Nhiều mẫu thịt heo, bò, gà ở Sài Gòn bị nhiễm vi khuẩn gây tiêu chảy

Thứ Sáu, 26/01/2018 15:57  | Ngô Đồng

|

(CAO) Trên 2/3 các mẫu thịt heo, bò, gà tại các chợ truyền thống và siêu thị ở TP.HCM được kiểm tra đều có chứa vi khuẩn Salmonella. Thông tin trên vừa chính thức được công bố.

Đại diện Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), bà Nguyễn Thị Nhung, nhà vi sinh học `cho biết, trong khoảng thời gian từ 10-2016 đến tháng 3-2017, các nhà nghiên cứu đã mua 117 mẫu thịt gà, bò và heo từ các điểm siêu thị và chợ truyền thống trong thành phố. Kết quả phân tích cho thấy 80 mẫu (68.4%) bị nhiễm vi khuẩn Salmonella loại không gây bệnh thương hàn.

Theo các chuyên gia y tế, thịt nhiễm vi khuẩn Salmonella, nếu không nấu chín kỹ, có thể khiến người ăn bị viêm dạ dày ruột, tiêu chảy,... Người nhiễm Salmonella – loại không gây thương hàn – hầu hết đều tự khỏi, nhưng một số trường hợp trở thành bệnh nặng, tùy vào lượng Salmonella mắc phải.

 

Theo bà Nhung, đây là tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella trong thịt cao so với các nghiên cứu ở Châu Âu. Bà Nhung dẫn số liệu giám sát từ Liên minh châu Âu năm 2014, chỉ ra tỷ lệ các mẫu thịt (mỗi mẫu 25g) nhiễm Salmonella là 2,26%, 0,62% và 0,23% đối với gà, heo và bò. Trong khi tại TP.HCM, tỷ lệ này lần lượt là 71,8% (gà), 70,7% (heo) và 62,2% (bò).

Bà Nguyễn Thị Nhung công bố kết quả của nhóm nghiên cứu

“Đáng lo ngại là số lượng lớn Salmonella trong một vài loại thịt, nhất là thịt gà mua ở chợ truyền thống. Loại thịt này chẳng những chứa Salmonella, mà còn là một lượng lớn vi khuẩn”, bà Nhung nhận định.

Theo bà Nhung, tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella trong thịt ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nghiên cứu ở Châu Âu. Ảnh minh họa

Đáng lưu ý là, qua kiểm tra tính kháng kháng sinh (lờn thuốc kháng sinh) của các chủng vi khuẩn Salmonella phân lập được từ thịt, có đến 52,2% các chủng Salmonella đa kháng thuốc, nghĩa là kháng với ít nhất ba (03) nhóm kháng sinh.

Cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã kiểm nghiệm 357 mẫu thịt gà, heo và bò mua từ chợ truyền thống và siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội và Đồng Tháp. Kết quả cho thấy 7,3% các mẫu chứa tồn dư kháng sinh.

Thịt nhiễm khuẩn, còn tồn dư kháng sinh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia y tế, tồn dư kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, sữa và trứng, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người ăn như gây dị ứng/ngộ độc, làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Tồn dư kháng sinh còn có thể dẫn đến sự hình thành vi khuẩn kháng kháng sinh.

 

Kết quả chi tiết của các nghiên cứu viên OUCRU và cộng sự được đăng trong một bài báo khoa học thuộc Tạp chí Quốc tế về Vi sinh Thực phẩm (tên gốc tiếng Anh: International Journal of Food Microbiology).

Người có thể bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh khi tiếp xúc xử lý thịt hoặc ăn thịt, trứng, rau chưa chế biến kỹ. Để phòng tránh lây nhiễm, người chế biến nên rửa tay sạch và cẩn thận trong khâu chế biến thực phẩm, bao gồm việc rửa rau.

Nhóm nghiên cứu cũng hi vọng, với sự kiểm tra, giám sát và tuyên truyền của cơ quan chức năng thời gian qua, người chăn nuôi sẽ tuân thủ thời gian ngưng sử dụng kháng sinh, cai kháng sinh cho vật nuôi trước khi xuất chuồng; các qui trình giết mổ hợp vệ sinh; người tiêu dùng cẩn trọng trong chế biến, bảo quản thì việc lây nhiễm vi khuẩn Salmonella sẽ được đẩy lùi.

Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella lây lan như thế nào?

Vi khuẩn Salmonella rời khỏi cơ thể qua phân của người và động vật bị nhiễm bệnh. Những người khác bị nhiễm khuẩn khi tay, thực phẩm, hoặc đồ vật dính phân bị nhiễm khuẩn được cho vào miệng.

Những người bị nhiễm Salmonella có thể truyền vi khuẩn sang người khác nếu họ không rửa sạch tay của mình sau khi đi vệ sinh.

Một người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do:

- Ăn đồ ăn hoặc uống nước hoặc sữa bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.

- Ăn hoặc chạm vào miệng sau khi chạm vào động vật bị nhiễm khuẩn mà không rửa tay trước. Động vật bị nhiễm khuẩn thường không có vẻ bị ốm. Động vật thường bị nhiễm khuẩn Salmonella bao gồm gà, vịt, lợn, bò, động vật gặm nhấm và các loài bò sát như rắn, thằn lằn và rùa. Thú nuôi là nguồn nhiễm khuẩn phổ biến.

- Ăn đồ ăn sẵn (các loại đồ ăn không cần nấu nướng) được chế biến trên các bề mặt chế biến thực phẩm hoặc bằng các đồ dùng bị nhiễm Salmonella.

Người nhiễm Salmonella – loại không gây thương hàn – hầu hết đều tự khỏi, nhưng một số trường hợp trở thành bệnh nặng, tùy vào lượng Salmonella mắc phải.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Chống thực phẩm bẩn như cuộc chiến giữa kháng sinh với vi khuẩn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang