Tiến sĩ Lê Văn Tuấn – Người cả đời đi tìm giá trị nhân văn

Thứ Năm, 23/02/2017 16:15  | Mai Hà

|

(CAO) Là một nhà khoa học thế giới, kỷ lục gia Việt Nam cùng nhiều chức tước cao quý khác, nhưng tiến sĩ Lê Văn Tuấn (ngụ P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại vô cùng bình dị.

Trong con hẻm tại đường Nguyễn Cửu Vân, từ già đến trẻ đều yêu quý gọi ông bằng “thầy Tuấn”. Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Thang (92 tuổi), với trên 60 năm tuổi Đảng, là niềm tự hào của gia đình và địa phương. Là người có kiến thức sâu rộng, tiến sĩ Lê Văn Tuấn đã để lại cho đời di sản lớn lao về tất cả các lĩnh vực, trong đó phải kể đến khoa học, âm nhạc và giá trị con người.

Tuyên ngôn đạo đức toàn cầu

Tại Hội nghị Quốc tế Giáo dục đạo đức toàn cầu do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Lê Văn Tuấn là người đầu tiên đưa ra tuyên ngôn về đạo đức toàn cầu, thể hiện một cái nhìn sâu rộng, toàn diện về tương lai thời đại, khiến cả thế giới kinh ngạc.

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn tặng cuốn sách “Giọt nước mắt của đấng tạo hóa và học thuyết vũ trụ” cho nguyên Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn cho rằng, đạo đức trong thời đại hôm nay là một trái tim lớn, đập mãi không phải vì lợi ích của bất cứ một hay của một nhóm người nào mà là vì hạnh phúc và những quyền lợi thiêng liêng của toàn thể nhân loại. Để trở thành trái tim lớn của nhân loại, Đạo đức toàn cầu phải kết tinh, hội tụ được tinh hoa đạo đức của các nền văn hóa, văn minh khác nhau, của các dân tộc, của các vùng miền trên toàn thế giới.

Tư tưởng vĩ đại của đạo đức sẽ khó mà được những thế lực phản bội loài người chấp nhận. Tình thương yêu nhân loại, tính quảng đại bao dung của đạo đức sẽ bị đối đầu bởi những tư tưởng ích kỷ, tầm thường và nhỏ mọn. Nhưng tất cả những hiểm nguy, cản trở, phá hoại, chấp nhận hay không chấp nhận, đều không thể ngăn được bước tiến của sự nghiệp đạo đức và Chủ nghĩa Nhân văn mới.

Nhận bằng tiến sĩ danh dự của trường Đại học kỷ lục thế giới

Trong lịch sử chiến tranh đẫm máu của thế giới, đạo đức chưa bao giờ thua, chưa bao giờ bị đánh bại. Đạo đức có thể bị xé nát, có thể bị giẫm đạp, nhưng chưa có ai, chưa có một thế lực nào có thể tiêu diệt nổi nó. Đạo đức có thể bị xé tan trên mặt trận nhưng ở gia đình nó lại tụ lại. Đạo đức có thể bị chôn vùi nơi tiền tuyến nhưng nó lại xuất hiện rất mãnh liệt ở hậu phương.

Qua đó chúng ta thấy rằng, dù ở bất cứ tọa độ địa lý nào, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù ở bất cứ thời gian nào, thì đạo đức cũng không thể bị đánh bại. Giáo dục đạo đức toàn cầu chính là vũ khí bách chiến bách thắng của chiến lược bảo vệ hòa bình, bảo vệ nhân sinh, bảo vệ thế giới. Giáo dục đạo đức toàn cầu sẽ trở thành mục đích của mọi thời đại, kỳ vọng của tương lai.

Khai mở con đường Việt Nam Nhân văn

Ngày 3-10-2013, sự ra đời của Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng đã mở ra chân trời mới, hướng đến sự phát triển không ngừng của các giá trị nhân văn. Tại buổi lễ ra mắt, Tiến sĩ Lê Văn Tuấn – Tổng giám đốc Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng đã chính thức phát động Lễ khởi động Con đường Việt nam nhân văn.

Nhà khoa học Lê Văn Tuấn

Con đường Việt Nam nhân văn đã gióng lên tiếng chuông để nhân loại hành động vì một thế giới đại đồng. Ông đã xây dựng được những hành trình tìm đến những con người cụ thể, những tổ chức cụ thể, những vết tích cụ thể dù đã trôi đi trong quá khứ.

Ông đi tìm kiếm những con người, những tập thể đang âm thầm lao động, sáng tạo làm ra của cải cho đất nước để ngợi ca, để tôn vinh giá trị tất cả những việc làm cao quý của những con người dù họ bình dị hay xuất chúng. Ông mong muốn, sẽ tập hợp chân dung cao quý của họ trong bảng vàng nhân đạo thế giới.

CROR - Âm nhạc của lòng thánh thiện và sự vị tha

Lê Văn Tuấn đã từng đặt chân đến nhiều nơi trên trên khắp thế giới. Ông xâm nhập, len lỏi, tiếp cận với những tầng lớp từ bình dân xuống tận cùng và ông thấu hiểu được cuộc sống đầy khổ ải, bất công của họ. Cho nên, nhạc CROR là sự bao gồm tất cả những gì thuộc về tầng lớp ấy, một tầng lớp nhỏ bé, sống cuộc đời chật vật trên thế gian. Ngày 27-10-2012, Tổ chức kỷ lục Châu Á trao xác lập kỷ lục cho Lê Văn Tuấn: “Người sáng tạo ra âm nhạc CROR và thực hiện thành công quyển âm nhạc CROR độc đáo và sáng tạo được ấn loát với kích thước lớn nhất”.

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn và người mẹ trên 90 tuổi

Âm nhạc CROR là sự phối hợp giữa âm nhạc cổ điển, âm nhạc lãng mạn, đại ca kịch của phương Tây và Rock- sự gặp gỡ giữa Blue và Country (Classic – Romantic – Opira – Rock viết tắt là CROR). Trong đó, tiếng đàn Ghita bass đi ra theo những chuỗi đàn rất nhẹ nhàng, trong khi đó, đàn Piano không theo cách đánh của ngày xưa, lại có tính ngẫu hứng, nhưng cái ngẫu hứng phù hợp với người dân Việt.

Bài nói chuyện cuối cùng của Giáo sư Trần Văn Khê trước khi ông về cõi vĩnh hằng chính là âm nhạc CROR: “Từ trước đến nay tôi chưa nghe âm nhạc CROR lần nào, nhưng năm 2011 tôi có thể ngồi nghe trong hơn 2 tiếng đồng hồ, đi từ khám phá này đến khám phá khác, từ yếu tố này khám phá ra yếu tố khác. Khi đó tôi nói với Lê Văn Tuấn: Âm nhạc của em không phải viết ra bằng lý trí, không phải viết ra bằng những dấu hiệu trên tờ giấy, mà em viết ra bằng con tim, bằng tình thương và tất cả những gì thiêng liêng, quý giá của con người. Mặc dù không được khỏe lắm nhưng khi nghe nói có buổi biểu diễn của em tôi nhất định phải tới nghe…”

Sinh ra để mang sứ mệnh

Suốt cuộc đời mình, ông đã và đang hiến dâng cho nhân loại những công trình khoa học vĩ đại, trong đó 7 tập học thuyết Thiên - Địa - Kinh đã hoàn thành. Đây là một nền khoa học mới, đưa đến cho con người khả năng phi thường đối thoại được với tự nhiên và giải mã mọi bí ẩn hữu hình cũng như vô hình của cuộc sống.

Với tầm hiểu biết sâu rộng, trí óc và sự lao động bền bỉ của một bậc thầy về khoa học thực nghiệm và tâm linh, Tiến sĩ Lê Văn Tuấn đã ấp ủ một nền khoa học kết hợp được cả khoa học đương đại hữu hình lẫn khoa học tâm linh vô hình.

Khoa học Toàn phần Thiên – Địa – Kinh ra đời là nhu cầu đòi hỏi của nhân loại để hiểu về chính họ, tìm một đường lối khoa học cụ thể thoát ra khỏi cái hang tăm tối của tri thức phiến diện, những u mê một chiều của tín ngưỡng và những cảm nhận hay là sự diễn giải trừu tượng, phi khoa học đang bủa vây trói buộc loài người.

Đường lối Khoa học quy luật Thiên – Địa – Kinh là một nền văn minh mới mà trong đó đẳng cấp khoa học cao siêu của nó đủ sức dẫn dắt con người hiểu về tâm thức, nhận ra tâm linh là những thứ vô hình - Tức là khoa học có đủ tầm cao để giúp con người nhận ra cái cao cả, cái vô hình của bản chất tự nhiên.

Nhận đĩa vàng danh dự của tổ chức kỷ lục châu Á

Nền khoa học mà Tiến sĩ Lê Văn Tuấn được phép chấp bút là chìa khóa giải mã những câu chuyện dưới ánh sáng của Khoa học Toàn phần Thiên – Địa – Kinh. Ở đó, nó phải trả lời được các câu hỏi to lớn và bí ẩn một cách minh bạch chứ không phải né tránh hay suy luận chủ quan của bất cứ cá nhân nào.

Đó chính là lời hứa cho một tương lai rạng rỡ huy hoàng. Và khi đó, loài người đón nhận nó, như đón nhận những phút giao thời, những tiếng chuông cuối cùng của một thời đại bế tắc, lạnh lùng của vật thể vật chất, sự bất lực và cô độc khi xa rời tự nhiên.

Khoa học Thiên – Địa – Kinh chỉ là một phần trong xứ mệnh của Tiến sĩ Lê Văn Tuấn. Ngoài khối lượng tác phẩm khoa học và âm nhạc đã được lưu trữ vĩnh viễn trong di sản văn hóa quốc gia, ông đang chuẩn bị cho ra đời thêm một kiệt tác có thể gây chấn động loài người, kiệt tác về “Người đồng tính và các thể người khác dưới ánh sáng khoa học Thiên – Địa Kinh”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang