Giải mã được bí ẩn từ trận sóng thần kéo dài 9 ngày ở đảo Greenland

Thứ Sáu, 13/09/2024 17:53  | Anh Duy

|

​(CAO) Các nhà khoa học đã có thể xác định chính xác vị trí của trận sóng thần bí ẩn xảy ra tại một vịnh hẹp xa xôi ở phía đông hòn đảo lớn nhất Thế giới – Greenland.

Theo đó, một trận lở đất lớn ở một vịnh hẹp tại Greenland đã gây ra một cơn sóng "làm rung chuyển Trái đất" trong 9 ngày.

Tín hiệu địa chấn vào tháng 9 năm ngoái đã được các cảm biến trên khắp thế giới thu được, khiến các nhà khoa học phải điều tra xem nó đến từ đâu.

Trận lở đất xảy ra tại một sườn núi đá sụp xuống mang theo băng đã gây ra một cơn sóng cao 200m.

Sau đó, cơn sóng đó bị "mắc kẹt" trong vịnh hẹp. Tại đó, nó đã di chuyển qua lại trong 9 ngày, tạo ra các rung động.

Các nhà khoa học cho biết, các trận lở đất như thế này xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu khi các sông băng của Greenland tan chảy.

Kết quả điều tra về sự kiện này, được công bố trên tạp chí Science là kết quả của một nhiệm vụ có sự tham gia của một nhóm các nhà khoa học quốc tế và Hải quân Đan Mạch.

“Khi các đồng nghiệp lần đầu tiên phát hiện ra tín hiệu này vào năm ngoái, nó trông không giống một trận động đất. Chúng tôi gọi đó là 'vật thể địa chấn không xác định'” - Tiến sĩ Stephen Hicks từ UCL, một trong những nhà khoa học tham gia dự án này nhớ lại.

"Nó liên tục xuất hiện - cứ 90 giây một lần trong chín ngày".

Hiện trường khu vực trước khi sạt lở

Một nhóm các nhà khoa học tò mò bắt đầu thảo luận về tín hiệu khó hiểu này trên một nền tảng trò chuyện trực tuyến.

"Cùng lúc đó, các đồng nghiệp từ Đan Mạch, những người thực hiện nhiều công việc thực địa ở Greenland, đã nhận được báo cáo về một trận sóng thần xảy ra ở một vịnh hẹp xa xôi" - Tiến sĩ Hicks giải thích. "Vì vậy, chúng tôi đã hợp tác".

Nhóm đã sử dụng dữ liệu địa chấn để xác định vị trí nguồn tín hiệu là Vịnh Dickson ở phía đông Greenland. Sau đó, họ thu thập các manh mối khác, bao gồm hình ảnh vệ tinh và ảnh chụp vịnh hẹp do Hải quân Đan Mạch chụp ngay trước khi tín hiệu địa chấn này xuất hiện.

Một hình ảnh vệ tinh cho thấy một đám mây bụi toả ra trong một khe núi ở vịnh hẹp. So sánh các bức ảnh trước và sau sự kiện cho thấy một ngọn núi đã sụp đổ và cuốn một phần sông băng xuống nước.

Các nhà nghiên cứu cuối cùng đã tính toán được rằng 25 triệu mét khối đá - một khối lượng tương đương với 25 tòa nhà cao tầng Empire State ở New York đã sụp xuống nước, gây ra một "siêu sóng thần" cao 200m.

Trong các bức ảnh "sau đó" của địa điểm này, có thể nhìn thấy một dấu vết trên sông băng - do trầm tích mà con sóng khổng lồ ném lên trên để lại.

Các nhà khoa học cho hay, rất may mắn khi không có thuyền nào trong khu vực này khi vụ lở đất xảy ra.

Sóng thần, thường do động đất ngầm gây ra, tan biến trong vòng vài giờ ở ngoài khơi. Nhưng con sóng này đã bị mắc kẹt.

"Trận lở đất này xảy ra cách bờ biển khoảng 200km" - Tiến sĩ Hicks giải thích. "Và các hệ thống vịnh hẹp này thực sự phức tạp, vì vậy con sóng không thể tiêu tán năng lượng của nó".

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một mô hình cho thấy thay vì tan biến, nó lại đập qua đập lại trong chín ngày.

Hiện trường khu vực sau vụ sạt lở 

"Chúng tôi chưa bao giờ thấy sự dịch chuyển của nước trên quy mô lớn trong một thời gian dài như vậy" - Tiến sĩ Hicks cho biết.

Theo các nhà khoa học, trận lở đất là do nhiệt độ tăng cao ở Greenland làm tan chảy sông băng ở chân núi.

"Sông băng đó đã nâng đỡ ngọn núi này, và nó trở nên quá mỏng đến nỗi nó không còn giữ được chính nó nữa" - Tiến sĩ Hicks cho thêm. "Nó cho thấy biến đổi khí hậu hiện đang tác động đến những khu vực này như thế nào" – vị chuyên gia nhận định.

Mặc dù sự kiện này diễn ra ở một khu vực xa xôi, nhưng các vịnh hẹp này được một số tàu du lịch Bắc Cực ghé thăm. May mắn thay, không có tàu nào ở khu vực xảy ra vụ lở đất này. Nhưng nhà nghiên cứu chính - Tiến sĩ Kristian Svennevig từ Cục Khảo sát Địa chất Quốc gia Đan Mạch và Greenland (GEUS) cho rằng đây là hiện tượng ngày càng phổ biến ở Bắc Cực.

"Chúng ta đang chứng kiến ​​sự gia tăng của các vụ lở đất khổng lồ gây ra sóng thần, đặc biệt là ở Greenland" - ông nói với BBC.

"Mặc dù riêng sự kiện tại vịnh Dickson không xác nhận xu hướng này, nhưng quy mô chưa từng có của nó nhấn mạnh nhu cầu tiến hành nhiều nghiên cứu hơn".

Tiến sĩ Hicks nói thêm rằng sự kiện tại vịnh hẹp Dickson "có lẽ là lần đầu tiên một sự kiện biến đổi khí hậu tác động đến lớp vỏ dưới chân chúng ta trên toàn thế giới".

Bình luận (0)

Lên đầu trang