(CAO) 5 năm sau khi cấm các nhà thám hiểm một mình leo lên đỉnh Everest, chính phủ Nepal đã mở rộng hạn chế này ra toàn quốc.
Nepal là quê hương của 8 ngọn núi cao nhất thế giới, nơi này cũng được biết đến với những vùng nông thôn có cảnh quan tuyệt đẹp để du khách đi bộ xuyên rừng.
Nhưng kể từ nay, những du khách muốn đi bộ ở những vùng xa xôi phải thuê một hướng dẫn viên được chính phủ cấp phép hoặc tham gia vào một nhóm. Mặc dù ngành công nghiệp leo núi là một trong những ngành kiếm tiền lớn nhất của đất nước, nhưng chi phí cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ dành cho những người đi bộ đường dài một mình bị lạc là rất lớn.
“Khi bạn đi du lịch một mình, trong trường hợp khẩn cấp sẽ không có ai giúp bạn” - Mani R. Lamichhane, Giám đốc Tổng cục Du lịch Nepal nói với CNN.
“Họ đi du lịch trong thành phố thì không sao, nhưng ở vùng núi xa xôi, cơ sở hạ tầng không đầy đủ. Khi khách du lịch mất tích hoặc được tìm thấy đã chết, ngay cả chính phủ cũng không thể theo dõi họ vì họ đã đi theo những lộ trình xa xôi” - Lamicchane cho biết thêm.
Ngoài những thách thức gây ra khi những người đi bộ mất tích ở các vùng nông thôn, Lamichhane nói rằng các công ty và hướng dẫn viên du lịch không có giấy phép cũng là một vấn đề. Những công ty không đăng ký với chính phủ này sẽ không đóng thuế và những giám đốc du lịch cáo buộc lấy đi việc làm của người Nepal.
Một du khách đi bộ đường dài (trekking) ở Nepal
“Đã có một số trường hợp hiệp hội leo núi yêu cầu chúng tôi dừng các hoạt động leo núi trái phép này. Đây là yêu cầu của các hiệp hội du lịch trong một thời gian dài” - ông nói.
Những người trong cộng đồng leo núi và đi bộ có nhiều ý kiến trái chiều về phán quyết mới.
Ian Taylor, chủ sở hữu của một công ty hướng dẫn du lịch nổi tiếng có lịch sử lâu đời ở Nepal, nói rằng động thái này có ý nghĩa khi ngày càng có nhiều người cố gắng leo núi một mình ở Nepal.
Ông nói với CNN: “Mọi thứ đã thay đổi mạnh mẽ trong khu vực những năm qua. Bạn từng chỉ thấy những người đi bộ và leo núi có kinh nghiệm trong khu vực, nhiều người trong số họ đi du lịch mà không có hướng dẫn viên và họ hoàn toàn tự túc.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người đi du lịch trong khu vực đã lớn hơn rất nhiều và nhiều người trong số họ là khách du lịch chứ không phải người đi bộ đường dài. Họ không thể tự túc hoạt động ngoài trời nên cần sự hỗ trợ của những hướng dẫn viên có kinh nghiệm”.
Taylor nói thêm rằng chính phủ Nepal không có khả năng kiểm tra riêng từng người xin thị thực, do đó quyết định ban hành lệnh cấm chung.
Taylor nhấn mạnh: “Là một người yêu thích những ngọn núi và từng đến thăm các vùng núi trên thế giới, thật vô cùng thất vọng khi mọi chuyện lại ra như vậy. Chúng tôi không bao giờ muốn thấy việc tiếp cận của mọi người đối với những ngọn núi bị hạn chế. Tuy nhiên, tình hình ở Nepal rất đặc biệt và cần phải có những thay đổi”.