(CAO) Hôm qua 16-3, truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét việc cảnh sát Mỹ bắt giữ Jeffrey Williams - một thanh niên Mỹ gốc Phi bị cáo buộc xả súng khiến hai cảnh sát ở thành phố Ferguson, bang Missouri, Mỹ, nguy kịch.
Vụ việc xảy ra ngày 12-3 khi người dân địa phương tổ chức biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở thành phố này. Hai viên cảnh sát tham gia giữ an ninh cho đám đông bị bắn bất ngờ bằng nhiều phát súng trúng mặt và vai. Cuộc biểu tình sau đó đã thành bạo động. Ferguson lần nữa thành tâm điểm bất hòa trong lòng nước Mỹ khi nghi can bị bắt là người da màu. Chủ đề “da màu” giờ trở thành nhạy cảm (dù chưa biết Jeffrey Williams đúng hay sai) vì diễn ra tại “chảo lửa” Ferguson này.
Hôm 4-3-2015, Bộ Tư pháp Mỹ kết luận lực lượng cảnh sát ở thành phố Ferguson phân biệt chủng tộc với dân da màu. Theo báo cáo này, cảnh sát thành phố đã lạm dụng vũ lực, bắt giữ vô cớ và ngăn dân da màu đâm đơn khiếu kiện.
Hồi tháng 8-2014, Ferguson trở thành tâm điểm toàn cầu khi chìm trong bạo động. Bất mãn xuất phát từ vụ một thanh niên da màu tên Michael Brown bị một cảnh sát da trắng bắn chết khi trên tay không cầm vũ khí. Vụ Michael Brown trở thành mồi châm cho nhiều cuộc biểu tình lớn, nhỏ xảy ra khắp các thành phố Mỹ.
Bạo động ở Ferguson trở thành nỗi đau dai dẳng trong lòng nước Mỹ
Đến nay chưa rõ nguyên nhân của cái chết này khi phía cảnh sát trưng đoạn video cho thấy Brown đã ăn cắp xì-gà rồi hâm dọa người bán ở một cửa hàng gần hiện trường trước khi bị bắn. Nhưng một số nhân chứng cho biết nạn nhân bị cảnh sát khám xét vô cớ khi đi trên đường. Brown đã giơ tay đầu hàng nhưng vẫn bị bắn chết.
Hiến pháp Mỹ cấm kỳ thị chủng tộc. Ngày nay tại Mỹ không còn cảnh người da màu (đặc biệt là da đen) phải đi học ở trường riêng tách biệt khỏi cộng đồng da trắng. Ngày nay cũng không còn cảnh lên xe buýt một người da đen phải nhường ghế cho dân da trắng đi cùng chuyến xe như cách đây nửa thế kỉ ở các bang miền nam bảo thủ.
Ngày nay, xã hội hiện đại, thông tin trên internet lan tỏa nhanh chóng khiến những kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan nhất cũng phải chùn tay. Nhưng kỳ thị màu da trong cộng đồng lại chuyển sang hình thức khác.
Kỳ thị ấy có thể là giới chủ trả lương cho người da màu thấp hơn người da trắng trong những công việc có cùng tính chất. Kỳ thị ấy có thể thể hiện qua những hành động bắt giữ, khám xét vô cớ khi thấy người da màu trên đường (như ở Ferguson). Ngay cả ông Obama cũng bị nhiều kẻ kỳ thị màu da đe dọa khiến an ninh cho ông phải thắt chặt nhiều lần. Vẫn cần nhiều nỗ lực mới có thể hàn gắn và xóa bỏ vết thương dai dẳng này.
Anh Duy