Lan đột biến: Từ thương vụ tiền tỷ đến cú sốc giá rẻ

Thứ Ba, 11/10/2022 09:30

|

(CATP) Cách đây vài năm, thông tin về các giao dịch lan đột biến với giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng rộ lên trong thị trường cây cảnh Việt. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, thị trường lan đột biến lại không có người mua, được rao bán trên mạng và trên vỉa hè với giá rẻ bất ngờ.

"Cơn sốt" ảo

Giữa năm 2018, giới chơi hoa lan kiểng rộ lên thông tin về một người ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bán giò lan đột biến cho khách hàng ở Hải Phòng, với giá 700 triệu đồng. Dư luận chưa hết xôn xao thì giới chơi lan càng bất ngờ hơn khi một số diễn đàn mạng xã hội phát trực tiếp cuộc giao dịch tiền tỷ, mặt hàng là cây lan đặc biệt tên "Bướm Đại Ngàn".

Sau 2 cuộc giao dịch trên, nhiều thông tin về các thương vụ mua bán lan đột biến với giá bạc tỷ tiếp tục bùng nổ. Cụ thể, một cây lan phi điệp Bảo Duy có 5 cánh trắng được bán với giá 2,7 tỷ đồng; gốc lan Giã Hạc đột biến 5 cánh trắng của chủ nhân người Ninh Thuận bán cho một đại gia ở Đà Nẵng với giá gần 7 tỷ đồng... Nhưng chấn động nhất là thông tin về thương vụ chuyển nhượng lan đột biến tại Bình Phước vào ngày 10-6-2020, có người bán 3 chậu lan với giá gần 32 tỷ đồng (cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng giá 12 tỷ đồng, một cây Bảo Duy 5 cánh trắng khác giá 9,9 tỷ đồng, một cây Da Vàng giá 10 tỷ đồng).

Chưa hết, cộng đồng chơi lan lại rầm rộ chia sẻ hình ảnh chậu lan Juliet dài chừng 20-30cm, được giao dịch với giá... 83 tỷ đồng. Thậm chí có những giao dịch được quảng cáo giá tới hàng trăm tỷ đồng. Lúc này, nhiều người bắt đầu nghi ngờ đây có thể là chiêu "thổi giá”, thậm chí là "kịch bản" được dàn dựng công phu.

Thế nhưng tiếp tục có thông tin về nhiều thương vụ mua bán, trao đổi, đấu giá lan đột biến tiền tỷ diễn ra ở nhiều tỉnh, thành. Nắm bắt xu hướng này, nhiều đối tượng sử dụng chiêu trò "hô biến" cây lan thường thành lan đột biến, "thổi giá” lên tiền tỷ. Không ít người vì ham mê làm giàu nhanh chóng đã sập bẫy lừa.

Ngày 07-8-2020, Công an H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) tạm giữ nhóm 11 đối tượng (cùng ngụ Hòa Bình) chuyên lừa đảo chiếm đoạt tiền mua bán hoa lan. Nhóm này thuê nhà ở thị trấn Cầu Giát (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An), sử dụng trang cá nhân trên mạng Facebook để rao bán hoa lan với giá rẻ hơn thị trường rất nhiều. Khi có khách hỏi mua, nhóm này yêu cầu chuyển tiền. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, các đối tượng lập tức chặn trang Facebook của người mua, xóa toàn bộ thông tin liên hệ với khách hàng và chiếm đoạt số tiền giao dịch.

Lan đột biến được rao bán trên mạng với giá rẻ

Vào ngày 21-7-2000, Công an H.Yên Thủy (Hòa Bình) đã làm rõ trò lừa đảo thông qua mua bán, giao dịch hoa lan của 5 đối tượng. Tại trụ sở công an, các đối tượng khai do thấy lợi nhuận về lan đột biến rất cao nên nảy sinh ý định lừa đảo. Cả nhóm mua hoa lan loại thường, lấy keo, dây thép gắn hoa của lan đột biến (đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ) vào, chụp ảnh, quay video đăng lên các trang mạng xã hội để bán giá cao.

Cuối tháng 8-2020, Công an H.Di Linh (Lâm Đồng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam đối với Bùi Văn Sỹ (SN 1986, quê Hòa Bình) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, ông Đ.V.T (ngụ H.Di Linh) đã mua của Sỹ 4 cây lan Hồng Yên Thủy và một chậu lan Hồng Mỹ Nhân, với giá 440 triệu đồng. Ngày 30-8-2020, Sỹ tiếp tục mang 2 chậu lan Hồng Minh Châu đến bán với giá 1,47 tỷ đồng thì bị ông T. phát hiện không phải lan đột biến nên trình báo công an.

Thị trường lao dốc

Từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều cây lan từng được thông tin là có giá tiền tỷ hoặc trăm triệu đồng đã rớt giá thảm hại, xuống mức vài triệu, thậm chí vài trăm nghìn đồng. Đơn cử, hàng loạt loại lan đột biến với tên mỹ miều như: HO (Hiển Oanh), Hồng Yên Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Sơn Cước... được rao bán ở các hội nhóm trên mạng xã hội với giá chỉ vài trăm, thậm chí vài chục nghìn đồng mỗi cây.

Ông Nguyễn Như Cường (Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: Giá lan đột biến hiện nay đúng với giá trị thật. Trong giai đoạn trước đây, loại cây này đã bị các đối tượng "thổi giá”, vượt quá giá trị thực nhằm trục lợi, gây lũng loạn thị trường. Người kinh doanh, sản xuất và chơi hoa lan cần phải tỉnh táo trước những chiêu trò nâng giá, bởi lan đột biến chỉ là sản phẩm hàng hóa lưu thông bình thường, không có tính chất độc bản, lịch sử, sớm muộn cũng phải trở về đúng giá trị thực.

Ông Trịnh Duy Nam (SN 1973, ngụ xã Thanh An, H.Dầu Tiếng, Bình Dương, đang sở hữu vườn lan khá lớn, từng đuổi theo "giấc mơ tiền tỷ” về lan đột biến) cho biết, vài tháng trở lại đây, loại lan này rớt giá thê thảm. Những chủ vườn lan quy mô ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước đều "kêu trời" vì chẳng những giá quá rẻ mà không có khách tìm mua.

Đưa chúng tôi đến một vườn lan có tiếng tại H.Dầu Tiếng (Bình Dương), ông Nam cho biết, chủ vườn ở đây vẫn bán được lan đột biến nhưng số lượng không nhiều, khách chủ yếu là những người chuyên chơi lan. Còn các "group" chuyên về lan đột biến liên tục đăng bài, hình ảnh, video, thậm chí phát trực tiếp với nội dung rao bán lan đột biến với giá rất rẻ.

Tài khoản K.N rao bán 10 kie HO (tức 10 mầm lan Hiển Oanh) với giá 450 nghìn đồng. Tài khoản M.T rao bán lan HO, Phú Thọ với giá chỉ 420 nghìn đồng/2 chậu, cây nhỏ hơn 4 chậu chỉ 300 nghìn đồng, 3 chậu giá 265 nghìn đồng... Tài khoản V.T bán chậu lan HO với giá chỉ 60 nghìn đồng... Mới đây, dư luận xôn xao về hình ảnh lan đột biến được đưa lên xe hàng rong, mang ra ngã tư Công viên Cầu Trắng (Q.Bình Tân, TPHCM) chào bán với giá từ 50 - 100 nghìn đồng/chậu đã ra hoa, thấp hơn nhiều các chậu hoa lan công nghiệp.

Hiện rất nhiều người chơi lan đột biến cố gắng gỡ gạc được đồng nào hay đồng nấy bằng những buổi livestream trên trang cá nhân Facebook, nhưng không hiệu quả. Ông Nam lắc đầu, ngao ngán: "Giờ tôi chỉ trồng các loại lan thông thường như thú vui. Với giá hiện tại, tiền phân bón, thuốc trừ sâu còn cao hơn cả tiền bán chậu lan".

Trở về giá thật

Thị trường kinh doanh lan đột biến đã chứng kiến những đợt "nhảy múa giá” với thông tin giao dịch lên đến hàng tỷ, chục tỷ, thậm chí trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc vào cuộc của các cơ quan chức năng, "cơn sốt" nhanh chóng biến mất. Cũng từ đây, xuất hiện tình trạng bán tháo để thu hồi vốn.

Một số người chơi lan cho rằng tình trạng trên do số lượng cây quá nhiều và sinh sản nhanh, tốc độ ươm kie nhanh vượt quá khả năng tiêu thụ của thị trường. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các buổi gặp gỡ, giao lưu của những người có nhu cầu mua bán, trao đổi phải tạm ngưng. Sau đại dịch, người dân thắt chặt chi tiêu lẫn đầu tư, không còn mặn mà với những thú chơi xa xỉ. Chính vì thế, giá lan đột biến đột ngột rớt xuống tận đáy. Người đầu tư điêu đứng khi chứng kiến giá lan đột biến đang "bốc hơi" từng ngày.

Vườn của ông Nam giờ chỉ trồng các loại lan rừng

Ngoài ra, sau thời gian bỏ tiền đầu tư, chính nhiều người trong giới chơi lan cũng không còn tin vào lan đột biến khi họ hiểu ra đây chỉ là chiêu trò "thổi giá”, gây "sốt" ảo. "Lan đột biến hiện tại không còn "hái ra tiền" như trước đây. Cho nên dù người ta có rao bán các loại lan HO, Hồng Yên Thủy, Bạch Tuyết... thì cũng không có cách nào để xác minh và cũng không chắc chắn đúng là những loại lan đột biến đó hay không. Cạnh đó, loài hoa này mỗi năm ra hoa một lần, nhưng chỉ ngắm được có 2 tuần. Trong khi hoa lan Hồ Điệp có thể tươi cả tháng. Vì thế, nhiều người dần rời xa thú chơi lan đột biến vì vừa tốn nhiều tiền, vừa mất công chờ đợi" - ông Nam nói.

Theo một đại gia chơi cây cảnh tại tỉnh Bình Phước, trước đây, lan đột biến được "thổi giá” cao quá mức bởi một số đầu nậu. Họ làm theo những kế hoạch bài bản để đánh vào lòng tham của nhiều người khi thấy dễ kiếm tiền một cách nhanh chóng. Sau khi thỏa thuận, họ sẽ vờ mua bán với nhau hoặc cho người của mình đứng ra mua. Thực chất, điều này cũng giống như trò bán hàng đa cấp biến tướng, lấy tiền của người đóng sau trả cho người đóng trước.

Trên thực tế, những người thua lỗ trong việc đầu tư vào lan đột biến khá nhiều, nhưng hầu hết đều là những người đầu cơ, không am hiểu về lan cũng như thị trường. Khi thua lỗ quá nhiều thì họ chấp nhận giải tán để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Còn với những người đầu tư cho hoa lan truyền thống, khi thị trường lan đột biến thoái trào cũng là cơ hội để họ tìm mua những loại lan này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang