Xem Singapore quy hoạch vỉa hè

Thứ Ba, 28/02/2017 10:49  | Anh Duy

|

(CAO) Với dân số hơn 5 triệu người co cụm trong diện tích chỉ khoảng 719.1 km2 (hơn 1/3 diện tích TP.HCM), bằng cách quy hoạch bài bản, tận dụng từng khoảng không gian. Người dân Singapore luôn có vỉa hè để đi thông thoáng.

Quy hoạch bài bản nơi bán hàng rong

Các khu vực bán những món ăn đường phố (street food) thường là các cửa tiệm, như ở khu phố Tàu (China Town) với những tiệm mì, cơm chiên, hoành thánh. Thực khách đi vào ăn trong tiệm, không phải ngồi bắt ghế trên vỉa hè lấn chiếm lối đi.

Dạng thứ hai là các khu vực bán hàng rong được quy hoạch bài bản ở mỗi tuyến đường nơi những người bán hàng đặt từng quầy bán đồ ăn của họ dọc lề đường như những ki ốt trong các chợ truyền thống. Còn lòng đường là nơi đặt bàn ghế để thực khách ngồi ăn. Dĩ nhiên những con đường ẩm thực này đã được chặn lại, cấm xe cộ lưu thông, chỉ dành cho buôn bán vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày.

Với cách làm này, người dân giữ được kế sinh nhai của mình trong khi trật tự đô thị vẫn được giữ vững, không buôn bán tràn lan gây nhếch nhác trên các tuyến đường, lấn lối đi của người đi bộ.

Có thể gặp nhiều tuyến đường trở thành nơi bán street food được quy hoạch bài bản như thế trên khắp Singapore. Ngoài đồ ăn, nhiều tuyến đường còn bán các mặt hàng dịch vụ, quà lưu niệm. Điển hình như khu phố Tàu (China Town), trục đường chính len giữa các dãy nhà ở khu này là tuyến đường bán buôn tấp nập. Người dân bày bán từ đồ cắt móng tay, tượng gỗ, quần áo đến nước hoa, hương phẩm của cộng đồng người gốc Ấn. Các ki ốt bán hàng được đặt dọc lề đường, còn lòng đường trở thành nơi cho người đi bộ di chuyển, ngắm nghía và dừng chân mua hàng hóa.

Giá cả ở các khu vực bán hàng dịch vụ được niêm yết rõ ràng tránh rắc rối nảy sinh sau này giữa bên bán và bên mua.

Mô hình các tuyến đường bán street food hay các mặt hàng dịch vụ ở Singapore tương tự như đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM). Tuy nhiên, tại quốc đảo này các tuyến đường như thế được quy hoạch nhiều vô kể, thể hiện tiêu chí “buôn có chỗ, bán có nơi”.

Người Singapore cũng ít khi tấp xe vào các cửa hiệu dọc đường để mua những mặt hàng khác trong cuộc sống: từ văn phòng phẩm, đồ gia dụng, thiết bị xây dựng, hàng địa tử đến thuốc men. Tất cả đều có nơi, có chỗ để bán: văn phòng phẩm vào nhà sách mua, đồ gia dụng vào siêu thị, hàng điện tử thì vào các cửa hàng của những thương hiệu ở siêu thị hay trung tâm thương mại. Mua thuốc nhiều loại phải có hóa đơn của bác sĩ, đến các tiệm thuốc nhất định để dược sĩ có chuyên môn bán. Vì thế hiếm khi thấy các cửa hiệu bày bán các mặt hàng này la liệt trên phố, bày các sản phẩm tràn ra vỉa hè, lấn lấy lối đi.

Thương mại điện tử cực kỳ phát triển ở đất nước này cũng giúp hàng hóa được đặt và giao về tận nhà.

Hệ thống giao thông phát triển giúp vỉa hè không bị lấn

Không có cảnh ngột ngạt của hàng triệu xe máy chen nhau, người Singapore di chuyển chủ yếu bằng hệ thống tàu điện ngầm (MRT) với các tuyến (line) được nhận diện bằng màu đặc trưng: line đỏ, line xanh, line vàng… được quy hoạch phủ gần như khắp các địa điểm trong thành phố.

Trên đường chủ yếu chỉ gặp xe buýt, xe taxi và xe ô tô cá nhân. Riêng taxi, xe buýt có khu vực dừng đỗ rõ ràng. Ít khi thấy xe máy xuất hiện. Vì thế không có cảnh dựng hàng dãy xe máy dọc lề đường, vỉa hè lấn chiếm lối đi của người đi bộ.

Vỉa hè cũng như các khu vực di chuyển khác cho người đi bộ vì vậy được bảo đảm. Bài học của Singapore chính là sự quy hoạch giao thông, buôn bán ở đô thị một cách bài bản. Người dân không mất đi sinh kế còn người đi bộ được vừa lòng.

Bình luận (2)

Quy hoạch bài bản từ trước luôn có lợi cho cộng đồng xã hội hơn là xây, lấn tràn lan rồi mới đập. Singapore là bài học điển hình cần noi theo.

Tuấn Vũ - Thứ Ba, 28/02/2017, 14:14 Trả lời | Thích

Cách làm thật ấn tượng. Vừa đảm bảo mỹ quan, người dân cũng được buôn bán hợp pháp

Nguyên Hòa - Thứ Ba, 28/02/2017, 12:43 Trả lời | Thích
Lên đầu trang