Chiến sĩ Cảnh sát PCCC & CNCH: Người hùng thầm lặng giữa đời thường

Thứ Năm, 23/09/2021 18:44

|

(CAO) Ngành phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ là nghề nguy hiểm, độc hại, người chiến sĩ Cảnh sát PCCC & CNCH luôn đối mặt với những hiểm nguy, kề cận giữa sự sống và cái chết, khi tham gia chữa cháy, cứu nạn có thể gặp các sự cố như sụp đổ công trình, nổ... xảy ra.

Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh “Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháychữa cháy”. Ngày 22/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 5490/QĐ-BCA-X11 về việc xác định ngày 04/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.

Năm 2010, lực lượng Cảnh sát PCCC chính thức được Bộ Công an giao thêm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Ngày 22/02/2021, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 1036/QĐ-BCA về việc xác định ngày 04/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã đạt được nhiều thành tựu, chiến công, góp phần bảo vệ thành quả của xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trung tâm thương mại Gigamall của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH TP.Thủ Đức

Thành phố Thủ Đức thành lập vào ngày 19/12/2020 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, người dân của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức diện tích hơn 22.000 ha, dân số hơn 1,1 triệu với đặc điểm tập trung nhiều công trình trọng điểm quốc gia, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trường đại học, cao đẳng, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại và đông dân cư... địa bàn luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.Thủ Đức đã tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả với 33 vụ cháy , 01 vụ nổ và 09 vụ cứu nạn, cứu hộ; xuất 42 lượt xe chữa cháy cùng 44 lượt CBCS tham gia 278 cuộc bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tổ chức thực tập 78 phương án chữa cháy; 32 phương án cứu nạn, cứu hộ; 08 phương án cứu nạn, cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng tham gia. Lập mới 64 phương án chữa cháy theo mẫu PC18; 07 phương án chữa cháy-CNCH đối với các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19; hướng dẫn xây dựng, bổ sung 22 phương án PCCC và CNCH đối với khu cách ly, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tổ chức 28 cuộc 2.462 lượt người tham dự tuyên truyền phòng cháy chữa cháy cho khu dân cư; 257 cuộc 10.707 lượt người tham dự tuyên truyền PCCC, huấn luyện cấp giấy cho cơ sở, doanh nghiệp; phát hành 02 tài liệu tuyên truyền về PCCC khu dân cư gửi UBND và Công an các phường phát thanh trên loa và qua các nhóm Zalo, Facebook...

Từ chỗ xem công tác phòng cháy chữa cháy là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thì nay mọi người đã thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác này.

Thiếu tá Phạm Văn Túc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH (ngoài cùng bên phải) Công an TP.Thủ Đức tham gia cứu nạn nhân bất tỉnh dưới cống sâu ngày 12/03/2020 tại Đường Song Hành - xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A, TP. Thủ Đức

Đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.Thủ Đức ngoài thực hiện công tác chuyên môn còn thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh trật tự khu vực cách ly tập trung, chốt phong tỏa, chốt kiểm soát dịch Covid-19. Nhiều tấm gương sáng, tận tụy, không ngại gian khổ thậm chí nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong đó tiêu biểu như Thiếu tá Phạm Văn Túc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.Thủ Đức.

Với quyết tâm thi đậu vào Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy sau khi chứng kiến anh trai ruột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông liên quan cháy nổ, đến nay đồng chí Túc đã gắn bó với ngành đã 18 năm với nhiều thành tích xuất sắc, thể hiện vai trò chủ động trong công tác tham mưu thực hiện PCCC và CNCH, năm 2021 đồng chí đã tham mưu công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối không để xảy ra cháy, nổ trong thời gian diễn ra bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tiếp đến đợt dịch lần 4 bùng phát, nhiều khu vực cách ly, phong tỏa, các cơ sở, hộ gia đình được dùng làm nơi cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy nổ do chập điện, sử dụng bình oxy cao, đồng chí Túc chủ động tham mưu công tác phòng ngừa cháy nổ và trực tiếp kiểm tra tại các khu vực này.

Khi được hỏi có lo sợ bị nhiễm bệnh trong quá trình đi kiểm tra không thì đồng chí trả lời: “Với tôi tất cả là vì sự bình yên và an toàn phòng cháy chữa cháy để các y bác sỹ yên tâm điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Lính cứu hỏa là một nghề cao quý và nhân đạo, nếu được chọn tôi vẫn sẽ tiếp tục chọn trở thành một người lính Cảnh sát PCCC và CNCH để cống hiến hết sức mình, xây dựng một TP.Thủ Đức an toàn, hạn chế cháy nổ, giảm thiểu rủi ro tai nạn góp phần xây dựng đất nước”.

Thiếu tá Phạm Văn Túc (ngoài cùng bên trái) tham gia kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại Khu cách ly KTX Trường Cao đẳng Công thương TPHCM, TP.Thủ Đức

Hay như Thiếu tá Nguyễn Quang Huy – cán bộ Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.Thủ Đức, gác lại nỗi nhớ do xa nhà, xa vợ, xa hai con thơ kéo dài hàng tháng trời bởi lịch trực liên tục, kéo dài, đồng chí luôn là cán bộ đi đầu trong công tác phòng chống dịch, vừa tham gia trực chốt vừa tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm chăm lo cho người dân trên địa bàn.

Quá trình công tác trước đây, đồng chí Huy từng tham gia chữa cháy nhiều vụ cháy nổ, cứu nạn cứu hộ, trong đó có vụ nổ nhà “Phương khói lửa” năm 2013 làm 10 người thiệt mạng. Khi cùng đồng đội đào bới suốt đêm để tìm nạn nhân, đồng chí đã lặng người khi phát hiện dưới bức tường nhà sập xuống là thi thể 02 mẹ con đang ôm nhau ngủ.

Chứng kiến cảnh đó đồng chí tự nhủ “Bản thân phải luôn nỗ lực, phấn đấu phục vụ nhân dân bởi đơn giản mình là người lính Cảnh sát PCCC & CNCH. Phải làm sao cho người dân cẩn thận hơn, quan tâm hơn đến công tác phòng cháy chữa cháy để những thiệt hại đặc biệt là thiệt hại về người thương tâm như vậy không còn xảy ra nữa.

Thiếu tá Nguyễn Quang Huy, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC - CHCN Công an TP.Thủ Đức tham gia trực chốt kiểm soát phòng chống dịch

Nhắc đến hình ảnh những người chiến sĩ Cảnh sát PCCC & CNCH luôn sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cứu giúp tính mạng, tài sản của nhân dân không thể không nhắc đến Thượng úy Trần Văn Duyên, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.Thủ Đức, đã từng cứu sống 01 bệnh nhân trầm cảm tìm cách tự tử từ cửa sổ chung cư cao tầng.

Bằng nghiệp vụ, mưu trí, dũng cảm, đồng chí đã quyết định vừa nhảy qua cửa sổ vừa ôm chặt kéo nạn nhân vào trong căn hộ thành công, cứu nạn nhân thoát chết. Đến tận bây giờ, khi nhắc đến đồng chí vẫn còn bồi hồi, bởi nếu cuộc giải cứu không thành công thì bản thân đồng chí sẽ còn ray rứt mãi.

Thượng úy Trần Văn Duyên tham gia Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, môn thi 4×100 vượt chướng ngại vật cứu người bị nạn.

Ngành phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ là nghề nguy hiểm, độc hại, người chiến sĩ Cảnh sát PCCC & CNCH luôn đối mặt với những hiểm nguy, kề cận giữa sự sống và cái chết, khi tham gia chữa cháy có thể gặp các sự cố như sụp đổ công trình, nổ... xảy ra.

Những chiến sĩ làm việc trong lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH được nhân dân ưu ái gọi tên “Người hùng giữa đời thường” bởi các chiến sĩ ấy luôn dành hết tâm sức cho việc giúp đỡ, hỗ trợ những người không may gặp nạn.

Điểm nổi bật của họ là lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH luôn làm việc với tính chuyên nghiệp cao, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ. Cứ bình thản hoàn thành bổn phận của mình nhưng sự hy sinh, đóng góp của các chiến sĩ Cảnh sát PCCC & CNCH không chỉ được ghi nhận bằng những lời khen ngợi mà còn lan tỏa nhân cách sống cao đẹp, sẵn sàng dấn thân để thắp sáng tinh thần bảo vệ cộng đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang