Hướng tới kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018):

Đóng góp quan trọng của CAND trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968

Thứ Bảy, 16/12/2017 20:51  | Mai Loan

|

(CAO) Cách đây tròn 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã đồng loạt nổ ra trên toàn miền Nam, là sự kiện có ý nghĩa chiến lược, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi tới thắng lợi. 

Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự nhằm vận dụng, phát triển trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong những chiến công đó, có vai trò và những đóng góp to lớn của lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam anh hùng.

Những quyết sách táo bạo của lực lượng Công an

Có thể khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” – là kết quả của cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng, mưu trí, sáng tạo tuyệt vời, sự hy sinh oanh liệt của đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam-Bắc, trong đó có những đóng góp quan trọng của lực lượng CAND Việt Nam.

Tại hội thảo khoa học lịch sử "Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968", do Bộ Công an phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức tại TPHCM hôm nay, các báo cáo tham luận đều khẳng định, đây là một sự kiện lớn, đánh dấu mốc quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực của ta, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", làm rung chuyển nước Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận thương lượng để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội thảo

Theo thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng an ninh miền Nam đã huy động hơn 3 ngàn cán bộ, chiến sĩ an ninh gồm: lực lượng điệp báo, an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang, An ninh Miền và an ninh các khu, tỉnh, huyện cùng hàng ngàn cơ sở mật, quần chúng trong các đô thị thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được phân công.

Lực lượng An ninh các khu, tỉnh, phân khu được lệnh tấn công vào các mục tiêu đã định; kết hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ và quần chúng tập trung tiến công vào các cơ quan đầu não, bộ máy kìm kẹp an ninh, cảnh sát, tình báo, hệ thống giao thông, đài phát thanh, sân bay, kho tàng, trại giam của Mỹ - nguỵ; tiến hành diệt ác trừ gian, giải phóng nhân dân khỏi ách kìm kẹp của địch, phá nhiều ấp chiến lược, bức rút các đồn bốt, làm tan rã nhiều hội đồng tề xã…

Rất đông các đại biểu dự buổi hội thảo

Trong tham luận gửi tới hội thảo, thượng tướng GS.TS Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Qua 3 đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng CAND mà trực tiếp là lực lượng An ninh miền Nam đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước, giáng một đòn chí tử vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh trúng vào "hệ thần kinh trung ương" của bộ máy chính quyền Sài Gòn, làm rúng động dư luận quốc tế và chính giới Hoa Kỳ. Trong thắng lợi đó, có biết bao đồng chí của chúng ta đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở chiến trường miền Nam; biết bao đồng chí còn đang mang trong mình thương tật và di chứng của chiến tranh. Những hy sinh ấy không gì bù đắp được…".

Tổng hợp sức mạnh làm nên thắng lợi mùa xuân 1968

Trình bày tham luận về “Hoạt động an ninh phục vụ cho sự lãnh đạo của Đảng bộ khu ủy Sài Gòn-Gia Định giai đoạn 1965-1967, trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TPHCM nêu rõ: Lực lượng An ninh khu Sài Gòn - Gia Định đã đảm trách nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, bảo vệ căn cứ đầu não, bảo vệ vùng giải phóng, chống lại sự đánh phá của địch; chống tình báo, gián điệp, chiêu hồi.

Đồng thời tuyên truyền, gây dựng cơ sở bí mật; bảo vệ bí mật hoạt động trong lòng địch, thực hiện nhiều phương thức hoạt động bí mật trong nội đô; tổ chức hệ thống thông tin liên lạc thông suốt; vận động quần chúng, tuyên truyền chống chiến tranh tâm lý, phát động công tác phòng gian bảo mật, chống địch xâm nhập, lôi kéo; gây dựng cơ sở cách mạng, các đầu mối cung cấp thông tin, xây dựng các “lõm chính trị”, các tuyến đường giao liên…

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo

Trung tướng Lê Đông Phong cho rằng thời gian qua đi nhưng chiến công của quân dân Sài Gòn-Gia Định nói chung lực lượng an ninh nói riêng trong khói lửa chiến tranh vẫn còn mãi mãi. Nhìn lại những tháng năm hy sinh gian khổ và rất hào hùng đó, chúng ta càng thêm trân trọng những giá trị vô giá của độc lập, tự do đã giành được hôm nay, củng cố niềm tin vào ngày mai tươi sáng của dân tộc ta.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư: Trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, ngay giữa lòng Sài Gòn, trung tâm đầu não, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù đã có một loại hình căn cứ đặc biệt, căn cứ cắm sâu trong lòng địch, là hậu phương nhưng đồng thời cũng là trận tuyến, nơi các chiến sĩ cách mạng sống và chiến đấu, đó là các “căn cứ lõm”. Nơi mà tấm lòng và sự chở che của nhân dân đã biến các căn nhà, xóm ấp trở thành nơi đứng chân và đồng thời cũng là trận địa chiến đấu của các lực lượng kháng chiến.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng hàng trăm cơ sở phát huy tác dụng tốt trong công tác nắm tình hình địch, đấu tranh chính trị, tham gia diệc ác, phá kìm, góp phần quan trọng trong tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968. Các căn cứ “lõm” là minh chứng cho tấm lòng của nhân dân đối với cách mạng, cho sự bất khuất kiên cường của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng. Có thể nói đây chính là những “căn cứ lòng dân”…

Phát biểu tổng kết hội thảo, thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, các báo cáo tham luận trình bày tại hội thảo có nội dung thiết thực có chất lượng và hàm lượng khoa học cao, các ý kiến phát biểu đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho rằng: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 là thắng lợi của nhạy bén nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược phù hợp, đúng đắn; quyết tâm chiến lược táo bạo; trong đó có đóng góp quan trọng của lực lượng Công an nhân dân trên nhiều mặt trận, nhiều lĩnh vực hoạt động”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang