Vì sao Quảng Bình chậm bồi thường sự cố cá chết?

Thứ Năm, 17/11/2016 00:24  | Hoàng Quân

|

(CAO) Trong khi 3 tỉnh miền Trung đã, đang thực hiện chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố cá chết cho người dân thì ở Quảng Bình vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên còn chậm.

Địa phương bị ảnh hưởng nặng

Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 29-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng thiệt hại tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế (do sự cố cá chết diễn ra vào tháng 4-2016 mà Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh đã gây ra và phải bồi thường 500 triệu USD). Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã hoàn thành thống kê thiệt hại và đã, đang chi trả tiền bồi thường cho người dân nhưng công việc này tại Quảng Bình còn chậm.

Tổng thiệt hại của Quảng Bình theo Quyết định 1880 là hơn 2.138 tỷ đồng. Trong đó, khai thác thủy sản hơn 1.171 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản gần 320 tỷ đồng; sản xuất muối hơn 18 tỷ đồng; hơn 26.670 lao động trực tiếp bị thiệt hại hơn 442 tỷ đồng; gần 10.670 lao động gián tiếp hơn 186 tỷ đồng.

Quảng Bình cùng Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nhất, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng; số người đánh bắt, kinh doanh, nuôi trồng, chế biển thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, kinh doanh dịch vụ du lịch giảm mạnh. Về thu nhập, Quảng Bình chịu ảnh hưởng nặng nhất khi có đến 83,2% người dân bị giảm thu nhập so với trước khi xảy ra sự cố.

Ngư dân xã Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, lãnh đạo Quảng Bình họp Hội đồng đánh giá thiệt hại, xác định 7 nhóm đối tượng bị thiệt hại được bồi thường gồm: khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.

Tỉnh đã công bố mức áp giá: tàu cá trên 400CV là 30 triệu đồng/tàu/tháng, tàu dưới 20CV hơn 9,6 triệu đồng/tháng; từ 250-400CV là 25 triệu đồng/tháng; tàu không lắp máy 5 triệu đồng/tháng. Hỗ trợ hơn 38,6 triệu đồng/ha ruộng muối. Người lao động bị mất thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng,…

Tại Hội nghị “Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về giải quyết sự cố môi trường biển” vào sáng 15-11, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở TT&TT, UBMTTQ tỉnh cho biết, hiện tỉnh vẫn đang thống kê, thẩm định việc kê khai bồi thường cho người dân.

Cấp xã đã cơ bản hoàn thành, cấp huyện đang thẩm định. Mới có 7 xã, phường có Quyết định phê duyệt đối tượng và kinh phí bồi thường gần 130 tỷ đồng. Trong đó, thị xã Ba Đồn đã chi trả tại xã Quảng Hải 50% số tiền phê duyệt - gần 1,7 tỷ đồng.

Do nhiều nguyên nhân khách quan

Lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ban ngành lý giải khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm chi trả là do các văn bản của các cấp, ngành có những điểm bất cập, thay đổi nên việc kê khai phải thực hiện nhiều lần, gây khó khăn, mất nhiều thời gian.

Tàu thuyền đánh bắt cá neo đậu trên cửa biển Nhật Lệ

Do đặc thù của địa phương nên đối tượng bị thiệt hại có khác so với các tỉnh và UBND tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được bổ sung các đối tượng như: nuôi trồng trên ao, cát ven biển, cơ sở cung cấp nhiên liệu cho tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần hải sản, sản xuất giống thủy sản.

Quyết định 1880 quy định lao động trong dịch vụ hậu cần nghề cá phải có địa điểm kinh doanh hoặc hộ khẩu tại các địa phương ven biển. Nhưng thực tế các cơ sở, đối tượng bị thiệt hại trực tiếp này chủ yếu hoạt động tại các cảng, bến cá là những địa bàn nằm trên vùng cửa sông, không tiếp giáp biển.

Một số cơ sở nuôi tập trung, quy mô, độc lập với khu dân cư, việc kiểm soát của thôn xóm gặp khó khăn nên việc họp dân lấy ý kiến, niêm yết công khai còn thiếu sót về đối tượng và do áp lực thời gian theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Định mức bồi thường cho tàu cá xa bờ thấp hơn nhiều so với đề xuất của tỉnh... Đặc biệt, toàn tỉnh bị thiệt hại rất nặng nề trong 3 đợt mưa lũ trong tháng 10-2016 và phải tập trung mọi người, mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại nên làm chậm tiến độ kê khai, đền bù.

Nhiều người dân các địa phương bày tỏ sự phấn khởi khi tỉnh đã công bố mức giá bồi thường, hỗ trợ và đang hoàn tất công tác kê khai để chi trả tiền. Trước đó, Chính phủ, các Bộ ngành, UBND tỉnh cùng các ban ngành đã hỗ trợ khẩn cấp từ kinh phí nhà nước, của tỉnh và các nguồn xã hội hóa nên bà con cũng phần nào tạm vượt qua khó khăn. Tuy nhiên về lâu dài, bà con mong muốn biển sạch như lúc trước để có thể trở lại nghề biển và các hoạt động, dịch vụ liên quan, dần ổn định cuộc sống.

Môi trường biển khu vực Quảng Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Ông Nguyễn Tiến Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành và đội ngũ báo chí.

Ông Hoàng bày tỏ: “Chúng tôi đề nghị, mong muốn các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường công tác tư tưởng, tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu đầy đủ, chính xác chủ trương, chính sách về giải quyết sự cố môi trường biển để nhanh chóng giải quyết những vướng mắc; đấu tranh với các đối tượng lợi dụng tình hình để xuyên tạc, kích động, lôi kéo nhân dân tham gia các hoạt động khiếu kiện, gây rối làm mất ổn định an ninh trật tự”.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng chia sẻ thêm: “Ngoài thực hiện việc chi trả, bồi thường cho người dân, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội sẽ triển khai thêm nhiều phương án, biện pháp để hỗ trợ người dân như: đào tạo nâng cao kỹ thuật đánh bắt hải sản; khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ khai thác, nuôi trồng, kinh doanh hải sản; tạo điều kiện vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ, đào tạo nghề, lao động việc làm cho người dân”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang