Nhiều năm trước đây, Trung Quốc nhận phế liệu nhựa từ khắp nơi trên Thế giới, sau đó xử lý chúng thành vật liệu có chất lượng cao hơn, có thể dùng trong các chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên theo AFP, từ đầu năm 2018 nước này đã đóng cửa nhập khẩu đối với hầu hết rác thải nhựa từ nước ngoài cũng như các vật liệu có thể tái chế khác nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường địa phương và cải thiện chất lượng không khí. Quyết định này khiến các quốc gia phát triển đang phải “vật lộn” tìm những nơi khác để tống đi rác thải của họ.
AFP dẫn lời Arnaud Brunet – tổng giám đốc một nhóm các nhà sản xuất công nghiệp có hội sở tại Brussels (Bỉ), nhóm có tên Văn phòng tái chế quốc tế, cảm thán: “Nó giống như một trận động đất. Trung Quốc là thị trường tái chế lớn nhất. Quyết định này tạo ra một cơn sốc nặng trên thị trường toàn cầu”.
Rác thải nhựa chất đống ở Malaysia từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa để tái chế - Ảnh: AFP Thay vào đó, rác thải nhựa đang chuyển hướng số lượng lớn đến khu vực Đông Nam Á, nơi các nhà tái chế Trung Quốc chuyển hàng loạt cơ sở đến đây.
Với một số lượng lớn cộng đồng người nói tiếng Hoa, Malaysia trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà tái chế Trung Quốc tìm đến, tái lập cơ sở mới. Dữ liệu chính thức cho thấy lượng rác thải nhựa nhập khẩu đến nước này đã tăng gấp 3 lần từ mức của năm 2016, lên đến 870.000 tấn vào năm ngoái.
Ở thị trấn nhỏ Jenjarom nằm không xa thủ đô Kuala Lumpur, các nhà máy xử lý nhựa thải thình lình xuất hiện với số lượng lớn, thải ra khói độc hại cả ngày lẫn đêm.
Những đống rác thải nhựa chất đống ngoài trời trong khi các nhà tái chế đang phải vật lộn để xử lý “dòng chảy” chất thải nhựa đổ về chủ yếu là bao bì của nhiều mặt hàng từ thực phẩm đến chất tẩy rửa có nguồn gốc từ những nơi rất xa Malaysia như Đức, Mỹ và Brazil.
Người dân ở thị trấn này sớm nhận thấy mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, loại mùi thường thấy trong chế biến nhựa. Nhưng các nhà vận động môi trường tin rằng một số khói thải cũng đến từ việc đốt đi lượng rác thải nhựa có chất lượng quá thấp để có thể tái chế.
AFP dẫn lời Pua Lay Peng- một người dân địa phương than phiền: “Mọi người trong vùng bị tấn công bởi khói độc cả ngày lẫn đêm. Một số người ho liên tục. Tôi không thể ngủ, thậm chí là nghỉ ngơi. Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi”.
Ngập ngụa trong khói độc
Cư dân Pua và các thành viên khác trong cộng đồng bắt đầu điều tra và đến giữa năm 2018, họ đã xác định được khoảng 40 cơ sở tái chế trong vùng là “nghi phạm” gây ra tình trạng ô nhiễm, nhiều cơ sở trong đó dường như đang hoạt động bí mật, không có giấy phép vận hành thích hợp.
Những phàn nàn kiến nghị ban đầu của cộng đồng nơi đây, gửi lên chính quyền nhưng “một đi không trở lại”. Dù vậy, người dân vẫn tiếp tục ra sức gây áp lực buộc chính quyền bắt đầu có hành động. Họ đã bắt đầu cho đóng cửa các cơ sở hoạt động trái phép ở thị trấn Jenjarom và thông báo lệnh trên phạm vi toàn quốc về việc tạm thời ngưng cấp các giấy phép mới cho hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa.
33 cơ sở đã bị đóng cửa mặc dù các nhà hoạt động môi trường tin rằng nhiều cơ sở nay đã “thầm lặng” chuyển cơ sở sang nơi nào đó trong nước. Các cư dân cho biết chất lượng không khí sau đó đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số đống rác thải chất đống bên ngoài.
Một số loại rác thải nhựa từ chất tẩy rửa đến bao bì thực phẩm từ những nơi xa xôi như Mỹ hay Úc hiện đang chuyển đến các nước Đông Nam Á như Malaysia để xử lý - Ảnh: AFP
Trong khi đó tại Úc, Châu Âu và Mỹ, nhiều người đã thu mua tác thải nhựa và các vật liệu có thể tái chế khác, nay đang vật lộn tìm chỗ mới để tống chúng đi.
Họ phải đối mặt với chi phí cao hơn để xử lý và tái chế chúng trong nước, và trong một số trường hợp, họ chọn cách chôn lấp thay vì xử lý vì lượng phế liệu tăng quá nhanh.
Garth Lamb – Chủ tịch Hiệp hội quản lý rác thải và tái chế tài nguyên Úc cho biết: “Trong 12 tháng qua, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự ảnh hưởng vì chưa tìm được giải pháp nào để xử lý tình trạng ùn ứ này”.
Tuy nhiên cũng có một số nơi khác đã thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của tình hình mới này, như việc một số trung tâm do người địa phương vận hành bắt đầu thu gom rác có thể tái chế ở Adelaide, miền nam Úc.
Các trung tâm thu gom này từng xuất khẩu gần như mọi thứ rác thải từ nhựa, giấy đến thuỷ tinh rồi đưa sang Trung Quốc, nhưng giờ đây 80% rác thải được xử lý tại chỗ bởi các công ty địa phương. Phần lớn rác thải còn lại được chuyển đến Ấn Độ.
Adam Faulkne – Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý rác thải khu vực nam Adelaide cho biết: “Chúng tôi thay đổi rất nhanh trước tình hình và bắt đầu nhìn vào thị trường xử lý rác thải nội địa. Chúng tôi đã tìm ra được phương cách hỗ trợ các nhà máy sàn xuất địa phương và đã quay lại được giai đoạn trước khi Trung Quốc ra lệnh cấm”.
Trong khi đó tại Trung Quốc đại lục, lượng nhập khẩu rác thải nhựa đã giảm từ 600.000 tấn mỗi tháng vào năm 2016 xuống còn 30.000 tấn/tháng vào năm 2018, theo dữ liệu trích dẫn từ một báo cáo của tổ chức Hoà bình xanh (Greenpeace) và tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường Global Alliance for Incinerator Alternatives.
Giờ đây một trung tâm tái chế nhộn nhịp (Trung Quốc) đã lui vào quá khứ khi các công ty hoạt động trong lĩnh vực này lũ lượt chuyển hoạt động sang Đông Nam Á.
Theo AFP, Anh Duy lược dịch