Cần lập lại trật tự mỹ quan trên địa bàn TPHCM sau đại dịch

Thứ Hai, 01/11/2021 16:34  | An Hoà

|

(CATP) TPHCM đã trải qua 5 tháng chống dịch trong điều kiện khốc liệt và gian khó. Tiếp nối thành quả này, chính quyền và người dân đang chung sức “mở cửa” để phát triển kinh tế, thu hút du lịch, khắc phục hậu quả đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số người thiếu ý thức trong sinh hoạt, tạo nên những hình ảnh mất mỹ quan nơi mặt tiền của một đô thị đang vươn mình đạt mục tiêu xanh - sạch - đẹp. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc mời gọi, giữ chân du khách quốc tế từ đầu tháng này.

“BÔI BẨN” KHÔNG THƯƠNG TIẾC

Đang là cuối mùa mưa, nhiều tuyến đường thành phố ngập úng, nhưng điều đáng nói là nhiều miệng cống thoát nước tại khu vực trung tâm ra ngoại thành đang bị một số người dân làm mất tác dụng. Người đi đường tá hỏa khi phát hiện miệng cống thoát nước tại góc ngã ba Hai Bà Trưng - Trần Quốc Toản (Q3), đối diện chợ Tân Định, Q1 bị rác thải, túi nylon, vỏ hộp cơm... bít kín! Xả rác bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến việc thoát nước, chống ngập, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Ngoài xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm, các địa phương nên phát động phong trào để các đoàn viên thanh niên ra quân thu dọn thông thoáng các miệng cống thoát nước để lập lại mỹ quan đô thị.

Chiều xuống, nhiều người đi ngang bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn bờ kè Trường Sa, trước Nhà thi đấu Rạch Miễu (P2Q. Phú Nhuận) đều xót xa khi chứng kiến dòng kênh đầy rác thải. Hiện nay, lượng nước của dòng kênh chảy giữa lòng thành phố đi qua nhiều quận thỉnh thoảng lại cạn, dưới đáy trơ túi nylon nổi lềnh bềnh, không tiêu hủy được.

Bên cạnh việc trục vớt kịp thời đã đến lúc người dân cần ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh đô thị, không đổ rác thải xuống dòng kênh đang hồi sinh. Cách đó không xa, nhiều người đi trên đường Trường Sa, đoạn cạnh chung cư Miếu Nổi (P3Q.Bình Thạnh) rất bức xúc khi trông thấy các ghế đá công cộng bị chiếm dụng làm nơi phơi... thùng phuy, trong khi mỹ quan đô thị nhếch nhác. Phía cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), rác thải tập kết vô tội vạ trên quãng đường dẫn vào trung tâm Q1. Dù chính quyền địa phương đã lắp bảng thông báo xử phạt người cố tình đổ rác bừa bãi nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Bãi rác “lộ thiên” cạnh cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh)

TĂNG CƯỜNG XỬ PHẠT

Theo điều 7 Nghị định (NĐ) 167/2013/NĐ-CP, vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau: Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng; Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường; Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày người dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Còn tại điều 20NĐ 155/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị...Trên thực tế, do có mức xử phạt cao hơn so với NĐ167/2013/NĐ-CP nên NĐ155/2016/NĐ-CP được áp dụng nhiều hơn để từ đó răn đe, xử phạt các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để bắt quả tang hành vi vi phạm rất khó khăn, hiện nay ở một số địa phương đã áp dụng hình thức phạt nguội bằng cách lắp camera quan sát, từ đó dễ dàng phát hiện, xử phạt hành vi vi phạm.

Để chấn chỉnh tình trạng “bôi bẩn” đô thị, đề nghị cơ quan chức năng xử phạt hành vi vi phạm qua các chế tài đã có Bên cạnh đó, mức tiền xử phạt hành chính với các hành vi: xả rác, thả chó... cần phải được cơ quan chức năng soạn thảo NĐ, thông tư điều chỉnh ngay theo hướng tăng giá trị cấu thành (tăng tiền). Với mức phạt như hiện nay, rõ ràng không đủ sức răn đe và đã có dấu hiệu... “lờn thuốc”!

Bình luận (0)

Lên đầu trang