"Truy điệu sống" trước giờ lên đường
Sinh năm 1934 tại Tuy Hòa - Phú Yên, cậu bé Hồ Đắc Thạnh tham gia chống Pháp từ năm 16 tuổi ngay trên quê hương mình rồi tập kết ra Bắc vào năm 1954, được đào tạo sĩ quan hải quân, sau đó được giao nhiệm vụ thuyền phó, thuyền trưởng tàu không số.
Ông kể: "Từ năm 1961, chúng ta dò đường bằng tàu gỗ. Cuối năm 1962, tàu gỗ được thay bằng tàu sắt trọng tải 150 - 300 tấn, nhưng chỉ chở 60 - 70 tấn vũ khí, được đóng 2 đáy ngụy trang thành tàu cá. Trên các tàu được trang bị 3 khẩu đại liên 12,7 ly; B40, B41, lựu đạn chống tăng, súng AK... Chỉ huy và thủy thủ các tàu là người miền Nam tập kết; từ năm 1964 thì tuyển thêm người giỏi sông nước từ lực lượng Hải quân.
Lên tàu ra khơi là xác định có thể hy sinh vì sóng bão và bom đạn kẻ thù, vì thế các thủy thủ đoàn đều được tổ chức "lễ truy điệu sống", để khi bị địch phát hiện sẽ cho nổ 1 tấn bộc phá, sẵn sàng hy sinh theo tàu để giữ bí mật. Có những chỉ huy tàu không số như Phan Văn Nhờ (Tư Mau) phải phẫu thuật 7 lần, thay đổi khuôn mặt và tóc để địch không phát hiện, đây là người đã đưa đồng chí Võ Văn Kiệt cùng kiện hàng tuyệt mật 2T.A (chứa toàn USD phục vụ kháng chiến) vào Nam an toàn năm 1973.
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nói chuyện với văn nghệ sĩ TPHCM
Từ năm 1961 - 1975, Đoàn 125 (đơn vị của các tàu không số) đã thực hiện 1.879 lượt tàu, thuyền, vận chuyển 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 CBCS từ Bắc vào Nam chiến đấu (trong đó có những đồng chí: Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Nguyễn Thiện Thành và đồng chí Bảy Vân - phu nhân của đồng chí Lê Duẩn...).
"Các tàu không số đã vượt qua hàng ngàn hải lý, vô hiệu hóa hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi với trên 20 cơn bão, đánh trả hơn 30 lần với tàu địch, 1.200 lần máy bay tập kích, bắn rơi 5 máy bay và nhiều tàu xuồng của địch..." (số liệu từ báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 21/10/2011). Để có được thành quả cách mạng lớn lao đó, 117 CBCS tàu không số đã anh dũng hy sinh...
Ba lần đưa tàu về quê hương Phú Yên
Trở lại với câu chuyện của Trung tá, AHLLVTND Hồ Đắc Thạnh. Ông cho biết đã làm thuyền trưởng trên 17 chuyến (có 2 chuyến làm thuyền phó) tàu không số vận chuyển vũ khí cho Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Phú Yên... Những con tàu này đều có số hiệu, nhưng để giữ bí mật, tàu phải ngụy trang và giấu số hiệu thực. Những chuyến tàu sinh - tử đó đã để lại cho ông biết bao cảm xúc, kỷ niệm, nhất là với 3 chuyến tàu chở vũ khí cho Phú Yên.
Ông nhớ lại: "Sau những chuyến tàu chở cán bộ, vũ khí chi viện cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi được thỏa niềm mơ ước. Đó là vào cuối năm 1964, tôi nhận lệnh chở 63 tấn vũ khí vào Vũng Rô mà hồ hởi, vui sướng vô cùng vì được về với quê hương, tiếp thêm sức mạnh cho các đồng chí, đồng đội đánh giặc. Tới Quảng Ngãi, Bình Định, tàu bị địch phát hiện. Tôi phát lệnh chuẩn bị chiến đấu, súng đạn sẵn sàng, nhưng trước mắt cứ treo cá và cờ vàng lên giả làm tàu của ngư dân. Hai lần tàu địch áp sát nhìn ngó một hồi rồi bỏ đi.
Khi tàu vào Vũng Rô, người chỉ huy tổ nhận vũ khí đã khóc vì cứ tưởng Trung ương chi viện 1 ghe nhỏ súng đạn nên chỉ cử 3 - 4 người đi khiêng vác, giờ cả một tàu sắt mấy chục tấn vũ khí hiện ra thì... biết làm sao! Đã vậy họ còn bị đói suốt mấy ngày, phải nướng khoai mì ăn cầm hơi thì sức lực cũng không còn nhiều cho nhiệm vụ khó khăn này. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh liền ra lệnh cho tàu không số ủi vào bãi chùa, ngụy trang tàu thật kỹ để máy bay địch không phát hiện được rồi mọi người cùng hối hả, gắng sức bốc dỡ vũ khí xuống chôn giấu. Đến 3 giờ sáng hôm sau thì 64 tấn vũ khí đã được chuyển giao thành công, an toàn.
Chuyến thứ hai cũng may mắn như vậy. Chuyến thứ ba khi tàu về đến Vũng Rô, quân dân địa phương hết sức vui mừng vì có 3 tấn gạo thơm cứu đói (trong lúc địch vây ráp ác liệt, đường tiếp tế bị đứt) ngay trong đêm 30 Tết. Bất ngờ từ chân trời, góc biển những tiếng nổ liên hoàn kèm theo ánh chớp sáng rực, mọi người tưởng bị lộ nên sẵn sàng chiến đấu. Định thần lại mới biết đó là pháo hoa giao thừa do phía địch bắn mừng năm mới.
Cùng lúc, radio trên tàu phát lời chúc Tết của Bác Hồ, quân dân trên tàu lẫn trên bờ dù cố gắng giữ bí mật vẫn không thể kìm hãm niềm vui sướng. Ba tấn gạo tám thơm của miền Bắc là món quà Tết rất ý nghĩa trong những ngày chiến đấu gian khổ của quân và dân Vũng Rô. Ông (Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh) còn chuẩn bị luôn bánh chưng, mứt và cành đào Nhật Tân nên không khí càng náo nức. Cơm nóng và bánh chưng thêm sức mạnh cho những người chịu đói lâu ngày, thế là gần 65 tấn vũ khí được bốc dỡ an toàn suốt 2 đêm mùng 1, mùng 2 Tết Ất Tỵ năm 1965...
Đến lúc tàu nhổ neo, 1 nữ chiến sĩ Giải phóng quân đã bốc nắm đất Vũng Rô gói vào khăn mùi xoa của cô đưa cho thuyền trưởng, xúc động nói: "Em xin gửi nắm đất Vũng Rô kiên trung, bất khuất cho miền Bắc và xin hứa sẽ dùng vũ khí mà Bác Hồ và bà con miền Bắc tặng để anh dũng đánh giặc, giải phóng quê hương" (đến nay nắm đất bọc khăn tay ấy vẫn được lưu giữ trong Bảo tàng Hải quân nhân dân Việt Nam).
Tháng 02/1965, tàu 143 chở 60 tấn vũ khí bị địch phát hiện, tấn công tổng lực, chìm ở Vũng Rô. Từ sau vụ đó, địch tăng cường khống chế tuyến đường biển nên hoạt động của các tàu không số gặp khó khăn hơn rất nhiều. Năm 1968, ông làm thuyền trưởng trên chuyến thứ 14 của tàu không số, chở vũ khí chi viện cho Quảng Ngãi mà tâm trạng căng thẳng hơn những lần trước, bởi trước đó vài tháng, 4 chuyến tàu không số vào miền Nam bị địch phát hiện, đánh chìm hoặc CBCS tự kích nổ 1 tấn bộc phá trên tàu (với 3 loại kíp nổ là kíp cháy chậm, kíp hóa học và kíp hẹn giờ, nên không bao giờ địch kịp ngăn ta phá hủy tàu) để giữ bí mật, vì thế chỉ còn 1 tàu quay trở ra được miền Bắc, 3 chiếc còn lại nằm mãi mãi dưới biển sâu cùng những CBCS đã anh dũng hy sinh theo tàu. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nhắc nhở thủy thủ đoàn phải hết sức thận trọng trong chuyến thứ 14 này của ông.
Khách tham quan ngắm ảnh chân dung của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh (ảnh nhỏ) trong Bảo tàng Vũng Rô
Khi tàu vào Đức Phổ - Quảng Ngãi thả hàng xong (vũ khí được bọc nylon chống nước rồi thả cách bờ biển 10 - 20m, sau đó lực lượng vũ trang địa phương sẽ ra vớt, đưa về sử dụng) trên đường quay ra thì phát hiện 2 tàu khu trục của địch đã chặn đường rút của tàu không số; đã vậy tàu còn trúng đạn pháo của địch làm 1 thuyền phó, 1 thủy thủ hy sinh. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh phải cho nổ tàu rồi 20 thành viên còn lại bơi vào bờ, lẩn trốn sự truy lùng gắt gao của địch. Họ phải mất 3 tháng đi bộ vượt Trường Sơn trở ra Bắc với biết bao gian khó, hiểm nguy. Riêng Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh sụt mất 17kg. Về đến Quảng Bình, ông phải bán chiếc đồng hồ đeo tay lấy 150 đồng cho anh em ăn uống dưỡng sức.
Viết tiếp trang sử vẻ vang của các tiền nhân Anh hùng
Thoát chết trong gang tấc, nhưng ông và đồng đội không hề nao núng, vẫn tiếp tục các chuyến hàng chi viện cho miền Nam... Chuyến cuối cùng, ông cho tàu ra hải phận quốc tế xuống tận Vịnh Thái Lan rồi giả làm tàu cá Trung Quốc bị lạc chạy vào Cà Mau. Hai tàu khu trục và máy bay địch áp tải bắt buộc tàu quay về đảo Hải Nam, nhưng địch vẫn không phát hiện đó là tàu không số của đường Hồ Chí Minh trên biển!
Nơi tưởng niệm cán bộ chiến sĩ tàu không số tại Vũng Rô
Sau chuyến đó, ông được chuyển về Phòng Tác chiến - Bộ tổng Tham mưu. Sau năm 1975, ông tiếp tục công tác trong quân đội với chức vụ Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân, năm 1984 về hưu với cấp bậc trung tá. Năm 2011, ông được Nhà nước phong danh hiệu AHLLVTND. Ông và những đồng đội cùng thế hệ đã miệt mài chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, là tấm gương yêu nước, niềm tự hào cho quê hương Phú Yên, nhất là với thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Chiến công to lớn của Quân chủng Hải quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, của CBCS trên các tàu không số nói riêng đã thêm nét son vào trang sử hào hùng của dân tộc...