NASA chuẩn bị phóng tàu thăm dò mặt trời, mở ra kỷ nguyên nghiên cứu mới

Chủ Nhật, 12/08/2018 15:47  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 12-8, CNN đưa tin chuyến du hành đầu tiên của nhân loại trong tiến trình khám phá ngôi sao của hành tinh chúng ta – Mặt trời sẽ bắt đầu vào cuối tuần này.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến sẽ phóng tàu thăm dò Mặt trời có tên Parker vào không gian vào rạng sáng ngày chủ nhật 12-8 (giờ Mỹ) trong sứ mệnh thám hiểm bầu khí quyển xung quanh Mặt trời có nhiệt độ siêu cao.

Trước đó, NASA đã hai lần hoãn phóng Parker để điều tra vấn đề phát sinh dẫn đến việc trì hoãn trên. Dự kiến trong 24 giờ nữa tàu sẽ được phóng đi từ mũi Canaveral, bang Florida bằng tên lửa đẩy Delta IV – một trong những tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới.

Mặc dù tàu Parker chỉ có kích thước bằng một chiếc ô tô nhưng việc NASA dùng đến tên lửa Delta IV để phóng cho thấy tầm quan trọng của sứ mạng này. Sau khi ra khỏi quỹ đạo Trái đất, tàu Parker phải chuyển hướng để tiếp cận mặt trời.

Tàu thăm dò mặt trời Parker sẽ tiến gần đến mặt trời hơn bao giờ hết - Ảnh: Đại học Johns Hopkins

Dự kiến sau 6 tuần phóng, tàu Parker sẽ chịu lực hấp dẫn của sao Kim – hành tinh thứ hai tính từ Mặt trời. Lực hấp dẫn này sẽ đóng vai trò như một phanh hãm, làm giảm tốc độ của con tàu, giúp nó điều hướng trên đường tiếp cận Mặt trời.

CNN dẫn lời Yanping Guo đến từ Viện Vật lý ứng dụng – Đại học Johns Hopkins, người thiết kế quỹ đạo bay cho con tàu cho biết Parker cần năng lượng phóng gấp 55 lần so với phóng đến sao Hoả. “Mùa hè này, Trái đất và các hành tin khác trong hệ Mặt trời đang có được sự liên kết thuận lợi cho phép chúng ta tiến gần đến Mặt trời” – Guo nhấn mạnh.

Tuy nhiên do nhiệt độ Mặt trời siêu cao nên tàu Parker chỉ được thiết kế để tiến gần đến Mặt trời càng gần càng tốt chứ không thể tiến sát bề mặt ngôi sao này được. Sau đó tàu sẽ bay quanh Mặt trời để thám sát. Dự kiến đến năm 2024, con tàu sẽ cách bề mặt Mặt trời 3,9 triệu dặm, gần hơn khoảng cách từ sao Thuỷ đến ngôi sao này. Dù khoảng cách trên vẫn còn khá xa nhưng vẫn là khoảng cách khá tốt để tiến hành nghiên cứu.

Chất liệu làm vỏ tàu được thiết kế để chịu được nhiệt độ lên đến hơn 1300 độ C trong khi khoang bên trong chứa thiết bị nghiên cứu vẫn giữ ở nhiệt độ lý tưởng trong phòng: 20 độ C.

Cấu tạo của tàu Parker - Ảnh: Daily Mail

Tàu Paker có thể đạt vận tốc 430.000 dặm/giờ khi bay xung quanh Mặt trời, kỷ lục về tốc độ đến từ một vật thể do con người chế tạo.

Con tàu giúp quan sát và thu thập dữ liệu bên trong về thành phần vật lý cấu tạo nên Mặt trời, giúp thay đổi cái nhìn của chúng ta về bí ẩn của vành nhật hoa (vành sáng phát ra từ không gian xung quanh mặt trời), nâng cao hiểu biết về bão mặt trời và giúp cải thiện khả năng dự báo các hiện tượng thời tiết bất thường do Mặt trời gây ra.

Tàu Parker lúc đang hoàn thiện - Ảnh: space.stackexchange.com
Con tàu dự kiến sẽ tiếp cận gần nhất đến Mặt trời vào năm 2024 

Bình luận (0)

Lên đầu trang