Triển khai hiệu quả việc cho thuê sử dụng lòng đường, hè phố

Thứ Sáu, 07/06/2024 15:08  | Trung Hiếu

|

(CATP) Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, từ năm 2024, để tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), mỹ quan đô thị và khai thác hiệu quả sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông, việc quản lý, thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố (TP) sẽ được triển khai.

Do đó, các tổ chức, cá nhân sẽ được xem xét chấp thuận sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để tổ chức các hoạt động và nộp phí theo quy định. Phạm vi sử dụng này sẽ xác định bằng vạch sơn, biển báo... để phân định với phần lòng đường, hè phố còn lại.

Ông Võ Khánh Hưng - PGĐ Sở Giao thông vận tải TP cho biết, hiện việc thi công công trình trên phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn đang thực hiện. Vì vậy, nhằm bảo đảm công tác triển khai thực hiện, phối hợp tuân thủ các quy định trên một cách hiệu quả, Sở Giao thông vận tải đã ban hành công văn gởi các ban ngành có liên quan đưa ra một số ý kiến cụ thể.

Trước hết, cần xây dựng kế hoạch, phương án tái bố trí, di dời các công trình trên hè phố. Bởi trong quá trình phối hợp các đơn vị rà soát, ban hành danh mục sử dụng tạm thời một phần hè phố ngoài mục đích giao thông, Sở Giao thông vận tải ghi nhận tình trạng bố trí các công trình bên trên hè phố còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, gây ảnh hưởng đến người đi bộ (không còn không gian để đi bộ, lối đi bộ không liên tục, thông suốt do gặp chướng ngại bởi cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật...) dẫn đến việc triển khai các thủ tục nhằm khai thác không gian hè phố theo các quy định gặp khó khăn.

Vì vậy, nhằm bảo đảm lối đi thông suốt cho người đi bộ, bảo đảm TTATGT, mỹ quan đô thị, đồng thời khai thác hiệu quả hè phố để tổ chức các hoạt động, Sở đã đề nghị Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, Tổng Công ty Điện lực TPHCM, Viễn thông TPHCM, Sở Xây dựng (Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật), các đơn vị chủ quản các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình thiết yếu đang lắp đặt dưới lòng đường, trên hè phố chủ động phối hợp với UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện để rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án tái bố trí, di dời các công trình nổi (ngầm) trên hè phố đến các vị trí phù hợp.

Một số vỉa hè tại Quận 1 đã được kẻ vạch để người dân giữ xe tự quản (ảnh CTV)

Bên cạnh đó, UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện, các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải chủ động rà soát các vị trí bố trí công trình trên hè phố không phù hợp để tổng hợp, phối hợp các đơn vị chủ quản ban hành kế hoạch di dời, tái bố trí phù hợp với hiện trạng, nhu cầu quản lý, khai thác vỉa hè và trên hết phải bảo đảm bề rộng vỉa hè tối thiểu 1,5m liên tục, thông suốt dành cho người đi bộ; đồng thời cần rà soát, yêu cầu các chủ đầu tư cập nhật chính xác công trình hiện hữu và có phương án bố trí các công trình bên trên hè phố đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đồng bộ, phù hợp với hiện trạng khu vực lắp đặt.

Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, tiếp nhận kế hoạch phương án tái bố trí, di dời các công trình bên trên hè phố của các địa phương theo địa bàn quản lý để phối hợp đề xuất triển khai thực hiện.

Tiếp theo, phối hợp xử lý đối với phần lòng đường, hè phố được phép sử dụng bị ảnh hưởng do việc thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Theo đó, chủ đầu tư công trình thi công trên phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm rà soát quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để phối hợp thực hiện các giải pháp, phương án xử lý phù hợp đối với tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố bị ảnh hưởng trong quá trình thi công gây ra (trực tiếp hoặc gián tiếp); hoàn trả nguyên trạng hệ thống biển báo, vạch sơn... trên hè phố sau khi thi công hoàn thành.

Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan cũng cần cập nhật thông tin, lưu ý, phổ biến các nội dung kịp thời để các chủ đầu tư công trình và các tổ chức, cá nhân có liên quan được biết và thực hiện.

Hiện đã có 11 tuyến đường ở Quận 1 thực hiện thí điểm thu phí vỉa hè, gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định); Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); Hải Triều, Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành); Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình); Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh); Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang); Trần Hưng Đạo trên địa bàn 4 phường (Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho). Theo đó, mức phí quy định cho hoạt động trông giữ xe từ 20.000 - 350.000 đồng/m2/tháng; mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 - 100.000 đồng/m2. Mức phí được đề xuất tùy theo giá đất bình quân tại các khu vực.

Bình luận (0)

Lên đầu trang