TPHCM sắp tiêm mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao và tuyến đầu chống dịch

Thứ Bảy, 30/10/2021 22:30  | A. Quân

|

(CAO) Trong 2 tháng cuối năm 2021, TPHCM tiếp tục tiêm vét vaccine mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi; tiêm mũi 1, 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Thành phố cũng sẽ triển khai tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11 và 12 tới.

Chiều 30/10, Sở Y tế TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Y tế TPHCM trong đợt dịch thứ 4.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, đợt dịch thứ 4 trên địa bàn TP bắt đầu cuối tháng 4, ca đầu tiên ghi nhận tại quận Bình Tân. Sau đó, phát hiện một số ca cộng đồng tại quận 7 và Thủ Đức.

Do biến chủng Delta phức tạp, khó lường, lây nhiễm nhanh, không như các đợt dịch trước đó từ tháng 3 đến 12/2020. Đây là lý do khiến dịch bùng phát vào cuối tháng 4, sang tháng 5, tỉ lệ ca dương tính tại TPHCM ở cấp độ 1, nhưng sang tháng 6 đã lên cấp độ 3, tháng 7 cấp độ 3 và tháng 8 lên cấp độ 4.

TPHCM đã trải qua 4 giai đoạn giãn cách xã hội, dài nhất là từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9. Bên cạnh đó, TP tổ chức nhiều hoạt động chống dịch như xét nghiệm, bóc tách F0; thu dung điều trị F0 với mô hình 3 tầng; triển khai cách ly, điều trị F0 tại nhà; tiêm vaccine...

TPHCM đang triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi

Thành phố đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 8/3 cho 75.400 người là lực lượng phòng, chống dịch, nhân viên y tế. Đến tháng 6, TP triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn với 1.109 đội tiêm.

Số vaccine TPHCM tiếp nhận từ Bộ Y tế là 10.917.894 liều và 5 triệu liều vaccine Vero Cell từ nguồn tài trợ. Tính đến 28/10, TP có 7.163.189 người được tiêm mũi 1 và 5.672.114 người được tiêm mũi 2.

Về cấp độ dịch hiện nay, TP đang ở cấp độ 2 (cấp độ trung bình, tương ứng với màu vàng), một số quận huyện cấp độ 1 (nguy cơ thấp), nhưng số ca mắc ca mới của TP vẫn đang ở cấp độ 3 nhưng nhờ tỉ lệ tiêm vaccine cao nên TP được tính ở cấp độ 2.

Do vậy, cần phải theo dõi giám sát chặt chẽ, có quy trình xử lý F0 tại cộng đồng cũng như xử lý F0 tại các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp... nhằm hạn chế tỉ lệ ca chuyển nặng, tử vong.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, có 10 kinh nghiệm quý giúp TPHCM đạt được những thành công bước đầu như hiện nay và TP cần tiếp tục làm tốt trong giai đoạn tới.

Cụ thể: cần quán triệt và thực hiện hiệu quả, đồng bộ chiến lược mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Trong đó, vai trò của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và phường, xã, thị trấn đóng vai trò quan trọng; xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, cảnh báo dịch, đồng thời, triển khai xét nghiệm theo hướng trọng tâm, sử dụng kỹ thuật RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để bóc tách F0; cách ly F0 ngăn chặn nguồn lây là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Phát triển các khu cách ly tập trung quy mô nhỏ gắn liền với địa bàn; phát huy chiến lược chăm sóc F0 theo 2 trụ cột. Dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Phát triển các mô hình chăm sóc F0 tại nhà, bệnh viện 3 tầng…; huy động nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch; làm tốt việc chuẩn bị nhân lực và vật lực tại các quận huyện.

Thành phố sẵn sàng chi viện khi các quận, huyện gặp khó khăn; làm tốt công tác phối hợp với lực lượng công an, quân đội và ngành y tế; củng cố và kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế cơ sở, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực cho trạm y tế phường, xã, thị trấn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, sàng lọc, thu thập dữ liệu về dịch bệnh.

Vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, chăm sóc và điều trị F0.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 cũng đã bộc lộ những điểm yếu của ngành y tế, như: năng lực xét nghiệm chưa theo kịp tốc độ lây lan của biến chủng Delta; việc lấy mẫu xét nghiệm nhiều nhưng lại trả kết quả muộn dẫn tới xét nghiệm không còn ý nghĩa, không kịp thời phát hiện F0 để bóc tách khỏi cộng đồng…

Bên cạnh đó, do chưa có dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập trước đó; hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng chưa được đầu tư đúng mức đã dẫn đến quá tải, khiến nguy cơ tử vong cao. Thành phố cũng chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch còn manh mún, chưa chưa đồng bộ.

Việc lập 16 bệnh viện dã chiến nhưng không đủ thu dung, điều trị số ca nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn, dẫn đến chuyển nặng, tỷ lệ tử vong tăng cao.

Trong 2 tháng cuối năm, TPHCM tiếp tục tiêm vét vaccine phòng COVID-19 mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi. Đồng thời, tiêm mũi 1, 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Thành phố cũng sẽ triển khai tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11 và 12 tới.

Dự kiến năm 2022, TP triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Đồng thời tổ chức tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang