Ý chí của những “chiến binh áo trắng” từ nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

Thứ Ba, 20/07/2021 20:29

|

(CAO) Là nơi tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có nhiều trường hợp nguy kịch, các bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đang căng mình làm việc ngày đêm để cứu chữa cho bệnh nhân. Các nhân viên y tế luôn xác định dốc hết sức mình, quyết tâm nỗ lực làm những gì có thể; bác sĩ khổ cỡ nào cũng được miễn bệnh nhân khỏe là được.

Cố gắng cùng nhau làm việc

Có mặt những ngày đầu chuẩn bị cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động Bác sĩ, Chuyên khoa 1 Huỳnh Quang Đại, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kể, ở đây không chỉ áp lực về mặt chuyên môn mà số lượng bệnh nhân nặng rất lớn. Chúng tôi thiết lập được khoa nào bệnh nhân đã vô liền và lại phải thiết lập một khoa mới. Nhân sự liên tục phải điều động. Công việc rất nhiều, mọi chuyện phải lo về đảm bảo an toàn chống nhiễm khuẩn, thiết lập phòng đệm thay đồ, trang thiết bị cho từng khoa phòng, điều động nhân lực...

“Các anh em ở đây ngoài điều trị các ca bệnh nặng còn làm các ca ECMO ở các bệnh viện khác. So với những lần đi chi viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Quảng Nam hay Bắc Giang trước đây, cường độ lần này dữ dội hơn rất nhiều.” – Bác sĩ Huỳnh Quang Đại chia sẻ.

Theo bác sĩ Huỳnh Quang Đại, quân số bác sĩ làm hồi sức tích cực ở đâu cũng không nhiều. Bệnh viện Chợ Rẫy có hơn 10 bác sĩ hồi sức đã cử đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 một nửa. Để đáp ứng được yêu cầu, các bác sĩ hồi sức phối hợp các chuyên khoa khác và chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm các bác sĩ hồi sức trưởng tua, hỗ trợ chuyên môn chung. Nhóm 2 là bác sĩ liên quan hồi sức như cấp cứu, gây mê... Nhóm thứ 3 là bác sĩ chuyên khoa nội, ngoại. Tất cả cùng tham gia hỗ trợ lẫn nhau.

Bác sĩ Huỳnh Quang Đại cho biết, với chủng Delta bệnh nhân suy hô hấp rất nhanh, bệnh nặng rất nhiều, tiến chuyển rất nhanh, ngay cả người trẻ cũng tiến triển rất nặng. Tại bệnh viện có trường hợp bệnh nhân trẻ nhất là 28 tuổi. Hiện tại nhiều bệnh nhân nặng ở các nơi chuyển về Bệnh viện Hồi sức tích cực. Các bệnh nhân nguy kịch không can thiệp kịp thời khả năng không qua khỏi nên anh em đều phải nỗ lực.

“Ngay khi nhận nhiệm vụ tại đây chúng tôi xác định cố gắng nhiều và làm những gì có thể. Anh em đều dốc hết sức, quyết tâm nỗ lực. Một ngày anh em làm từ sáng đến 11 - 12 giờ đêm thậm chí 1 - 2 giờ đêm. Đêm qua anh em đặt ECMO tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương về tới đây đã 4 giờ sáng. Có người ra khỏi ca vô cùng mệt, gần như kiệt sức, phải uống cả lít nước bù lượng nước đã mất. Nhưng nghỉ ngơi hôm sau lại tiếp tục làm việc. Đáng mừng, vừa rồi đã có nhân lực các địa phương hỗ trợ thêm và sắp tới sẽ tiếp tục có thêm nhiều nhân lực hỗ trợ.” – Bác sĩ Huỳnh Quang Đại chia sẻ.

Bác sĩ Chuyên khoa 2, Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chia sẻ: “Chúng tôi đã tiên lượng trước về tình trạng bệnh nhân. Mỗi ngày nhân viên liên tục phục vụ. Lực lượng điều dưỡng nhìn rất sót, các bạn phải làm việc hết công suất của mình. Anh em bác sĩ cũng vậy. Nếu nơi khác trong điều kiện bình thường bác sĩ chỉ làm công việc của bác sĩ nhưng lúc này bác sĩ phải làm cả việc của điều dưỡng. Và điều dưỡng phải làm cả công việc hộ lý. Chúng tôi không phân biệt nhiệm vụ của người nào, hỗ trợ lẫn nhau được thì sẽ hỗ trợ. Anh em thành một khối gồng gánh cố gắng cùng nhau làm”.

Các bác sĩ trao đổi về việc điều trị cho bệnh nhân

Theo Bác sĩ Trần Thanh Linh, bệnh viện mới hoạt động có 4 - 5 ngày nhưng đã tiếp nhận gần 260 bệnh nhân. Mỗi ngày khoảng 50 ca và toàn những ca nguy kịch nên áp lực rất lớn. Hiện nay chúng ta đang được tăng cường lực lượng ở các bệnh viện khác của TP và cả khu vực phía Bắc vào. Hiện nay việc thực hiện theo chuẩn mực với thời gian cách 2 tuần hay 1 tháng phải đổi lực lượng là không được. Anh em thấy còn thấy làm được thì cứ làm. Thật sự là công việc vất vả nhưng sau những ngày này anh em sẽ trưởng thành hơn rất nhiều, học được rất nhiều, không chỉ về chuyên môn mà còn nhiều việc khác.

Thay đổi “chiến thuật đánh chặn” từ xa

Chia sẻ về công tác điều trị, Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 cho biết, hiện Bệnh viện Hồi sức Covid-19 kết nối trực tuyến đến tất cả bệnh viện cấp quận và cấp 2 (trong tháp điều trị 4 tầng) của TP. Cùng với đó là thiết lập đường dây nóng điều phối bệnh và hội chẩn với tuyến dưới.

Bệnh viện cũng cử 4 bác sĩ chuyên về hồi sức cắm chốt tại 4 bệnh viện cấp 2 của TP để kịp thời phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng. Chúng tôi đã thực hiện thay đổi “chiến thuật đánh chặn” từ xa. Những bệnh nhân về đây phải thở máy và ECMO nhưng nếu ngồi trông chờ bệnh nhân về thở máy và ECMO là thất bại. Vì vậy phải đánh chặn trước.

Bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng bệnh viện sẽ hội chẩn online, cần thiết chuyển về Bệnh viện Hồi sức sớm, không đợi phải đến khi thở máy. Việc này sẽ giúp an toàn cho bệnh nhân trong quá trình chuyển viện, thứ 2 khi chuyển lên các bác sĩ đánh giá và can thiệp sớm bằng cách cho thở oxy dòng cao, lọc máu trước chặn bệnh sẽ chuyển từ độ 3 lên độ 4 và giúp bệnh nhân có thể giảm độ nguy kịch.

“Mấu chốt quan trọng mình phải đánh chặn, không để bệnh nhân chuyển nặng. Để làm được điều đó đòi hỏi cố gắng của bác sĩ rất nhiều. “Muốn bệnh nhân sướng thì bác sĩ phải khổ. Anh em ở đây xác định bác sĩ khổ cỡ nào cũng được miễn bệnh nhân khỏe là được”. – Bác sĩ Nguyễn Trí Thức chia sẻ.

Điều trị cho cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19

Theo TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức, đối với Bệnh viện Hồi sức Covid-19 khó khăn cũng nhiều, nhưng tất cả anh em cùng đồng tâm, đồng lòng, đoàn kết về một khối. Tất cả cán bộ, nhân viên y tế ở các địa phương khác khi về đây đều đồng lòng vì nhân dân TPHCM. Khi vào môi trường này tất cả anh em đều quán triệt không kể ngày giờ để làm việc. Hiện giờ về mặt quản lý điều hành tất cả các bộ phận nòng cốt là Chợ Rẫy, bên cạnh đó là các lực lượng khác nên đến thời điểm này chuyên môn tương đối trôi chảy.

Các vấn đề khác như hậu cần, quản trị, nhân viên vệ sinh, hộ lý, xử lý môi trường rác còn thiếu nhưng TP đã cử các lực lượng xuống hỗ trợ. Nói chung công việc đến bây giờ tương đối thuận lợi. Dự kiến trong tuần này bệnh viên tăng lên 460 giường, tuần sau sẽ mở rộng lên 700 giường và có thể lên 1.000 giường trong tháng này.

“Trong tình hình hiện nay thì phải nhìn thực trạng khách quan để hoàn thành nhiệm vụ chứ không đổ thừa khó khăn. Phải vượt qua khó khăn với những gì mình đang có để thực hiện một cách tối đa.” - Bác sĩ Nguyễn Trí Thức chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang