Pokemon Go: 'Môn thể thao' chết yểu!

Thứ Năm, 15/12/2016 13:29

|

(CAO) Mấy tháng trước, khi những người hoài nghi chế giễu sự lây lan của Pokemon Go trên điện thoại thông minh, một số người đã cố gắng tìm ra những mặt tích cực của trò chơi này.

Những người chơi Pokemon Go - ảnh: Reuters

Nào là hàng trăm triệu người chơi đi bộ loanh quanh, mắt dán vào chiếc điện thoại cầm trên tay, tập trung "bắt" Pokemon, con vật tưởng tượng phong phú trong trò chơi thực tế do hãng Niantic tung ra. Chí ít người chơi có thể tăng cường vận động khi tham gia trò chơi này.

Tuy nhiên, đôi khi những người tham gia cuộc chơi theo tiếng gọi của Pokemon mà đi lạc vào những nơi không thích hợp và thậm chí nguy hiểm, như khu vực quân sự hay bãi mìn. Mối nguy hiểm do quá tập trung vào trò chơi cũng khiến cho người chơi tự làm tổn thương chính mình, hoặc những người khác, cũng thường gặp ở các nước có phong trào Pokemon Go.

Bây giờ, một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ), đăng trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc (BMJ) cho thấy tác dụng thể dục của trò chơi Pokemon Go chỉ là một hiện tượng ngắn ngủi, nó đã chết yểu sau nửa năm trò chơi bắt đầu làm mưa làm gió trên thế giới.

Nghiên cứu khẳng định trò Pokemon Go chỉ có tác dụng “phải chăng”. Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải “xuống đường” để cố gắng bắt những quái vật ảo trên màn hình điện thoại như Pikachu và Snorlax tại các địa điểm trong thế giới thực.

Những người thiết kế trò chơi Pokemon Go mới đây đã cập nhật thêm một số tính năng của trò chơi cũng như khuyến khích tăng điểm để thu hút trở lại các tín đồ đã bỏ cuộc - Ảnh: PA

Báo cáo cho biết, trong tuần đầu tiên bén duyên với trò chơi này, bình quân một người chơi “nhiệt tình” đi bộ thêm 955 bước. Tuy nhiên, nỗ lực sớm bị thu hẹp, và sau sáu tuần, người chơi hầu như không đi bộ thêm bước nào so với thời điểm trước khi họ tải trò chơi này về điện thoại.

Theo các nhà khoa học Mỹ, "Pokemon Go từng được giới thiệu như một biện pháp để cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng cách thúc đẩy hoạt động thể chất, tuy nhiên, kết quả cho thấy tác động đối với sức khỏe của trò chơi này là rất phải chăng”. Thậm chí có người gọi đùa đây là trò chơi Pokemon No Go!

Nhóm nghiên cứu trường Harvard khẳng định: "Pokemon Go được thiết kế để tăng cường đi bộ tối đa đến 2.500 bước/ngày. Thậm chí nếu hoạt động thể chất nhỏ hơn cũng quan trọng đối với sức khỏe con người, nhưng sự gia tăng các bước (hay các mức độ) trong Pokemon Go không duy trì được lượng hoạt động thể chất”. Báo cáo còn lưu ý, Pokemon Go còn có thể kéo theo nguy cơ, chẳng hạn như chấn thương và tai nạn giao thông.

Pokemon Go từng đứng đầu một số danh sách tìm kiếm trên Google trong năm 2016 - Ảnh: Getty Images

Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu được đưa ra trên cơ sở khảo sát 560 người chơi Pokemon nhiệt huyết, những người đạt mức “huấn luyện viên" cấp 5 hoặc cao hơn, đồng thời so sánh hành vi của họ với hơn 600 người không tham gia chơi trò này. Tất cả những người được khảo sát đều ở Mỹ, trong độ tuổi 18-35 và sử dụng một chiếc iPhone 6, đều được yêu cầu tự động ghi lại số bước đi của người sử dụng điện thoại.

Nghiên cứu không tìm hiểu lý do “sa sút” của trò chơi Pokemon Go, mặc dù một lý do có thể là người chơi bỏ hẳn trò chơi hoặc phai nhạt khi thấy nó không còn mới lạ. Mặc dù Pokemon Go từng phá kỉ lục tải xuống và gây nên một cơn sốt toàn cầu khi nó ra mắt hồi tháng Bảy, trò chơi này sớm mất vị trí của mình.

Katherine Howe, đồng tác giả báo cáo của Đại học Harvard nói với báo giới rằng bất chấp kết quả nghiên cứu của họ, các trò chơi thực tế mở rộng vẫn có "tiềm năng lớn" vì có lợi cho sức khỏe.

Bà lý giải, các trò chơi đó “cho chúng ta một lý do để ra ngoài, để đi bộ và giao lưu xã hội", vì vậy, tiềm năng lớn khi phát triển các trò chơi này không chỉ nhằm tăng cường hoạt động thể chất, mà còn thúc đẩy sức khỏe tinh thần, cải thiện tâm trạng và tăng cường tương tác xã hội cho người chơi mọi lứa tuổi”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang