Ấn Độ “nhảy vào” vùng Viễn Đông của Nga cạnh tranh với Trung Quốc

Thứ Bảy, 10/04/2021 14:27

|

(CAO) Ấn Độ đang tăng cường sự hiện diện kinh tế ở vùng Viễn Đông xa xôi của Nga trong bối cảnh New Delhi ngày càng lo ngại về mối quan hệ ngày càng thân thiết, xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla hồi tháng 2-2021 đã thực hiện chuyến thăm 2 ngày đến Moscow, nơi ông gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và các quan chức cấp cao khác với mục đích chính là thảo luận về việc tăng cường hợp tác kinh tế ở vùng Viễn Đông của Nga.

Ông Shringla nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy kinh tế là một lĩnh vực có tiềm năng hợp tác rất cao. Chúng tôi có thể giúp phát triển các lĩnh vực mới và đầu tư vào các lĩnh vực như khai thác than cốc, gỗ, khí tự nhiên lỏng”.

Đối với Ấn Độ, Viễn Đông của Nga đã nổi lên như một khu vực ngày càng đáng được quan tâm trong ba năm qua.

Trong chuyến thăm năm 2019 tới thành phố cảng Vladivostok của khu vực Viễn Đông, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo rằng New Delhi sẽ cung cấp khoản vay 1 tỷ USD để hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực. Ông cũng đã ký một bản ghi nhớ thiết lập một hành lang hàng hải trực tiếp giữa Chennai và Vladivostok.

Tuyến đường biển mới dự kiến ​​sẽ cắt giảm thời gian vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ và Nga xuống còn 24 ngày, so với 40 ngày qua tuyến châu Âu.

Gần đây hơn, Ấn Độ đã tìm cách đưa Nhật Bản vào kế hoạch đầu tư của mình trong khu vực. Tháng 1-2021, đại diện của Ấn Độ, Nhật Bản và Nga đã kết thúc các cuộc đàm phán bán chính thức về các dự án chung ở Viễn Đông. Ba nước xác định năng lượng, khai thác than, chế biến kim cương, lâm nghiệp, nông công nghiệp, giao thông vận tải và dược phẩm là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Tuy nhiên, mối quan tâm của Ấn Độ đối với vùng Viễn Đông của Nga không hoàn toàn là vì kinh tế. Nandan Unnikrishnan, một thành viên tại một quỹ nghiên cứu ở New Delhi nói với tờ Nikkei Asia rằng các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã theo dõi với mối lo ngại ngày càng tăng trong những năm gần đây khi Nga ngày càng xích lại gần hơn trong hợp tác với Trung Quốc để đáp trả mối quan hệ ngày càng xấu đi với phương Tây.

Vùng Viễn Đông của Nga đang trở thành khu vực cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc - Ảnh: AP

Ông giải thích, có một cách để ngăn chặn Moscow bị kéo sâu hơn vào quỹ đạo của Bắc Kinh là mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư với vùng Viễn Đông. "Nếu Ấn Độ và các nước châu Á khác không can dự vào vùng Viễn Đông của Nga, thì Nga sẽ ngày càng phải xem Trung Quốc như đối tác chính để phát triển khu vực này" - Unnikrishnan nói.

Viễn Đông là đơn vị hành chính lớn nhất của Nga, chiếm hơn 40% lãnh thổ của đất nước. Khu vực này cũng là nơi có nhiều tài nguyên bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, vàng, kim cương, than đá, gỗ và cá. Tuy nhiên, với dân số chỉ hơn 6 triệu người, Viễn Đông cũng là khu vực ít dân cư nhất của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố việc đẩy phát triển kinh tế ở Viễn Đông là "ưu tiên quốc gia của toàn thế kỷ 21". Trong thập kỷ qua, Điện Kremlin đã tìm cách khởi động nền kinh tế khu vực bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng mới, cung cấp cho các doanh nghiệp nơi đây các ưu đãi như giảm thuế và cho vay, đồng thời giúp việc mua đất trở nên dễ dàng hơn. Moscow cũng đã tìm cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bằng cơ chế Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, một hội nghị kinh doanh thường niên hấp dẫn - trong thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19 – diễn đàn này thường xuyên có sự tham dự của Putin và các nhà lãnh đạo châu Á.

Tuy nhiên, mặc dù Ấn Độ là quốc gia đầu tiên mở lãnh sự quán tại Vladivostok vào năm 1992, nhưng cho đến nay nước này vẫn duy trì hoạt động kinh tế khá thấp ở vùng Viễn Đông. Khoản đầu tư nổi bật nhất của Ấn Độ vào khu vực này là vào năm 2001, khi một chi nhánh ở nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Tự nhiên thuộc sở hữu nhà nước mua 20% cổ phần trong dự án Sakhalin-1 trị giá 10 tỷ USD của Nga. Kể từ đó, các khoản đầu tư lớn của Ấn Độ vào Viễn Đông là rất ít và có giá trị đầu tư thấp.

Nhưng điều đó đã bắt đầu thay đổi khi ngày càng có nhiều công ty Ấn Độ tìm kiếm cơ hội mới ở nước ngoài. Unnikrishnan giải thích rằng vùng Viễn Đông của Nga hấp dẫn đối với New Delhi vì nó có nguồn năng lượng dồi dào và đất đai phù hợp cho nông nghiệp - hai nguồn tài nguyên mà Ấn Độ sẽ cần với số lượng lớn trong những thập kỷ tới để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Và khi Trung Quốc tiến vào khu vực Viễn Đông, ngày càng có nhiều ý kiến ​​cho rằng New Delhi cần phải tăng hiện diễn ở đây để đối trọng với ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã nổi lên là nhà đầu tư nước ngoài và là đối tác thương mại chính của khu vực Viễn Đông của Nga. Năm 2019, quốc gia này chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này và 28,2% tổng kim ngạch ngoại thương.

Ngoài hợp tác kinh tế, Moscow và Bắc Kinh cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung thường xuyên ở khu Đông Bắc Á kể từ năm 2012.

Cạnh tranh ở khu vực Viễn Đông ngày càng gay gắt - Ảnh: Nikkei 

Unnikrishnan cho rằng nếu New Delhi muốn ngăn Nga trở nên phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, thì họ sẽ cần phải giúp Viễn Đông tìm các nguồn thương mại và đầu tư thay thế. Ông dự đoán rằng các sáng kiến ​​như hành lang hàng hải Chennai-Vladivostok có thể giúp khu vực thiết lập các liên kết kinh tế không chỉ với Ấn Độ mà còn với khu vực Đông Nam Á.

"Nếu chúng ta có thể thiết lập các tuyến đường thương mại giữa vùng Viễn Đông của Nga và Ấn Độ, nếu chúng ta có thể thiết lập luồng hàng hóa theo hai hướng thì Nga sẽ bị hút vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn bằng cách này hay cách khác" - Unnikrishnan nói .

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ không dễ dàng cho các công ty Ấn Độ thiết lập được chỗ đứng vững chắc ở Viễn Đông. Artyom Lukin, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, nói với tờ Nikkei rằng bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào hy vọng kinh doanh trong khu vực này sẽ phải chấp nhận đối mặt với nhiều rủi ro bao gồm các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây, cơ sở hạ tầng yếu kém và những thay đổi thường xuyên trong luật pháp của Nga.

Các công ty Ấn Độ cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc, những người được hưởng lợi từ chi phí vận chuyển thấp hơn (do vị trí địa lý gần hơn).

Lukin nhận định: “Việc cung cấp gỗ từ Viễn Đông qua biên giới cho Trung Quốc là một chuyện và vận chuyển nửa vòng trái đất đến Ấn Độ là một chuyện hoàn toàn khác. Điều này khiến Ấn Độ chịu phí đắt hơn đáng kể khi mua tài nguyên thiên nhiên từ vùng Viễn Đông của Nga".

Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nga Putin trong một lần gặp nhau vào năm 2019 - Ảnh: Reuters

Nhưng Lukin cho rằng các công ty Ấn Độ có thể tìm thấy thành công trong khu vực bằng cách tận dụng các tranh chấp không thường xuyên giữa các nhà xuất khẩu địa phương và Bắc Kinh. Ông lưu ý rằng quyết định gần đây của Trung Quốc hạn chế nhập khẩu thủy sản từ vùng Viễn Đông của Nga có thể tạo cơ hội cho Ấn Độ thâm nhập thị trường này.

Lukin nói: “Mọi người đều hiểu rằng việc dựa vào Trung Quốc như một người mua độc quyền là rất nguy hiểm. Chính ở đây, lợi ích của Nga và Ấn Độ hội tụ. Có một cơ hội thực sự cho Ấn Độ để định vị mình là một lựa chọn thay thế Trung Quốc trên toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu quan trọng".

Bình luận (0)

Lên đầu trang