Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo – Kỳ 3: Làm sao kiểm soát những cỗ máy?

Thứ Ba, 14/03/2017 13:55

|

(CAO) Những cảnh chiến đấu khốc liệt trong bộ phim Robot đại chiến (Transformers) khi những robot có khả năng biến hình hiện đại, vô hiệu hóa mọi loại vũ khí của con người, nay không đơn thuần chỉ là phim khoa học viễn tưởng đến từ Hollywood.

Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: Kỳ 2- Từ viết báo đến...làm tình
 

Với sự phát triển vượt bậc của Trí tuệ nhân tạo (AI), nơi những phần mềm kết hợp với cấu tạo phần cứng giúp các cỗ máy có “cảm xúc”, biết thực hiện cùng lúc nhiều tác vụ khiến nhiều nhà khoa học lo ngại rồi một ngày nào đó, những cỗ máy ấy sẽ khống chế ngược lại con người.

“Công tắc giết chết” cho robot

Mới đây vào đầu tháng 1, CNN đưa tin Quốc hội Châu Âu đã soạn thảo đề án hợp pháp hóa việc sử dụng robot trong đời sống hằng ngày.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, nơi các ứng dụng khoa học công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi, người máy (robot) trở thành một bộ phận không thể thiếu. Tuy nhiên, Quốc hội Châu Âu nhấn mạnh đề án áp dụng này phải có quy định thiết kế công tắc “tiêu diệt”, phòng khi robot mất kiểm soát, khống chế lại loài người.

Quốc hội Châu Âu kêu gọi các robot khi thiết kế phải tuân thủ luật robot, trong đó quy định các nhà sản xuất phải chế tạo ra những robot “nhân đạo”, không phục vụ cho mục đích hủy diệt, giết người, và trên mỗi robot phải công tắc khẩn để "giết" robot (khiến nó dừng hoạt động) trong trường hợp cần thiết.

Viễn cảnh robot đại chiến, gây hỗn loạn cho xã hội loài người như Transformers có thể thành hiện thực

Đề án cũng quy định những nhà sản xuất robot cần phải mua bảo hiểm như bảo hiểm ô tô để đề phòng những thiệt hại do robot gây ra. CNN dẫn lời nghị sĩ Mady Delvaux – nghị sĩ phụ trách đề án này nhấn mạnh: “Robot ngày càng có ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống hằng ngày. Để đảm bảo cho robot chỉ phục vụ loài người, cần khẩn cấp đưa ra đề án quản lý robot ở Châu Âu”.

Những trăn trở của Delvaux không phải là “lo xa” mà dựa vào tình hình thực tế khi nhiều nhà khoa học cũng đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ trí tuệ nhân tạo (AI) lấn át con người.

Cảnh báo của Stephen Hawking

Đứng đầu những người phản đối ứng dụng rộng rãi AI trong cuộc sống là nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc Stephen Hawking.

Hồi tháng 10-2016, phát biểu từ Cambridge (Anh), Hawking nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trở thành thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại nếu những cỗ máy biết "tư duy" này vượt khỏi tầm kiểm soát. Hawking cảnh báo: “Sự trỗi dậy của các hệ thống AI có thể là điều tuyệt vời nhất nhưng cũng có thể là thứ tồi tệ nhất xảy ra với con người. Chúng ta không biết mọi chuyện sẽ đi theo hướng nào".

Thật vậy, hiện nay công nghệ AI đang dần tiến tới khả năng có thể sao chép ý nghĩ của con người, hành động theo ý nghĩ chủ quan. Trong khi đó, con người ngày càng phụ thuộc vào máy móc và có khả năng sẽ dần đánh mất năng lực kiểm soát, giải quyết vấn đề.

Đáng lo ngại nhất là lĩnh vực quân sự. Một ngày nào đó khi các cỗ máy được lập trình bằng chương trình trí thông minh nhân tạo (AI) được các quốc gia sử dụng để điều hành kho vũ khí hạt nhân, làm binh sĩ ra trận mạc thay vì đánh đấm bằng con người, sẽ có thể biến chúng trở thành công cụ giết người không gớm tay.

Ngay cả “chuyện yêu” – một lĩnh vực thuộc về phạm trù tinh thần, ngày nay robot cài các phần mềm AI cũng có thể “lấn sân” vào. Hãng tin AFP hồi cuối tháng 12-2016 dẫn tin từ Hội nghị quốc tế về tình yêu và tình dục với robot diễn ra ở London (Anh) cho biết việc quan hệ tình dục với robot sẽ sớm diễn ra trong tương lai gần.

Robot tình dục sẽ trở thành hiện thực không lâu sau này

Hãng tin này dẫn lời chuyên gia về trí tuệ nhân tạo David Levy khẳng định chuyện này “sẽ sớm thành hiện thực”. Điển hình như công ty Abyss Creations có trụ sở tại California (Mỹ) cho biết trong năm nay (2017), họ sẽ ra mắt thị trường robot tình dục có khả năng di chuyển và nói chuyện như người thật.

Một thiết bị khác được trình làng tại hội nghị này là thiết bị “Kissenger”, thực chất là một thiết bị cảm ứng gắn vào điện thoại cho phép chuyển cảm xúc thật của một nụ hôn giữa hai thiết bị gửi- nhận, cho phép những cặp đôi yêu nha có thể “hôn môi xa” khi điều kiện địa lý cách trở. Vấn đề là nếu những dạng máy móc này “phản” lại bạn, cơ chế nào để kiểm soát chúng?

Nhà vật lý lý thuyết Hawking đã nhiều lần cảnh báo mối nguy từ AI

Trí tuệ nhân tạo cũng có thể “vui mừng, buồn giận”, và khi chúng “giận” thì không biết hậu quả ra sao. Điển hình là dự án trí tuệ nhân tạo DeepMind được Google mua lại năm 2014 với giá 400 triệu USD. Các nhà nghiên cứu Google mới đây đã chia DeepMind ra thành 2 đối thủ cho giao đấu với nhau trong một trò chơi tương tác có tên “thu thập hoa quả”.

Theo đó bên nào thu thập được nhiều quả táo (biểu thị trên màn hình là các chấm sáng màu xanh lá cây) sẽ chiến thắng. Hai đối thủ DeepMind biểu thị bằng hai chấm màu xanh dương và màu đỏ. Cả hai tấn công nhau bằng vũ khí là các tia laser.

Màn chiến đấu càng về sau ngày càng kịch tính khi số táo (chấm xanh lá cây) vơi dần, người ta nhận thấy hai đối thủ AI bắt đầu “giận dữ”, thể hiện sự tranh đoạt bằng các màn tấn công tới tấp đối thủ thay vì tập trung thu thập táo.

Điều này cho thấy các cỗ máy AI cũng sẽ “tức giận” nếu bị tranh đoạt lợi ích. Nếu AI bị mất kiểm soát, chúng hoàn toàn có thể gây ra hiểm họa cho con người. Nhà toán học người Anh Alan Turing từng cảnh báo: “Khi máy móc có thể tự suy nghĩ cho chính mình, sẽ không mất nhiều thời gian để chúng nắm lấy quyền lực của con người”.

Cỗ máy DeepMind chia ra làm hai đối thủ (xanh dương và đỏ) đấu nhau trên màn hình bằng tia laser để tranh táo (biểu thị bằng màu xanh lá cây) trong một trò chơi.

Giờ đây nhiều dự án chế tạo ra những phần mềm, công cụ kiểm soát AI đang được thúc đẩy. Như dự án OpenAI đang nghiên cứu các sản phẩm AI hữu ích, đồng thời thiết kế cơ chế gắn vào điểm kiểm soát chúng. Các công ty nghiên cứu cơ chế khống chế AI đang được dự báo sẽ trở thành một ngành mũi nhọn trong tương lai.

(còn tiếp)

Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: Kỳ 1- Khi lao động không cần con người
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang