Mưa cua đồng

Thứ Bảy, 15/10/2022 20:43

|

(CATP) Làng tôi một mặt dựa lưng vào những thớt vườn toàn dừa là dừa. Phải gọi là dừa bạt ngàn, hết thớt vườn này nối tiếp thớt vườn kia cả chiều rộng lẫn chiều dài của làng. Cách làng này với làng kia là ruộng rẫy, những thửa ruộng sình lầy trâu lội sát bụng, nhưng vào mùa nắng đất khô nẻ mốc trắng màu muối, đến những cơn gió ào ạt thổi qua cũng để lại trong không khí mùi đặc trưng của biển: Không phải chỉ nước mặn mà gió cũng mặn.

Mặt trước làng nhìn thẳng ra cánh đồng rọc cát. Cũng những thửa ruộng hình chữ nhật chen kín nhau từ chân con lộ làng dẫn tới một giồng cát trông giống như một bàn cờ khổng lồ. Đặc điểm của ruộng rọc cát là đất pha cát một màu vàng sẫm, do đất cát không trữ nước được nên trồng lúa chỉ một vụ vào mùa mưa, khác với ruộng rẫy trồng lúa hai vụ vì đất lầy có thể trữ nước. Phía sau giồng cát rộng và dài là những cánh đồng lầy, mùa nắng chi chít dấu chân trâu, nhưng mùa mưa chỉ hai, ba cơn mưa rào là những cánh đồng lầy lênh láng nước.

Trẻ con làng tôi chỉ quanh quẩn trên những cánh đồng rọc cát, ít khi xâm phạm tới lãnh địa đất giồng và không đặt chân xuống những thửa ruộng lầy vì nó mênh mông quá. Hết thửa ruộng này tới thửa ruộng kia cách một bờ đê cao, nhỏ như sợi chỉ chạy băng băng vào cõi bao la, không có điểm dừng. Trước sự mênh mông của không gian và những cánh đồng tít tắp, trẻ con chúng tôi thường lo sợ viển vông khi đứng trước cái cõi bao la không bờ bến ấy.

Nhưng ngược lại, đối với những thửa ruộng cát thì khác. Chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, gần gũi hơn với những trò chơi vào mùa khô khi trên đồng chỉ còn lại rơm rạ sau vụ gặt, đặc biệt là những đêm trăng sáng. Rọc cát ở địa thế cao gần bằng mặt lộ, ruộng không sâu, sau vụ gặt đất khô ran, rơm rạ vài tháng nắng lụi tàn nằm rạp xuống, trải một lớp thảm trên mặt ruộng, đi rất êm chân, làm sân đá bóng thì hết sức lý tưởng.

Vào mùa mưa, khi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống trắng đồng, nước đã ngấm xuống tận cùng chân ruộng thì những cơn mưa sau làm thành lũ, nước không biết ở đâu mà chảy như sông, tràn qua những bờ ruộng đầy hoa cơm nguội. Đó là lúc trẻ con xóm tôi kéo ra cánh đồng rọc cát lênh láng nước, vừa tắm mưa, vừa bắt cua đồng bị cuốn khỏi hang, nổi trôi theo dòng nước. Đứa nào cũng xách theo cái thùng thiếc để đựng cua, cứ giăng hàng ngang mà bắt, những con cua đồng to tướng, mai màu nâu tím, càng, ngoe bơi bơi, huơ huơ trong nước, cố bám vào cây cỏ để ở lại. Nhưng mưa như trút nước, cây cỏ còn xiêu dạt, huống chi họ hàng nhà cua đồng bị hổng chân trong dòng nước chảy xiết?

Ảnh sưu tầm

Chúng tôi gọi những cơn mưa đầu mùa như thế là "mưa cua đồng" và chỉ có cánh đồng rọc cát mới có hiện tượng này. Cua đồng không biết từ đâu đổ về, hàng hàng lớp lớp cuốn theo nước. Có người mang lợp ra đặt, cứ đứng đó 10-15 phút là đổ lợp, bắt cua, lúc này cua chỉ đựng bằng thùng thiếc, cơ man là cua. Nhưng trẻ con chúng tôi khác với người lớn, đi vớt cua đồng trôi theo dòng nước trên cánh đồng rọc cát không phải để mang ra chợ bán vì quê tôi thuở đó không ai ăn cua đồng, trừ việc bằm nhỏ ra cho đàn vịt tàu nuôi đẻ ăn cho sai trứng. Trẻ con xóm tôi cùng một lứa, quần cụt, lưng trần, tay xách thùng thiếc, lội bì bõm trong cánh đồng rọc cát vớt cua đồng như một thú vui quên giá lạnh. Đứa nào mặt mũi cũng nhòa trong mưa, môi tím xanh, nhưng mê bắt cua đồng đến quên cả trời đất.

Lúc này, cua đồng không sánh đôi được nữa mà mỗi con đực, cái riêng lẻ, hì hục bơi trong cảnh hoảng loạn của sự sống và cái chết chỉ cách nhau một sợi tóc. Cua đồng đực trưởng thành càng sắc nhọn, ngoe bơi khỏe, thịt chắc ngọt. Cua đồng cái con mang trứng, con mang con nhỏ li ti dưới yếm, hằng hà sa số, một cái yếm đầy lũ cua đồng con, cũng trôi theo mẹ, cũng không biết sẽ đi về đâu, chen chúc nhau cố bám lấy sự sống. Huống chi là những chú cua nhóc tì chẳng may rời khỏi yếm mẹ trôi lênh đênh theo dòng nước cuốn?

Những đứa trẻ con tay xách thùng thiếc cua nặng trĩu, người đã lạnh run, mặt tái mét thi chạy đua về nhà. Lập tức một đống củi được đốt lên, ngọn lửa bừng bừng, đứa nào cũng ngồi sát vào ánh lửa để sưởi ấm, hong khô quần áo, tóc tai. Một cái nồi to tướng bắc lên bếp, nước đổ đầy. Chẳng mấy chốc nước sôi lên, những con cua đồng xấu số được "tắm" trong nồi nước sôi, từ mai cua đến càng, ngoe nhanh chóng đổi màu từ nâu tím sang vàng đỏ. Mẻ cua luộc được trút ra thau, rổ, đám trẻ con tranh nhau bốc lấy, vừa thổi, vừa tách mai cua, bẻ thân cua ra làm đôi, làm tư nhai rau ráu, không cần chấm muối tiêu chanh nhưng ngon cực kỳ. Nếu không luộc thì nướng, từng con cua bị thảy vào đống lửa than, cháy xèo xèo, mùi cua nướng bốc lên thơm lừng trong không khí hòa lẫn vào hơi mưa. Những cái miệng nhóp nhép còn dính cả bụi than, chẳng biết thú vị điều chi bỗng nhìn nhau toét ra cười.

Chỉ vài ngày sau, có đốt đuốc đi tìm cả cánh đồng cũng không bắt được con cua nào về... "làm thuốc". Lũ cua đồng bỗng dưng biến mất, hay chúng bị trẻ con bắt hết trong mấy cơn mưa đầu mùa? Chắc chắn không, vì cơ man là cua rời hang trôi theo dòng nước đi tìm nơi định cư mới trong quy luật sinh tồn vô định. Những con cua sống sót đã chui vào hang, cua cái mang con đầy yếm tiếp tục thiên chức làm mẹ để cho ra đời những thế hệ cua khác nổi trôi số phận vào mùa mưa năm sau: "Mưa cua đồng".

Nhưng cua đồng bây giờ không còn nhiều trong thiên nhiên nữa. Họ hàng nhà cua đồng đã trở thành đặc sản với đủ cách chế biến, từ cháo cua đồng ở Bến Tre tới lẩu cua đồng ở thành phố. Còn món cua đồng giã nấu riêu, làm chả cua và linh tinh những món khác thì được xem là món ăn truyền thống của vùng, miền. Mỗi lần ăn tô bún riêu, tô canh cua rau đay thành phố hay về quê ăn cháo cua đồng, tôi không khỏi nhớ lại những mùa "mưa cua đồng" thời thơ ấu. Thoắt một cái mà đã xa biền biệt ở một góc quê nhà.

Bình luận (0)

Lên đầu trang