Chiến dịch tàn khốc
Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành leo thang chiến tranh tại Việt Nam, đưa hơn nửa triệu quân viễn chinh, lính chư hầu tham chiến và điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc. Ngoài huy động tối đa lực lượng, phương tiện, kỹ thuật hiện đại, chúng còn áp dụng nhiều chiến lược, chiêu bài thâm độc nhằm đẩy nhanh tiến trình công cuộc xâm lược. Bước sang năm 1966, Cục Tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) triển khai kế hoạch mang tên Phoenix Progam, được gọi là chiến dịch Phượng Hoàng.
Hoạch định chương trình này, cơ quan tình báo Mỹ và chính quyền tay sai hy vọng sẽ ngăn chặn được sự chi viện của Bắc Việt đối với miền Nam, loại trừ và tiêu diệt tận gốc hạ tầng cơ sở của Việt cộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam cộng hòa (VNCH). Theo đó, chúng tiến hành theo dõi, bắt cóc, ám sát, thủ tiêu những thành phần được cho là "liên quan đến Cộng sản"; lùng sục phát hiện, bắt giam, chiêu hàng, vô hiệu hóa hoặc tung tin phản bội tạo nghi ngờ trong hàng ngũ cách mạng...
Chiến dịch Phượng Hoàng ban đầu do CIA khởi xướng, về sau chuyển giao cho quân lực VNCH, có sự hỗ trợ, chỉ đạo của cố vấn tình báo, quân sự Mỹ. Chỉ huy chiến dịch Phượng Hoàng là Phủ đặc ủy trung ương tình báo, viết tắt CIO - cơ quan tình báo chiến lược trung ương của chính quyền VNCH, trực thuộc Phủ tổng thống. Kẻ từng nắm quyền điều hành chiến dịch chết chóc này là viên tướng bắn giết người không gớm tay Nguyễn Ngọc Loan, kế nhiệm là trung tướng Linh Quang Viên - Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Đặc ủy trưởng Phủ đặc ủy trung ương tình báo.
Linh Quang Viên sinh năm 1918 tại Cao Bằng, 21 tuổi đi lính cho Pháp, sau đó theo chân Quốc dân đảng, tham gia nhiều trận chiến chống Việt Minh. Năm 1946, Viên tình nguyện tái ngũ vào quân đội liên hiệp Pháp, quan thầy ưu ái đưa sang Paris huấn luyện, đào tạo phục vụ chế độ thực dân. Pháp bại trận, Linh Quang Viên đầu quân cho Ngô Đình Diệm, được cử đi du học khóa tham mưu cao cấp tại Hoa Kỳ.
Năm 1963, tham gia đảo chính giết chết anh em Diệm - Nhu, Viên được phong tướng, thăng tiến rất nhanh, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và nội các VNCH, như Giám đốc Nha an ninh quân đội, Tổng trưởng thông tin tâm lý chiến, ủy viên thường trực chính trị Hội đồng quân lực, Tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đặc ủy trưởng Phủ đặc ủy trung ương tình báo... Viên được đánh giá trung thành với chế độ bù nhìn, là thuộc hạ đắc lực của CIA.
Sau cuộc tổng tấn công, nổi dậy của quân và dân ta Tết Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy điên cuồng trả thù, triệt hạ các cơ sở cách mạng, truy lùng bắt bớ, giết hại hàng loạt cán bộ nằm vùng của ta. Chiến dịch Phượng Hoàng được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban bố sắc lệnh thiết lập mô hình tổ chức Ủy ban Phượng Hoàng từ trung ương tới vùng chiến thuật, các địa phương.
Hậu quả, hàng vạn người dân vô tội chết oan uổng vì nghi "liên quan Cộng sản"! Là trùm tình báo, tổng chỉ huy chiến dịch, thuộc cấp nể sợ đặt cho cái tên mỹ miều "Phượng Hoàng chúa", Linh Quang Viên được CIA cung cấp nhiều tài liệu tối mật, trong đó có danh sách một số cán bộ cao cấp của ta, đã bị lộ hoặc đang cài cắm trong hàng ngũ địch.
Trước tình hình đó, Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành và lực lượng vũ trang tiếp tục chủ động tiến công tiêu diệt địch, tăng cường công tác trinh sát, điệp báo, phòng gian bảo mật, bảo vệ nội bộ, chống nội gián, đánh bại âm mưu của Mỹ - ngụy trong chiến dịch đẫm máu. Để ngăn chặn tội ác, bảo vệ cơ sở, cán bộ cách mạng và nhân dân, một phiên tòa đặc biệt được thiết lập, phán quyết giờ cáo chung cho "Phượng Hoàng chúa" Linh Quang Viên. Lực lượng An ninh T4 được giao thi hành án lệnh.
Số phận tay sai bán nước
Đầu tháng 01/1969, đồng chí Tư Trọng (Nguyễn Tài, sau giải phóng là Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng LLVTND) - Trưởng ban An ninh T4, giao nhiệm vụ cho Biệt đội trinh sát vũ trang nội đô B5 tiêu diệt "Phượng Hoàng chúa". Đảm nhận trọng trách, Chỉ huy trưởng và phó B5 Ba Hiệp, Tư Hổ vừa mừng vừa lo. Mừng vì đơn vị được cấp trên tin cậy, tiếng súng giết thù, diệt trừ ác ôn, những tên đầu sỏ, nợ máu với nhân dân, tiếp tục nổ khi nhà cầm quyền Sài Gòn cứ huênh hoang "Cộng sản hoàn toàn vắng bóng tại thủ đô!". Và không thể không lo bởi trinh sát vũ trang với vũ khí thô sơ phải đối đầu với một nhân vật chóp bu trong bộ máy chiến tranh địch, được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ba Hiệp tên thật là Lê Công Tâm, SN 1921 tại Bến Tre, ra Bắc tập kết năm 1954, được đưa sang Liên Xô (cũ) đào tạo sĩ quan đặc nhiệm, đến năm 1965 quay vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Nhỏ người nhưng nhanh và mạnh như hổ nên Nguyễn Văn Lệnh được đồng đội đặt cho biệt danh Tư Hổ; SN 1939, quê quán Hải Dương, gốc công an vũ trang, năm 1964 anh đang là chuyên viên huấn luyện đặc công bên nước bạn Lào thì được điều về tăng cường cho B5. Anh mua căn nhà ở Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình để chứa vũ khí và chế tạo chất nổ...
Ròng rã cả tuần lễ hai vị chỉ huy sát cánh bên nhau bám trụ quận 1, quận 3, nghiên cứu hành tung "Phượng Hoàng chúa". Viên tướng ba sao tá túc tại căn biệt thự trong khu gia binh trên đường Nguyễn Thông, có dày đặc lính bảo vệ, canh gác chặt chẽ. Hằng ngày khoảng 8 giờ sáng ông ta tới Dinh Độc Lập làm việc bằng xe du lịch hiệu Chevrolet màu đen BS: EA-55..., có hai xe Jeep hộ tống, lộ trình thường là Nguyễn Thông - Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) - Bà Huyện Thanh Quan - Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) - Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Không thể đột kích đối tượng tại nơi ở bởi quá nguy hiểm, phiêu lưu, địa hình bất lợi, chỉ có thể hành động trên đường đi theo phương châm đánh nhanh, rút gọn - lãnh đạo Biệt đội B5 thống nhất nhận định và quyết định Tư Hổ trực tiếp chỉ đạo tác chiến.
Đây là trận đánh lớn, vô cùng cam go, biết có thể sẽ phải hy sinh cả phân đội, cần phải tính toán thật kỹ và chu toàn, bảo đảm chắc thắng. Ba Hiệp, Tư Hổ cùng suy nghĩ, rà soát lại lực lượng và chọn lựa 5 chiến sĩ xuất sắc nhất vào đội hình cảm tử: Nguyễn Văn Cạn (Út Cạn), Võ Anh Đồng, Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh), Trần Văn Cường (Hai Đường) và Đặng Văn Thôn (Chín Bắc). Đây là những thanh niên trẻ, dũng cảm, nhiệt huyết, nhiều lần vào sinh ra tử và đều được thử lửa qua hai đợt tổng tấn công, nổi dậy mùa xuân Mậu Thân.
Trong số đó, Trần Văn Cường tên thật là Lê Việt Bình, thượng sĩ công an vũ trang, được đào tạo đặc công thành từ Hà Nội, từng xâm nhập vào Quảng Trị diệt ác trừ gian trước khi đi chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1967; Sáu Sinh trực tiếp nổ súng hạ gục dân biểu Trần Văn Văn giữa ban ngày dịp ông ta ra tranh cử tổng thống... Đáng lưu ý, có hai chiến sĩ đang trong hàng ngũ địch: Út Cạn lính biệt động quân, Anh Đồng binh chủng dù; nguyên do hai anh đi đường chẳng may bị bắt quân dịch, lãnh đạo An ninh T4 cho cài cắm lại, càng dễ bề hoạt động!
Các trinh sát lặng lẽ điều nghiên, phân tích quy luật di chuyển của viên trung tướng tình báo và đoàn tùy tùng, đêm về họp bàn tình huống giả định. Hai nữ trinh sát Nguyễn Thị Ra và Chín Tợn được bố trí bán tủ thuốc lá trên vỉa hè để hỗ trợ thông tin cho tổ công tác. Lối đánh lóe lên khi trinh sát phát hiện: đoàn xe của Linh Quang Viên thường được cảnh sát giao thông giữ tín hiệu xanh lúc qua các giao lộ, đôi khi vì lý do nào đó gặp đèn đỏ cũng dừng lại như mọi người đi đường.
Sáng 31/01/1969, tại địa điểm bí mật ở huyện Bình Chánh, Ban chỉ huy B5 triệu tập toàn tổ hành động họp bàn phương án tác chiến. Vũ khí, phương tiện được quyết định sử dụng là mìn tự tạo, lựu đạn, súng ngắn và xe máy; tập kích mục tiêu khi dừng đèn đỏ. Nhiệm vụ cụ thể phân công như sau: Tư Hổ chạy xe máy đi đầu chỉ huy và rút lui sau cùng, sẵn sàng hỗ trợ đồng đội. Võ Anh Đồng bận đồ lính dù, chở Út Cạn với sắc phục biệt động quân ôm mìn đi tuyến trước. Tuyến sau Sáu Sinh mặc thường phục chở Hai Đường ôm mìn. Chín Bắc trong vai dân thường chạy xe một mình, dự bị để chở đồng đội lỡ xảy ra bất trắc...
Tư Hổ chế tạo mìn bằng chất nổ C4 và bi sắt nhồi vào hai lon sữa bò, mỗi lon chừng 1,5kg. Hai Đường khoét ruột cuốn từ điển Anh - Việt rồi ép hơn 1kg chất nổ C4 vào. 7 giờ ngày 01/02/1969, tổ hành động tập kết tại quán phở trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Cùng thời điểm, hai trinh sát vũ trang đóng giả lính kiểng của Bộ tổng tham mưu tới các ngã ba, ngã tư nơi "Phượng Hoàng chúa" sẽ đi qua, quẳng cho cảnh sát công lộ gói thuốc thơm và truyền đạt mệnh lệnh từ thượng cấp "Không can thiệp đèn tín hiệu giao thông trong sáng nay"...
8 giờ, chiếc Chevrolet quen thuộc xuất hiện, vẫn hai xe Jeep tháp tùng. Trinh sát xuất phát theo đội hình đã định. Ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) tín hiệu giao thông đèn xanh, đoàn xe mục tiêu lướt qua. Đến giao lộ Bà Huyện Thanh Quan - Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ ngày nay) gặp đèn đỏ, mục tiêu dừng lại. Tư Hổ ra hiệu, Út Cạn lập tức giật nụ xòe thảy mìn trước đầu chiếc xe du lịch rồi giục Anh Đồng tăng ga vọt thẳng.
Tiếng nổ long trời lở đất, đám lính lác trên xe Jeep phần văng ra xa, phần nhất loạt nhảy xuống úp mặt trên đường. Trong khói lửa mịt mùng, bóng viên tướng ngụy đẩy cửa chiếc Chevrolet nhoài ra ngoài, lết về phía đuôi xe. Sáu Sinh lái Honda trờ tới, Hai Đường xuống xe, lao vào ném cuốn từ điển về hướng viên tướng. Trước lúc lên xe Sáu Sinh để rút lui, anh không quên bồi thêm một trái lựu đạn...
Trận đánh diễn ra chớp nhoáng, các xe địch cháy rụi, quân tướng thương vong nặng nề. Thắng lợi giòn giã, các chiến sĩ thực thi nhiệm vụ trở về an toàn, lực lượng An ninh T4 hết sức vui mừng. Nhưng thật bất ngờ, sáng hôm sau báo đài Sài Gòn và quốc tế cùng loan tin: thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm - Tham mưu trưởng Biệt bộ tham mưu Phủ tổng thống - bị Cộng sản ám sát bằng bom trên đường Phan Thanh Giản, có cả lính quốc gia tiếp ứng. Hết thảy đều ngỡ ngàng, Linh Quang Viên thoát chết? Chuyện thật như đùa này ít lâu sau được phơi bày.
Thì ra nhà cầm quyền đương thời giấu nhẹm việc viên tướng ba sao đã thất sủng, vừa bị tổng thống Thiệu hạ bệ, đưa Kiểm thuộc phe cánh thân tín lên thay, chưa công khai nhậm chức thì thiệt mạng ở tuổi 45. Âu đó cũng là số phận của "Phượng Hoàng chúa" mới, kết cục của những kẻ làm tay sai bán nước!
Trừng trị nhắm thẳng vào những tên chóp bu, đầu sỏ, đánh giữa thanh thiên bạch nhật, chiến công của Biệt đội vũ trang B5 đã gây tiếng vang rất lớn, chấn động dư luận trong và ngoài nước suốt thời gian dài. Đám tướng tá ngụy cùng quan thầy hoảng loạn, hoang mang. Hôm ấy (01/02) đúng rằm tháng Chạp; như cái tát vào mặt, cỗ máy chiến tranh của VNCH rần rần chuyển động. Chúng lo sợ bão táp cách mạng bùng lên, một Mậu Thân thứ hai tái diễn trong Tết Kỷ Dậu đã cận kề...