Du khách nước ngoài phải đeo bảng ‘Tôi là kẻ cắp...’ tại đảo Gili

Chủ Nhật, 25/12/2016 16:03  | Đồng Thần

|

(CAO) Hình ảnh hai du khách nước ngoài diễu hành quanh đảo Gili (Indonesia) vì cáo buộc trộm cắp tài sản, khiến không ít người bất ngờ. Đặc biệt những hình phạt này vốn được “thỏa thuận” chứ không thông qua xét xử.

Đây có phải hình thức “làm nhục”?

Bức ảnh của một đôi nam nữ du khách đi cùng một số nhân viên an ninh trên đảo Gili Trawangan (Indonesia) với bảng treo trên cổ ghi: “Tôi là kẻ cắp. Xin đừng làm như tôi!”. Bức ảnh này đã làm nổ ra nhiều tranh cãi, dù khi tìm hiểu thì ai cũng biết rằng hình phạt này vốn xuất hiện từ nhiều năm trước.

Người đừng đầu văn phòng du lịch tỉnh ở phía tây Nusa Tenggara, Lalu Muhamad Fauzal, cho biết, việc diễu hành của những người vi phạm là thỏa thuận giữa người dân đảo và cảnh sát trên đất liền. Hầu hết hoạt động này xuất hiện trên Gili Trawangan, và một số đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Lombok, cách khoảng 40km về phía đông của Bali (Indonesia).

Không thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới như Bali, mhưng quần đảo Gili nổi tiếng an toàn và yên bình. Nó có một con đường bao quanh chỉ dài khoảng khoảng 7km.

Cảnh sát không hiện diện thường xuyên trên các hòn đảo nhỏ như Gili Trawangan, Gili Meno hoặc Gili Air. Thay vào đó, các nhân viên an ninh tư nhân đứng ra bảo vệ các đảo và nhận hỗ trợ từ cảnh sát khi cần thiết. Ngay cả những người giám sát “cuộc diễu hành” của người vi phạm cũng là các nhân viên an ninh tư nhân, chỉ có một nhân viên mặc đồng phục cảnh sát.

Hình thức "diễu hành" khi phạm tội được cho là có từ nhiều năm trước

Cô Karina, thành viên từ trang Facebook của đảo cung cấp thông tin: "Do không có nhiều cảnh sát cũng như tòa án nên việc xét xử là không khả thi. Nên chúng tôi có những quy định riêng cho những kẻ trộm cắp. Nếu có người bị bắt gặp ăn cắp, họ sẽ phải diễu hành quanh đảo, sau đó họ sẽ bị trục xuất và không được phép quay trở lại đảo trong vài năm. Quy định này giúp mọi người hiểu rằng họ không thể đến một đất nước khác, lấy bất cứ gì họ muốn mà không nhận hậu quả gì. Tôi cũng chưa bao giờ nghe nói có người nào bị buộc tội sai".

Ông Fauzal cho rằng các cuộc "diễu hành" góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm trên đảo và còn giúp hòn đảo nổi tiếng hơn Bali về sự yên bình. Ông nói thêm rằng hầu hết những người buộc phải tham gia “diễu hành” là dân địa phương. Mặc dù vậy cũng có một số du khách nước ngoài do say rượu hoặc "buộc phải trộm cắp" vì họ hết tiền tiêu xài.

Hành động này liệu có hợp pháp?

Việc diễu hành vẫn chưa rõ ràng cho dù nó có cơ sở pháp lý chính thức. Tuy nhiên, các bị cáo thường tránh được mức xử phạt nghiêm trọng hơn. Dù bị cấm trở lại đảo trong một thời gian vẫn hơn là ra tòa, nộp tiền phạt hay thậm chí là phải... ở tù.

Oji Nuria Manggala, người đã chứng kiến cuộc diễu hành kể rằng, hai du khách ngoại quốc bị bắt gặp trên camera an ninh ăn cắp một chiếc xe đạp, và họ không thể phủ nhận nó. Tuy nhiên, hai người này gần như chỉ có thể xác nhận cáo buộc, họ không có cơ hội biện hộ hay giải thích lý do cho hành động của mình.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra thiếu tin tưởng về tính minh bạch của hình phạt này

Hình thức “giản dị” của luật pháp trên đảo gây ngạc nhiên cho một số người vì nó không trải qua bất cứ quá trình xét xử nào. Trong khi những người dân địa phương đều tỏ ra không nghi ngờ gì về những cuộc “diễu hành”.

Tuy nhiên, không ít người cũng có đồng suy nghĩ, liệu có người nào vô tội nhưng cũng bị buộc phải lựa chọn hình thức “diễu hành” nhằm tránh phải đối mặt với hệ thống luật pháp Indonesia.

Bình luận (0)

Lên đầu trang