Vừa bước vào hè, phụ huynh lại đau đầu với sách giáo khoa

Thứ Hai, 06/06/2022 08:31  | Nam Anh

|

(CATP) Dù mới bước vào đầu mùa hè, nhiều trường đã tổ chức cho học sinh (HS) tới lớp học thêm do trong năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặc dù vậy, điều khiến nhiều phụ huynh (PH) bức xúc là tình trạng giá sách giáo khoa (SGK) tăng chóng mặt, cao hơn gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình cũ.

Chi tiền triệu mua sách giáo khoa

Khi vật giá ngoài thị trường không ngừng tăng cao thì việc tăng giá SGK đầu năm học 2022 - 2023 khiến nhiều PH lo lắng. Theo các hiệu sách trên địa bàn TPHCM, ba bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Chân trời sáng tạo" và "Cánh diều" giá cao hơn gấp 2 - 3 lần sách cũ. Trong khi đó, SGK tiếng Anh không niêm yết giá bìa được bán trôi nổi trên thị trường từ 120.000 - 150.000 đồng/bộ. Nhìn bề ngoài sách rất đẹp, chất lượng in tốt, bắt mắt, nhưng tính tuổi thọ của sách không cao, sử dụng một thời gian ngắn thì các trang bị bung ra.

Qua ghi nhận của chúng tôi, hiện SGK lớp 3 Chương trình Giáo dục phổ thông gồm 6 cuốn (Tiếng Việt tập 1, 2; Toán; Tự nhiên và Xã hội; Tập viết tập 1 và 2) giá 58.000 đồng. Bộ SGK lớp 3 năm học 2022 - 2023 mới tăng từ 183.000 - 200.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh - cuốn thường đắt nhất). Bộ SGK lớp 7 gồm 12 cuốn giá cũ 134.000 đồng thì nay từ 215.000 - 230.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ SGK lớp 10 gồm 14 cuốn từ 164.000 đồng nay tăng lên 246.000 - 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà HS lựa chọn).

Chị Trần Thị Chung (ngụ Q.Bình Thạnh) cho rằng: "Hiện nay có tiền cũng chưa chắc mua được sách, vì dù giá cao nhưng các nhà sách, công ty văn phòng phẩm cũng không thể nhập về bán. Để mua được SGK, PH phải đăng ký với nhà trường mua theo kiểu "combo". Năm học 2021 - 2022, gia đình tôi có cháu học lớp 2 nhưng đã phải chi ra 923.000 đồng mua bộ sách có kèm theo một số loại tham khảo, sách tiếng Anh và bộ dụng cụ học tập. Cộng các khoản chi phí như tập viết, quần áo... vào đầu năm học mới, gia đình tính nhẩm cũng phải chi ra ngót 4 - 5 triệu đồng. Thế nhưng, dù thiếu thốn đến đâu cũng phải cắn răng chi tiền triệu để mua sách cho con, vì đây là yêu cầu bắt buộc. Trước kia, thời chúng tôi đi học, lớp đàn em có thể sử dụng lại sách của anh chị đi trước để lại; còn bây giờ mỗi năm đều phải thay sách, thật lãng phí!".

Cần nghiên cứu lại

Cùng tâm trạng, chị Vũ Thị Thu Thủy (ngụ huyện Nhà Bè) cho rằng, chương trình SGK mới quy định HS phải mua thêm sách thể dục, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp... là không cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo và các nhà biên soạn chương trình SGK vẫn cho rằng môn học bắt buộc thì phải có sách kèm theo. Thực ra, hai năm qua quyển SGK thể dục mang tên "Giáo dục thể chất", "Hoạt động trải nghiệm" được rất nhiều PH phản ánh chưa một lần dùng đến vì chưa thực sự cần thiết, bởi HS lớp 1 vào đầu năm học chưa biết đọc.

Học sinh lựa chọn mua sách giáo khoa trong tình trạng giá tăng cao

Theo phản ánh của nhiều PH, hai năm học theo chương trình cải cách mới thực sự quá lãng phí. Nhiều cuốn sách cả năm không thấy thầy cô nhắc tới, học hết cả hai học kỳ mà sách vẫn... chưa hề mở ra, nhất là với môn Thể dục. "Nhắc đến thể dục thì phải chạy nhảy, tập luyện trên sân, chứ đâu phải là thể dục trên giấy mà yêu cầu mua SGK đổi mới?", một PH bày tỏ. Tương tự, với môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, điều HS cần là được thu nhận kiến thức thông qua những trải nghiệm thực tế, chứ không phải trên giấy. Giờ SGK mỗi năm một bộ, những quyển sách mà anh (chị) học năm trước, năm sau em không dùng được đã gây ra sự lãng phí không cần thiết. Chương trình học dàn trải, nặng nề, không cô đọng khiến thế hệ bây giờ học trước quên sau. Điều này rất cần nghiên cứu lại.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều giáo viên (GV) dạy môn Thể dục từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở cũng cho rằng, SGK Thể dục trên thực tế không giúp gì cho việc đổi mới giảng dạy môn này, chỉ cần có sách hướng dẫn cho GV như trước kia là đủ. Điều mà GV và HS cần là nhà trường nên đầu tư nhà thể chất đa năng, bãi tập, bể bơi, sân chơi... để em nào cũng có thể học tập, chứ không phải có SGK thì HS mới yêu thích môn Thể dục.

Ông Hoàng Đình Tùng - chuyên gia ngành Giáo dục - cho rằng, cải cách giáo dục là việc tăng chất lượng những môn học chính thức, giảm số lượng đầu sách bắt buộc trong danh mục SGK từ lớp 1 trở đi. Theo đó, ở bậc tiểu học, các môn học như: giáo dục thể chất, đạo đức, nghệ thuật và hoạt động trải nghiệm chỉ nên có sách hướng dẫn cho GV là đủ, không cần phải trang bị SGK cho HS. Vì vậy, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần sớm điều chỉnh, tránh gây lãng phí, thêm gánh nặng chi phí về tiền bạc cho PH, HS.

Bình luận (0)

Lên đầu trang