(CATP) Chúng tôi xuất phát từ góc phố Hàm Nghi, quận 1, nơi có Tiệm bánh mì Như Lan trong buổi sáng chủ nhật ngày 27-9. Lần này, chuyến hàng mang theo gồm hơn 2.000 hộp bánh Trung thu Như Lan và 15 tấn gạo. Hướng về miền Trung, nơi có cơn bão số 5 vừa đi qua, nơi có trận khô hạn khốc liệt vừa đi qua, nơi có cơn đại dịch Covid-19 vừa đi qua…, mà nỗi ám ảnh còn hằn sâu trên khuôn mặt những người dân nghèo khó.
Chuyến xe chở nặng ân tình
Chuyến xe lăn bánh trong niềm xúc động của đoàn công tác vì chở theo tấm lòng của chủ nhân tiệm bánh, thay cho lời tri ân tất cả những khách hàng gửi tới trẻ em nghèo, đồng bào nghèo và chiến sĩ Bộ đội Trường Sa. Đó là ân tình của bà chủ tiệm bánh mì nức tiếng Sài Gòn, mà người ta vẫn gọi bằng cái tên trìu mến là "Dì Gái".
Các cô giáo ở Trường Mầm non căn cứ Cam Ranh, huyện Trường Sa xếp bánh Trung thu Như Lan tặng các cháu là con em bộ đội Trường Sa
Có nợ nần gì đâu nhưng xuân thu nhị kỳ, mùa Trung thu và Tết đến, giữa bộn bề công việc, người phụ nữ ấy lại tất tả lo từng phần quà cho người dân nghèo, những chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, các anh bộ đội đang ngày đêm giữ chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Dường như trong con người ấy có một niềm trắc ẩn chắt chiu đong đầy trong tim theo ngày tháng, dù bên ngoài vẫn là sự lạnh lùng, nghiêm nghị thường thấy.
Các cô giáo ở Trường Mầm non căn cứ Cam Ranh, huyện Trường Sa với bánh Trung thu Như Lan tặng các cháu là con em bộ đội Trường Sa
Không một ngày nghỉ ngơi, bà miệt mài, nhẫn nại và bền bỉ trong từng chiếc bánh, từng miếng nhân. Để hơn 60 năm hiện diện giữa Sài thành, Tiệm bánh mì Như Lan đã khắc ghi một dấu ấn đẹp giữa lòng thành phố - nơi đó, sự lao động chân chính đã nở hoa, tỏa hương. Và khi kết trái, trái chín, người đàn bà ấy lại đem đi san sẻ. Sá gì chút vật chất phù vân, chết còn không mang theo được.
Tiệm bánh Như Lan tặng: Lữ 146 Vùng 4 Hải quân - Trường Sa 1.000 hộp bánh. Ninh Thuận 3 tấn gạo và 400 hộp bánh. Khánh Hòa 3 tấn gạo và 400 hộp bánh. Phú Yên 3 tấn gạo. Quảng Trị 3 tấn gạo. Trại giam Bộ Công an (phía Nam) 200 hộp bánh. (Trước đó chúng tôi đã trao 3 tấn gạo cho Ninh Thuận và Khánh Hòa để giúp khẩn cấp người dân trong mùa khô).
Mà cũng chẳng mất mát gì đâu khi giúp cho người khốn khó, ngược lại, chỉ có nhiều thêm thôi, lớn thêm thôi. Đó là sự màu nhiệm của lòng quảng đại và sự bao dung, mà chỉ những người như bà, khi đã dùng cả đời người cho cuộc mưu sinh, nếm bao nhiêu đắng chát của cuộc đời, trải qua bao thành bại giữa cõi trầm luân, đến khi bạc tóc phong trần mới đúc kết được. Bài học đó hẳn đáng tin hơn bao lý thuyết suông với tất cả những mĩ từ mà người ta vẫn thường rao giảng.
Các cô giáo ở Trường Mầm non căn cứ Cam Ranh, huyện Trường Sa tặng bánh Trung thu Như Lan tặng các cháu là con em bộ đội Trường Sa
Chúng tôi mang theo bao ý nghĩ miên man trên chuyến hành trình về một con người và những con người giống như cô Dậu của thành phố nghĩa tình. Có nơi đâu như thành phố mình, hễ cứ bão giông, thiên tai quật ngã đồng bào là bao người lại giang tay dìu đứng dậy. Nghĩa đồng bào lớn lao đến vậy, nên có bao giờ người dân khuất phục trước bom đạn kẻ thù, thì nói gì đến thiên tai!
Và nay trên chuyến xe chở hàng ngàn hộp bánh Trung thu cùng 15 tấn gạo của Tiệm bánh mì Như Lan thay tất cả khách hàng gửi ra cho con em Bộ đội Trường Sa và người dân miền Trung, chúng tôi cứ nôn nóng cho nhanh đến nơi dù trên suốt quãng đường trời mưa tầm tã.
Tặng bánh Trung thu cho các cháu
Trăng ân tình miền hạ
Sau một ngày đường, chúng tôi đến Vùng 4 Hải quân Cam Ranh. Những chiếc bánh Trung thu đầu tiên được tặng cho con em các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ các đảo trên quần đảo Trườ ng Sa. Và ocăn cứ huyện đảo, đoàn chúng tôi lên viếng ngôi chùa và đền thờ Bác Hồ trước khi trao 500 hộp bánh cho các chiến sĩ đang huấn luyện, làm nhiệm vụ tại Huyện đảo Trường Sa.
Các chiến sĩ thuộc Lữ 146 nhận bánh Trung thu Như Lan
Đồng chí Phó chính ủy Lữ đoàn 146 Trường Sa dâng bánh Trung thu lên bàn thờ Bác Hồ
Qua dải đất Nam Trung bộ từ vùng bán hoang mạc của tỉnh Ninh Thuận ra Phú Yên..., những địa phương vừa trải qua trận khô hạn khốc liệt, đồng khô cỏ cháy, người dân mất mùa, thiếu ăn, lại chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và cơn bão số 5 làm bà con càng thêm khốn khó. Phía Bắc Trung bộ, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị là những địa phương cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 5 vừa đi qua. Đoàn công tác đã phối hợp với chính quyền và công an địa phương phát đến hạt gạo cuối cùng cho bà con.
Lãnh đạo TP.Cam Ranh trao bánh Trung thu cho các em thiếu nhi và trao gạo cho đồng bào nghèo
Những hạt gạo nghĩa tình của bà Dậu Sài Gòn trong chuyến từ thiện lần này đã giúp hàng ngàn hộ dân của miền Trung vượt qua cơn khốn khó của thiên tai, hạn hán mất mùa. Điều đặc biệt, ở những địa phương mà đoàn đi qua, chúng tôi đều mang tặng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn những chiếc bánh Trung thu Như Lan. Trên khuôn mặt từng em thấy ánh lên niềm hạnh phúc vì nhận được sự quan tâm, sẻ chia thiết thực.
Lãnh đạo TP.Cam Ranh trao bánh Trung thu cho các em thiếu nhi và trao gạo cho đồng bào nghèo
Miền quê nghèo duyên hải chiều nay có người nông dân và những em bé vui hân hoan với món quà thật nhiều ý nghĩa. Cái khắc nghiệt của thời tiết nơi đây cứ kéo ghì người ta vào cuộc kiếm tìm mưu sinh nhọc nhằn, nên ít bao giờ họ có được niềm vui như vậy. Trăng miền hạ giữa mùa Trung thu đẹp lạ, cũng từ những ân tình trao gửi của người thành phố hôm nay.
Trăng qua miền sơn cước
Cho đến khi ngồi viết lại những dòng này, chúng tôi vừa ra khỏi cung đường xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn của vùng thượng Khánh Sơn - vùng đất được xem như đoạn rìa cao đặc biệt cuối cùng của dải Trường Sơn trước khi hạ dần để đáp xuống cao nguyên Di Linh - Lâm Đồng.
Tặng gạo cho bà con khó khăn
Phải mất nửa ngày đường chúng tôi mới đến được thung lũng thị trấn Tô Hạp. Từ đây đi tiếp khoảng một tiếng đồng hồ mới đến được bản làng của người Raglay. Bản làng đồng bào ẩn sau truông núi, nằm cạnh thung lũng Ô Kha, nơi 28 năm trước từng có hai chiếc máy bay rơi xuống một cách bí ẩn trong cùng một ngày.
Tại đây, chúng tôi phát gạo cho người dân và trao bánh Trung thu Như Lan cho từng cháu nhỏ, có cả màn múa lân thùng thình vang nhịp giòn tan giữa núi rừng. Dường như hiếm khi nào các em có một ngày vui như vậy. Và những người dân đồng bào Raglay hiền lành đang vui cười hớn hở đợi nồi cơm gạo mới do bà Dậu Sài Gòn gửi tặng được các cán bộ ân cần trao tận tay cho bà con.
Trao gạo cho người dân nghèo
Tiếc là chúng tôi không thể ở lại đêm để đón trăng lên đỉnh núi và cùng vui Trung thu với các em. Vì trời chiều chuyển mưa, sợ sẽ gây sạt lở trên đường đi và cũng vì ngày mai, chúng tôi còn mang những hạt gạo, những chiếc bánh nghĩa tình tiếp tục gửi trao ở một điểm khác cho dân.
Trên cung đường trập trùng xuyên qua những cánh rừng, xe chúng tôi nhiều lúc phải cua gấp qua những khúc cánh chỏ. Có những đoạn còn dấu đất đá của cơn mưa rừng đêm qua gây sạt lở. Nhưng bỗng thấy nhẹ lòng, nhẹ bước chân vì giữa đại ngàn mênh mông chúng tôi vừa mang đến niềm vui nho nhỏ cho bà con nghèo và trẻ em nghèo. Tất cả cho trọn tình nghĩa, tròn một mùa trăng.
Người dân nghèo nhận gạo.
Khi bài báo này được hoàn tất gửi về Tòa soạn, chúng tôi nhận được điện thoại của cô Dậu đề nghị tặng thêm cho người dân nơi nào nghèo khó mà đoàn đi qua thêm 5 tấn gạo. Chúng tôi vô cùng xúc động và ước rằng có thể phát ngay tức khắc 5 tấn gạo cho người dân nghèo đỡ khổ. Nhưng đành hẹn lại vị ân nhân của nhiều mảnh đời và xin hẹn bà con nghèo trong một chuyến đi gần nhất vì thời điểm hiện tại chúng tôi vừa ra khỏi rừng đang ở dưới chân núi và trong sáng mai, 1-10, còn một điểm phát gạo và bánh tại Ninh Thuận chúng tôi phải hoàn tất để trở lại đơn vị làm việc.
Xin gửi lời tri ơn của người dân và các cháu nhỏ tại các địa phương của miền Trung thân yêu và lời cảm ơn của các đồng chí thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, bộ đội Trường Sa đến cô Nguyễn Thị Dậu. Cám ơn một mùa trăng trọn vẹn nghĩa tình mà Tiệm bánh Như Lan mang đến.