ nữa về phía Ấn Độ Dương mà phi công không phát tín hiệu cầu cứu mặt đất? Nhiều nghi vấn được đưa ra, thậm chí xuất hiện thuyết âm mưu cho rằng máy bay rơi vào hố đen hay bị người ngoài hành tinh bắt. 26 quốc gia được huy động trong chiến dịch tìm kiếm tốn kém nhất lịch sử hàng không. Tuy nhiên, như lời Thủ tướng Úc Tony Abbott thừa nhận 1 năm sau “dù rất buồn nhưng đến nay chúng tôi chưa tìm được bất kì dấu vết gì của MH370”.

Việc mất tích của hàng trăm hành khách là chừng đấy nỗi đau cho gia đình họ. Từ vật vã than khóc ở sân bay chờ tin, thậm chí xông vào hành hung nhân viên Malaysia Airlines ở các cuộc họp báo về tai nạn, nay hình ảnh từ các hãng tin quốc tế chụp sau 1 năm chỉ là cảnh họ cầu nguyện ở các đền, chùa. Niềm hy vọng điều kỳ diệu giờ được gửi cho niềm tin tôn giáo.

Thế giới tưởng niệm nạn nhân MH370 - Ảnh: AFP

Năm 2014, sau MH370 là hàng loạt tai nạn hàng không thảm khốc: từ MH17 rơi ở miền đông Ukraine đến QZ8501 của Air Asia rơi trên biển Java. Mới đây vào ngày 4-2, chiếc ATR-72 của TransAsia Airways rơi xuống sông tại Đài Loan. Điểm chung của các tai nạn này là đều tìm được xác máy bay và xác định được nguyên nhân tai nạn: bị tên lửa bắn (MH17), bay vào vùng thời tiết xấu (QZ8501)..., chỉ còn MH370 là bí ẩn.

Một loạt tai nạn liên tiếp đã khiến cộng đồng chú tâm hơn về nâng cấp các quy chuẩn an toàn trong ngành hàng không.

Hôm qua 8-3, hãng hàng không Malaysia Airlines cho biết họ bắt đầu theo dõi các chuyến bay đường dài của mình với tần suất 15 phút/lần. Theo đó, cứ 15 phút, tất cả máy bay đang thực hiện hành trình phải tự động cập nhật vị trí của mình. Máy bay được cài bộ thiết bị thu thập dữ liệu về độ cao, hướng bay, vị trí, vận tốc... sẽ phát tín hiệu tới vệ tinh để nhân viên hãng ở mặt đất nắm rõ. Giải pháp kiểm soát lộ trình này dự kiến cũng được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đưa ra như một tiêu chuẩn toàn cầu cho các hãng hàng không khác áp dụng năm 2016.

Ngoài ra, việc siết chặt chất lượng đầu vào trong thi tuyển phi hành đoàn cũng được thực hiện để đảm bảo họ đủ năng lực ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi máy bay gặp sự cố. Hãng hàng không TransAsia được phen “hoảng vía” trong đợt sát hạch năng lực phi công sau vụ chiếc ATR-72 rơi xuống sông làm 42 người thiệt mạng ở Đài Bắc (Đài Loan) hôm 4-2. Theo đó, 10 phi công đã bị đánh trượt trong bài kiểm tra vấn đáp trong tình huống hạ cánh khẩn cấp. Tổng giám đốc TransAsia Peter Chen phải thốt lên rằng: “Kết quả này không thể chấp nhận được. Chúng tôi phải tăng cường đào tạo lại lực lượng phi công”.

Đến nay, máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất. Theo thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), tỉ lệ xảy ra tai nạn máy bay chỉ là 1,2 triệu chuyến mới có một chuyến xấu số. Chúng ta không thể tách khỏi những tai nạn bất ngờ trong cuộc sống. Chỉ còn cách sống chung và giảm thiểu tai nạn bằng cách nâng cao quy chuẩn an toàn.

Anh Duy

Bình luận (0)

Lên đầu trang