Để thực hiện mục tiêu bình thường mới, vừa phòng chống (PC) dịch vừa phục hồi kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân thì mỗi người dân cũng cần nâng cao trách nhiệm, không chủ quan lơ là, bỏ qua biện pháp 5K.
Ngoài chủ động bảo vệ tốt sức khỏe bản thân và gia đình, người dân cũng cần chú ý đến việc tiếp nhận các thông tin liên quan đến dịch Covid-19, tránh hoang mang và không ồ ạt tích trữ hàng hóa... dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm đồng thời dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh trở lại.
Nghe tin chính thống, chống "tin vịt"
Sáng 12-11, có mặt tại chợ Thanh Đa (P27, Q.Bình Thạnh), chúng tôi thấy lượng người đi chợ khá đông, trong khi biện pháp PC dịch không được đảm bảo, dù cơ quan chức năng liên tục nhắc nhở người dân nâng cao ý thức PC. Khi chúng tôi thắc mắc về lượng người mua hàng tăng bất thường, chị Lê Thị Hoa (35 tuổi, ở địa phương) cho biết, do ở khu phố chị thông báo cho nhau về việc thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách trong tuần này, nên chị và nhiều người ra chợ mua lương thực thực phẩm về tích trữ.
Sau khi nghe chúng tôi giải thích đó là thông tin không chính xác thì chị Hoa bức xúc: "Hai lần trước chính tổ trưởng cũng khuyên nên tích trữ hàng hóa vì thành phố sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn, nhưng kết quả chẳng có chuyện gì xảy ra! Lần này tôi nghĩ cô ấy là tổ trưởng dân phố, ít nhiều phải có trách nhiệm với lời nói của mình nên quyết định tin thêm lần nữa, nhưng thực tế thì...".
Người dân không nên ồ ạt tích trữ hàng hóa, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch
Theo khảo sát của chúng tôi tại chợ Thanh Đa, các mặt hàng được bày bán tăng giá nhẹ, chủ yếu là thịt, cá, rau, dao động từ 5 - 25 nghìn đồng/kg, tùy mặt hàng; nhiều người chọn cách mua từ cửa hàng tiện lợi và siêu thị.
Ông Ngô Mạnh Hùng (53 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) cho biết đến Bách Hóa Xanh mua gạo và mì gói, vì con trai ông đọc tin tức trên mạng xã hội có nội dung thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách vì số ca nhiễm gia tăng, lo lắng nên ông mua về tích trữ. Nhiều người cũng đến đây mua hàng về cất dùng dần sau khi đọc được tin tức trên mạng.
Liên quan đến vấn đề này, người dân cần xem xét 2 bài học được rút ra từ đợt giãn cách suốt 4 tháng qua. Trong thời gian giãn cách, lương thực và hàng hóa thiết yếu được bổ sung liên tục tại các cửa hàng, bách hóa, siêu thị tại thành phố, các kênh mua hàng online tại những siêu thị lớn cũng làm việc liên tục để đảm bảo hàng hóa được chuyển đến tay người dân. Vì thế, mọi người không cần ồ ạt tích trữ hàng hóa dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm, dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh đồng thời khiến dây chuyền cung cấp, vận chuyển hàng hóa quá tải, gây khó khăn cho người mua, tạo tâm lý hoang mang khi không mua được hàng.
Hàng hóa dồi dào, đảm bảo đủ phục vụ người tiêu dùng Về vấn đề tin tức, khi thực hiện bất kỳ biện pháp PC dịch nào, thành phố đều thông báo đến người dân từ trước để có sự chuẩn bị, thích ứng kịp thời. Các cơ quan báo chí cũng thông tin liên tục đến người dân. Thời gian qua, TPHCM cũng đã kịp thời tổ chức Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" để giải đáp thắc mắc cũng như truyền tải các thông tin mới trong hoạt động PC dịch của thành phố. Đây đều là những kênh thông tin chính thống, cung cấp tin tức chính xác, kịp thời đến người dân.
Vì thế, để tránh các rủi ro và hậu quả không đáng có từ việc tiếp nhận các tin tức trôi nổi trên mạng xã hội, người dân nên lựa chọn tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống, chương trình thông tin trực tiếp của thành phố để nhanh chóng cập nhật tin tức liên quan đến dịch Covid-19 nhằm kịp thời chuẩn bị, sẵn sàng thích ứng.
Lan truyền tin giả, hậu quả thật
Bản thân tin giả đã nguy hiểm và mang lại hậu quả nặng nề cho cộng đồng, khi tin giả được người có ảnh hưởng đến công chúng phát tán thì hậu quả càng nghiêm trọng hơn. Phải chăng nên có quy định xử phạt và quản lý chặt chẽ hơn đối với người nổi tiếng về vấn đề này, nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu đến từ những phát ngôn liên quan chưa được kiểm chứng của họ?
Đầu năm 2020, một số nghệ sĩ (NS) nổi tiếng đã bị xử phạt vì hành vi lan truyền tin giả. Trong số này, ngày 12-2 Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đã xử phạt các NS Ngô Thanh Vân, Cát Phượng mỗi người 10 triệu đồng do đưa tin sai về dịch Covid-19. Trước đó, ngày 26-1, NS Cát Phượng chia sẻ thông tin về dịch Covid-19 kèm dòng dự đoán "... Dịch bệnh đã đến quận 1, rồi sẽ lan tràn đến quận 3, quận 5, quận 7...".
Ngày 31-1, diễn viên Ngô Thanh Vân cũng cập nhật trạng thái trên trang cá nhân về tình trạng hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam (VN) giữa lúc đại dịch đang hoành hành; trong khi tại thời điểm này, Cục Hàng không VN đã dừng cấp phép các chuyến bay từ VN đi Vũ Hán và ngược lại. Những thông tin chưa được kiểm chứng trên đã gây hoang mang trong cộng đồng, để lại hậu quả nặng nề, dù hầu hết đã được gỡ bỏ nhanh chóng sau khi đăng.
Mới đây, thêm một trường hợp đưa tin giả liên quan đến dịch Covid-19 cũng bị xử lý nghiêm. Cụ thể, ngày 21-10-2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Vũng Tàu khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thiên Nghĩa (50 tuổi) về hành vi lan truyền tin giả. Theo đó, đối tượng này liên tục có bài viết, đăng tải, chia sẻ lên Facebook "Nghia Nguyen Thien" của mình với những nội dung sai sự thật, xuyên tạc về công tác PC dịch Covid-19. Những bài viết trên mang tính kích động, khiến dư luận hoang mang, lo lắng cũng như phủ nhận công sức PC dịch của chính quyền, người dân cùng các lực lượng chức năng. Tất cả đều được các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm phát hiện, làm rõ, xử lý nghiêm.
Có thể thấy hình thức và nội dung của tin giả là muôn hình vạn trạng, vì thế khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh sàng lọc, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội; đặc biệt cần có sự tra cứu thông tin mình tiếp nhận một cách chính xác, đồng thời tìm đọc các trang báo chính thống để kiểm tra. Ngoài ra cũng cần tham khảo thêm ý kiến những người có chuyên môn liên quan đến thông tin mà người dân tiếp nhận.
Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Bộ Y tế (YT) vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đề nghị Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo Sở YT khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để nhanh chóng đạt được tốc độ bao phủ mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên các đối tượng từ 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền), đồng thời tiêm mũi 2 cho những trường hợp đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Chủ động rà soát tình hình sử dụng vắc-xin, báo cáo lượng vắc-xin phòng Covid-19, số còn tồn và nêu rõ nguyên nhân. Trong trường hợp địa phương không kịp sử dụng và không có nhu cầu dùng đến số vắc-xin được cấp phải báo cáo cho các viện vệ sinh dịch tễ để điều phối, đảm bảo sử dụng vắc-xin hiệu quả.
Các sở YT đề xuất nhu cầu cần cấp vắc-xin từ nay đến cuối năm để bao phủ đủ mũi cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn và nhu cầu vắc-xin dùng cho năm 2022, báo cáo Bộ YT trước ngày 20-11-2021. Sau đó, địa phương nào không đưa ra đề xuất sẽ được hiểu là không có nhu cầu. Bộ YT sẽ thông báo công khai những địa phương có tiến độ tiêm chủng, tỉ lệ bao phủ vắc-xin thấp trên Cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.