(CAO) UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP. Trong đó nhấn mạnh không phát triển nghề nuôi chim yến tại các khu vực nội thành, nội thị và những khu vực gần trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.
Theo đó, vùng nuôi chim yến trên địa bàn TPHCM dự kiến bao gồm phường Long Phước (TP.Thủ Đức); xã An Thới Đông, xã Bình Khánh, xã Lý Nhơn và xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ); xã An Nhơn Tây, xã An Phú, xã Bình Mỹ, xã Hòa Phú, xã Nhuận Đức, xã Phú Hòa Đông, xã Phú Mỹ Hưng, xã Thái Mỹ và xã Trung An (huyện Củ Chi) và xã Đông Thạnh, xã Nhị Bình, xã Tân Hiệp, xã Thới Tam Thôn, xã Xuân Thới Sơn và xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn).
Theo UBND TP, nuôi yến trong nhà để lấy tổ đang trở thành một nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần nhất định vào sự tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn TP. Thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến như địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa với nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định trong năm. Bên cạnh đó, tần suất xuất hiện của bão ít và ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi yến trong nhà trên địa bàn.
TPHCM: Quy hoạch vùng nuôi chim yến cách xa trường học, khu dân cư
Nghề nuôi chim yến tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm gia tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp của Thành phố, góp phần khống chế côn trùng gây hại cho cây trồng, vật nuôi; giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, trồng rừng, bảo vệ thiên nhiên; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân tại địa phương. Người nuôi yến tại thành phố đã có nhiều năm kinh nghiệm, hơn nữa điều kiện sinh thái tự nhiên thích hợp cho chim yến phát triển. Do đó, ngành nuôi chim yến có điều kiện thuận lợi để phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, phát triển nghề nuôi yến sẽ thúc đẩy phát triển ngành du lịch sinh thái đặc biệt là tại huyện Cần Giờ, hình thành làng nghề nuôi chim yến thu hút khách du lịch, gắn kết giữa nuôi chim yến với nuôi trồng thủy sản hoặc kết hợp tạo dựng môi trường sinh thái để khai thác dịch vụ du lịch tổng hợp, góp phần tăng thêm nhiều giá trị từ đất đai, mô hình, thu hút thêm nhiều lao động tại địa phương.
Đến nay, số nhà yến trên địa bàn là 735, phần lớn xây dựng tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương. Các nhà yến không được cấp phép xây dựng hoặc được cấp phép xây dựng nhà ở nhưng cải tạo, cơi nới thành nhà nuôi chim yến.
Qua khảo sát cho thấy, nhà yến có giấy phép xây dựng chiếm tỷ lệ 17,42% (128 nhà), nuôi yến kết hợp với nhà ở chiếm 52,25% (384 nhà), nhà chuyên dụng 47,75% (351 nhà); xây dựng nhà yến trên đất nông nghiệp là 10%, xây dựng trên đất phi nông nghiệp là 66,67%, xây dựng trên đất ở và đất khác là 22%; nhà yến có diện tích xây dựng bình quân là: 350,9 m2/nhà; diện tích sàn bình quân là 574,5 m2/nhà.
Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Hải quan Trung Quốc đã có Nghị định thư về kiểm dịch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nước ngoài, đem lại lợi nhuận cao và ổn định, thúc đẩy sự phát triển của ngành nuôi chim yến.
Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn TP.HCM chưa có quy định vùng nuôi chim yến, nên phần lớn nhà nuôi chim yến trên địa bàn TP xây dựng một cách tự phát, theo hướng xin phép xây dựng nhà ở rồi tự chuyển đổi công năng sang nhà nuôi yến, ảnh hưởng chung đến mỹ quan đô thị. Việc đầu tư xây dựng và nuôi chim yến nằm trong khu dân cư tập trung đã có những dấu hiệu ban đầu ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của cộng đồng cư dân trong khu vực nhà nuôi, chủ yếu là do tiếng ồn từ máy dẫn dụ.
Nghị quyết Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP được cho sẽ giải quyết được các bất cập trên, góp phần phát triển nông nghiệp đô thị nhưng vẫn đảm bảo về môi trường và sử dụng đất có hiệu quả.