Hỏi: Gia đình tôi có vụ kiện tranh chấp đường đi với hộ bà X. Quá trình tòa án tiến hành đo đạc, thẩm định tại chỗ, bà X. nhiều lần bất hợp tác, làm mất thời gian của cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng tôi. Xin hỏi pháp luật có biện pháp xử lý thế nào nếu đương sự cản trở việc giải quyết vụ án? (ĐẶNG HỮU DƯ (Trảng Bom, Đồng Nai).
Trả lời: Điều 489 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định "Xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng" như sau:
Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật:
1. Làm giả, hủy hoại chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của tòa;
2. Từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng;
3. Từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, kết luận giám định sai sự thật;
4. Cố ý dịch sai sự thật;
5. Không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của tòa án mà không có lý do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng;
6. Cản trở người tiến hành tố tụng xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do bộ luật này quy định;
7. Lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;
8. Lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan;
9. Lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa.
Tương tự, điều 466 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác có một trong các hành vi cản trở hoạt động tố tụng như làm giả, hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ việc, vụ án; khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật... thì tùy mức độ vi phạm có thể bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp giải, dẫn giải, phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp bạn hỏi, hành vi "gây mất trật tự, cản trở người có thẩm quyền tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, quyết định định giá, quyết định trưng cầu giám định hoặc thực hiện các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ" có thể bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (điểm b khoản 3 điều 18 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 ngày 18-8-2022). Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.