Những cống hiến lặng thầm của một nữ bác sĩ Công an

Thứ Tư, 01/12/2021 16:24

|

(CAO) Năm 2009, với tấm bằng sau đại học, khi trúng tuyển vào Bệnh viện Công an TPHCM, bác sĩ Lê Thị Mỹ Phượng không phải trải qua thời gian tạm tuyển mà được phong quân hàm Đại úy. Sau thời gian đi học nghiệp vụ 06 tháng theo quy định của ngành, bác sĩ Phượng được bổ nhiệm làm Phó Khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện CATP.

Tận tụy với nghề, lại vững vàng trong chuyên môn, bác sĩ Phượng không chỉ đặt hết năng lực mà còn đặt trọn cái tâm của người “mẹ hiền” vào việc thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân.

Được đào tạo chuyên khoa tim mạch lão khoa, nên từ đó đến nay, chị còn được Ban Giám đốc CATP giao nhiệm vụ chăm sóc các mẹ Việt Nam Anh hùng và một số thân nhân Liệt sĩ cụm ANT4.

Suốt những năm qua, cứ tranh thủ sắp xếp thời gian, vơi bớt được chút công việc, chị lại xuống ngay với các Mẹ. Gắn bó, tận tình và chăm sóc sức khỏe chu đáo, đầy trách nhiệm là những gì mà nhiều năm qua chị đã đem đến với các Mẹ.

Có thời gian, khi chưa kiêm nhiệm nhiều công việc, tháng nào chị cũng đến thăm khám và mua quà riêng tặng các Mẹ. Các Mẹ và người nhà quý chị lắm, cứ lâu lâu không thấy chị xuống lại nhắc, như mong ngóng đứa con, đứa cháu trong nhà vậy.

 Bác sĩ Lê Thị Mỹ Phượng thăm hỏi, tặng quà Mẹ VNAH

Bằng những nỗ lực phấn đấu, tiếp đó chị đã được bổ nhiệm Trưởng khoa, rồi Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện CATP. Đảm nhiệm thêm công tác chăm sóc sức khỏe của Ban Giám đốc CATP và xét tiêu chuẩn Chiến sĩ khỏe hàng năm cho CBCS sĩ toàn lực lượng, nên hầu hết thời gian của bản thân, chị đều dành cho công việc.

Chồng ở xa, con gái út lúc đó còn nhỏ, vừa lo công tác vừa lo chăm con, có những đêm trực, chị phải mang theo cả con gái vào bệnh viện. Người phụ nữ nhỏ nhắn, chỉ dành được rất ít thời gian cho gia đình và bản thân, thế nhưng không bao giờ chị than vãn hay chùn bước trước khó khăn.

Bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh chỉ luôn thấy ở chị một nỗ lực kiên cường và sự tập trung gần như tuyệt đối cho công việc. Bận rộn là thế, nhưng vẫn chưa bằng lòng với trình độ chuyên môn của bản thân, chị lại tiếp tục xin đi học thêm 02 năm bác sĩ chuyên khoa II, để nâng cao trình độ, phục vụ công tác hiệu quả hơn nữa.

Năm 2018, một số phòng của CATP sát nhập, chị Phượng được bổ nhiệm thêm chức vụ Phó Trưởng Phòng Hậu cần, CATP. Công việc nhiều thêm, trách nhiệm cũng nhiều hơn, chị đi về như con thoi giữa các nơi làm việc. Không ít ngày, sáng chị lên xe đi từ TPHCM xuống Vũng Tàu để kiểm tra, giám sát công việc tại nhà nghỉ dưỡng của CATP, chiều chị lại phải có mặt ở Bệnh viện CATP để trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân hoặc sinh hoạt chuyên môn cho CBCS.

Chịu trách nhiệm phụ trách chuyên môn của bệnh viện, cứ 2 năm một lần, chị lại lăn xả, hướng dẫn, chỉ dạy cho cán bộ, đồng đội của mình tập luyện, tham gia và đạt thành tích cao trong các Hội thi Điều dưỡng CAND giỏi, ghi nhiều dấu ấn với các đơn vị bạn.

 Thiếu tướng Cao Đăng Hưng, Phó giám đốc CATP, bác sĩ Lê Thị Mỹ Phượng và các thành viên của đoàn tại Hội thi Điều dưỡng viên CAND giỏi

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lực lượng CATP là tuyến đầu chống dịch. Thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mọi hoạt động gần như tạm ngưng. Quân số CATP đông, khẩu trang không đủ cho CBCS dùng, chị lo lắng liên hệ khắp nơi, xin khẩu trang, cồn sát khuẩn từ các nhà tài trợ, các mạnh thường quân, để kịp thời cấp phát, đảm bảo cho CBCS yên tâm công tác.

Tiếp đó, các nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho các nhà ăn, khu cách ly của CATP bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch, thêm một lần nữa chị lại phải cùng các đồng nghiệp xoay sở, chạy đầu này, kiếm đầu kia tìm mua thực phẩm để cung cấp đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho CBCS.

Khi có trường hợp CBCS hoặc thân nhân bị nhiễm Covid-19, chị hết lòng hỗ trợ. Trường hợp của đồng chí Phan Chiến Đấu – Cán bộ đầu tiên của CATP bị nhiễm Covid – 19 trong quá trình làm nhiệm vụ, chị cũng là người phối hợp cùng bệnh viện để theo dõi, nắm bắt diễn tiến sức khỏe của đồng chí Đấu.

Trong tâm dịch, với tinh thần, trách nhiệm của mình, chị luôn sẵn sàng ra vào các bệnh viện, nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, để hỗ trợ, nắm bắt tình hình sức khỏe của CBCS đang điều trị. Không chỉ cấp trên tin tưởng, mà đồng nghiệp cũng yêu mến, đánh giá cao về năng lực chuyên môn và những đóng góp của chị tại bệnh viện CATP.

Người phụ nữ nhỏ nhắn, luôn tận tụy với hai màu áo. Trên chặng đường cống hiến, vượt lên trên tất cả mọi khó khăn, chị cùng đội ngũ y bác sĩ bệnh viện CATP vẫn miệt mài, thầm lặng với công việc của mình, tận tâm với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho CBCS và người dân, xứng đáng là người thầy thuốc trong CAND.

Bình luận (0)

Lên đầu trang