Sụt lún nghiêm trọng tại TP.Bảo Lộc: Thiên tai hay "nhân tai"?

Thứ Tư, 17/11/2021 16:39

|

(CAO) Những ngày qua, nhiều bà con tại hẻm 509/5, thôn Kim Thanh, xã Lộc Nga, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) lo lắng vì tại đây xảy ra tình trạng sụt lún, trượt đất kinh hoàng khiến nhiều hộ gia đình lâm cảnh nguy hiểm. Nguyên nhân do đâu?

Một hộ dân lo lắng trước tình trạng căn nhà nguy hiểm do vụ sụt lở đất

Ngày 17/11, phóng viên đã đến hiện trường, chứng kiến, ghi nhận vụ sụt lún kinh hoàng tại đây, kéo dài khoảng hơn 50m, bán kính ngày càng lan rộng, ước tính từ 30 đến 40m. Tại khu vực sụt lún, những hang hốc đứt gãy chạy dài, có những vị trí, độ sâu tới 2-3 m. Đường nội bộ bằng bê tông của 3 hộ dân ở hẻm 509/5, thôn Kim Thanh bị đứt gãy hoàn toàn, không thể đi lại.

Tại hộ gia đình bà Trịnh Thị Ngữ, phần tường nhà chính và toàn bộ công trình phụ như nhà bếp, nhà tắm đã bị đổ sập. 2 căn nhà của bà Lê Thúy Nga và Lê Thị Hải Yến bị xê dịch do ảnh hưởng của sụt lún, trượt đất; hầu hết tường, móng, nền nhà đều xuất hiện những vết nứt nham nhở, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Nhà bà Nga còn xuất hiện vết nứt từ tường mái nhà xuống tới nền ở độ cao khoảng 4m, rộng 2,5-3 cm.

Hiện trường vụ sụt lún, trượt đất

Những người dân có đất, nhà bị ảnh hưởng và nhiều nhà hàng xóm chứng kiến đã bày tỏ sự bức xúc, phản ánh với phóng viên, xảy ra tình trạng này là do hộ ông S. có phần đất phía dưới đã dùng máy múc, múc đất bán trái phép nhiều tháng qua.

Thực tế tại hiện trường, ông S. đã thực hiện việc san gạt mặt bằng, múc đất làm biến đổi hiện trạng đất ban đầu khu vực đất phía dưới các hộ dân này. Ông S. cho xây dựng bờ kè bê tông giật thành 3 cấp có phủ bạt.

Một số hộ dân cho biết, họ sinh sống ở đây từ năm 1977, một số hộ khai hoang đất, một số hộ được cha mẹ cho đất làm nhà ở, sinh sống bao xung quanh khu vực; ông S. mới đến đây mua đất, từ tháng 4-2021 ông này cho máy múc đất trên phần đất của mình.

Lo sợ bị sạt lở đất, các gia đình phía trên đã ra ngăn cản và báo chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp, nhưng không được giải quyết, xử lý dứt điểm từ đầu, đến khi hộ ông S. múc đất lan rộng khu vực, sâu xuống lòng đất thì 'trùng lặp' thay đã xảy ra tình trạng sụt lún trên.

Vậy nên, khi cán bộ địa phương trả lời dân về tình trạng sạt lở, trượt đất trên là do thiên tai, các hộ dân không chấp nhận, bày tỏ bức xúc, mong có những câu trả lời, giải quyết sự việc thoả đáng.

Đường bê tông nối vào 3 căn nhà bị trượt lở đất kinh hoàng

"Thời gian đầu, hộ ông S. cho các máy ủi, máy múc vào múc đất khu vực này đã có những dấu hiệu sụt lún nhưng chưa ảnh hưởng gì đến nhà cửa, vườn tược của 3 hộ dân chúng tôi. Sau đó, ông S. vẫn thực hiện múc đất đến giữa tháng 7/2021, khi múc đất quá sâu mới xây dựng bờ kè để chống sạt lở. Đất đai, nhà cửa của 3 hộ dân chúng tôi bị sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng như hôm nay.

Bà Lê Thị Thúy Nga lo ngại: "Nhà cửa, khuôn viên bao quanh bị sụt lở như vậy, chúng tôi sợ nguy hiểm đến tính mạng, không dám ở, buộc phải di dời đi thuê nhà hoặc ở nhờ nhà người thân. Nhưng cũng không thể kéo dài tình trạng này vì các hộ đều nghèo, không có tiền trả nhà trọ mãi, đi ở nhờ thì ngại làm phiền người thân...". Hầu hết các hộ dân tại đây thuộc diện có hoàn cảnh lao động khó khăn.

Lãnh đạo địa phương nói gì?

Trước việc này, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Lộc Nga, cho biết: Sau khi nhận được đơn phản ánh của các hộ dân, UBND xã Lộc Nga đã cử cán bộ xem xét, ghi nhận hiện trạng đồng thời mời các bên lên hòa giải tìm phương án giải quyết nhưng không thành. Hiện tại, UBND xã đã có báo cáo về vụ việc trình UBND TP.Bảo Lộc xem xét để kiểm tra và có hướng xử lý.

Đoạn đường bê-tông dân sinh bị sụt lở đất gây đứt gãy

UBND TP.Bảo Lộc, cho biết, tình trạng sụt lún đất tại khu vực này cũng từng xảy ra năm 2017. Đến tháng 9-2018, căn cứ vào tình hình thực tế, UBND TP.Bảo Lộc đã ban hành Quyết định 2296/UBND về việc hỗ trợ di dời tạm thời 2 hộ dân, gồm gia đình bà Lê Thị Thúy Nga và gia đình bà Trịnh Thị Ngữ, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Thời điểm đó, mỗi hộ đã nhận hỗ trợ số tiền 19,5 triệu đồng và tự di dời đến nơi an toàn. Sau mùa mưa bão, 2 hộ dân nói trên đã quay trở lại sinh sống bình thường.

Hiện tại, tình trạng sụt lún đất tại khu vực này ngày càng nghiêm trọng. Sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của người dân, UBND TP.Bảo Lộc đã chỉ đạo các phòng Quản lý Đô thị, Kinh tế và Tài nguyên - Môi trường phối hợp cùng UBND xã Lộc Nga tiến hành kiểm tra thực tế, ghi nhận hiện trạng khu vực sụt lún đất. Từ đó, sẽ mời các chuyên gia thực hiện khảo sát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến sụt lún để có các biện pháp xử lý tiếp theo...

Cả 3 hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố sụt lún, trượt lở đất làm sập một phần công trình nhà ở đều thuộc diện lao động khó khăn, có đông người già, trẻ em

Được biết, chiều 17/11, Thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã có chỉ đạo "nóng", yêu cầu các ngành chức năng phối hợp TP.Bảo Lộc khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ sụt lún, trượt lở đất, đảm bảo an toàn, cuộc sống của các hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng và toàn khu vực.

Cụ thể, tại buổi tiếp xúc cử tri chiều cùng ngày, ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND TP.Bảo Lộc khẩn trương xem xét, xử lý dứt điểm vụ việc để đảm bảo an toàn và quyền lợi chính đáng của người dân.

Vườn cà phê của dân cũng xảy ra tình trạng sụt lún, đứt gãy đất

Bình luận (0)

Lên đầu trang