Viết tiếp bài “Tiền Giang: Doanh nghiệp cầu cứu Thủ tướng, lãnh đạo địa phương nói gì?”:

Thủ tướng chỉ đạo giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp

Thứ Hai, 01/11/2021 17:34  | Thiện Thảo

|

(CATP) Dù Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp và Nghị quyết số 128, nhưng tỉnh vẫn mong doanh nghiệp thông cảm (!)

ĐỀ NGHỊ “CỞI TRÓI”

Liên quan đến đơn cầu cứu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gởi đến Thủ tướng Chính phủ xem xét và có biện pháp can thiệp giúp đỡ doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất nhằm góp phần vào tiến trình phục hồi kinh tế và giải quyết việc làm và ổn định đời sống kinh tế cho người lao động, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương xem xét giải quyết các kiến nghị. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP; Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và phục hồi, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh Tiền Giang cần khẩn trương xin ý kiến bộ chuyên ngành để tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền.

Trước đó, đầu tháng 10-2021, cộng đồng các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị UBND tỉnh không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”; cho người lao động đang sinh sống tại vùng 1 - 3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào ngày 1-11-2021. Đồng thời, không gia hạn thời gian giới nghiêm (19 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau) đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc. Đề nghị test nhanh kháng nguyên, không băt buôc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc và cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc. UBND tỉnh chưa trả lời, ngày 19-10, doanh nghiệp tiếp tục gởi đơn cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.

Đến tối 30-10, tỉnh Tiền Giang mới tháo dỡ chốt trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ

DOANH NGHIỆP VẪN THỰC HIỆN QUY ĐỊNH CỦA TỈNH

Ngay khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh Tiền Giang vẫn yêu cầu các doanh nghiệp đang thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” tiếp tục thực hiện như cũ, song song với việc chuẩn bị xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 1-11. Doanh nghiệp nào đảm bảo thực hiện phương án này hiệu quả, an toàn thì xây dựng phương án hoạt động. Theo đó, kể từ ngày 1-11, tất cả các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu, cụm công nghiệp xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Các DN được lựa chọn, quyết định việc thực hiện và chịu trách nhiệm các phương án: phương án “3 tại chỗ”; tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày; kết hợp phương án “3 tại chỗ” và đi, về hàng ngày.

Đối với việc di chuyển của người lao động trong nội tỉnh, nếu đi bằng phương thức đưa đón tập trung thì doanh nghiệp xây dựng phương án. Trường hợp đủ điều kiện sẽ được đi, về hàng ngày bằng phương tiện cá nhân. Di chuyển liên tỉnh người lao động, chuyên gia, UBND tỉnh đang làm việc với các địa phương và có thông báo sớm nhất cho doanh nghiệp. Người lao động trước khi trở lại làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp hoặc mẫu đơn). Sau khi đã tầm soát, xét nghiệm định kỳ, các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và thực hiện đúng theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong trường hợp tại doanh nghiệp phát sinh F0, F1, doanh nghiệp phải  kịp thời xử lý không để lây lan dịch bệnh. Nếu vượt khả năng, doanh nghiệp phải thông báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Theo doanh nghiệp, phương án “3 tại chỗ” đã lỗi thời

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang giải thích với báo chí: “Việc sử dụng lao động trước hết phải được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 hoặc F0 khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và ở vùng cấp độ 1, 2 mới đảm bảo quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu  quả trong công tác phòng, chống dịch. Dự kiến đến ngày 31-10, tỷ lệ công nhân tiêm vaccine mũi 2 sẽ đạt 56%, do đó doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì ngay từ đầu tháng 11 đưa vào hoạt động với số lượng công nhân khoảng 56%/tổng số lao động, sau đó bổ sung dần...

Đối với người lao động ngoài tỉnh, UBND tỉnh Tiền Giang cam kết với doanh nghiệp sẽ làm việc với các địa phương với tinh thần sớm nhất để thông báo cho doanh nghiệp”. Như vậy, tỉnh vẫn chưa sửa các quy định theo kiến nghị của doanh nghiệp.

Đến tối 30-10, tức sau 20 ngày Nghị quyết 128 có hiệu lực, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành việc tháo dỡ tất cả các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ. Các phương tiện ra vào cửa ngõ miền Tây và tỉnh Tiền Giang được thông thoáng an toàn. Theo đó, 7 chốt kiểm soát trọng yếu tại địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được tháo dỡ gồm:chốt nằm trên đường cao tốc Trung Lương - TPHCM (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), chốt trên Quốc lộ 1 (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành), chốt cầu Mỹ Lợi (xã Bình Đông, TX Gò Công) và các chốt nằm trên đường tỉnh 879 C (huyện Chợ Gạo), Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè), khu vực tiếp giáp với các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang