Tục cải táng của người Việt ngày giáp Tết lên AFP

Chủ Nhật, 03/02/2019 22:33

|

​(CAO) “Tạm biệt, lần nữa: Tục cải táng của Việt Nam đưa linh hồn tới điểm đến cuối cùng”, đó là tít bài viết đăng tải trên hãng thông tấn Pháp AFP những ngày giáp Tết.

Theo chân một gia đình tiến hành tục cải tángHà Nội, AFP đã đưa tin về phong tục này. Những người theo phong tục cổ tin rằng linh hồn của người chết vẫn bị mắc kẹt trong trạng thái lâm bô (limbo) lơ lửng bên kia thế giới cho đến khi được giải thoát bằng tục cải táng (lấy hài cốt từ mộ phần đã chôn, rửa sạch để chôn lại trong một ngôi mộ mới).

Trong một đêm khuya tịch mịch trong một nghĩa trang ở Hà Nội, quan tài của ông Nguyễn Văn Thắng được khai quật, hài cốt của ông được rửa sạch cẩn thận, sau đó bọc bằng vải lụa phía bên ngoài rồi được đem đi cải táng. Mục đích theo quan niệm để linh hồn ông được siêu thoát đến kiếp sau.

Tục cải táng là một trong những nghi thức liên quan đến cái chết, linh thiêng nhất trong phong tục của người Việt Nam, thường được tiến hành vào trước Tết, rơi vào đầu tháng 2 năm nay. Đây được xem là hành động cuối cùng đối với hành trình cuộc sống của một người.

Nhiều người Việt, đặc biệt là ở miền Bắc thường thể hiện sự kính cẩn trước cái chết bằng nghi thức cải táng, thường là 3 năm sau khi người thân họ yêu thương từ trần.

Quan tài sau khi được khai quật, hài cốt lấy ra rửa sạch rồi bỏ vào tiểu sành để cải táng - Ảnh: AFP

Xã hội hiện đại đang thế chỗ bằng những nghi thức liên quan đến cái chết rẻ tiền hơn như hoả táng, vừa đơn giản vừa sạch sẽ. Tuy nhiên với người thân của anh Thắng, việc tiến hành nghi thức cải táng sau 3 năm ông mất, như tâm nguyện của ông sau khi ra đi vì căn bệnh ung thư ở tuổi 59, không bao giờ là vấn đề.

“Cuối cùng anh ấy có thể yên nghỉ trong ngôi nhà (ngôi mộ) mới của mình. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi đã hoàn thành tâm nguyện này” – vợ của ông Thắng, bà Ha Thi Thua cho biết từ một nghĩa trang ở ngoại ô Hà Nội.

Các nghi lễ kéo dài hàng giờ và không dành cho những người thiếu kiên nhẫn hoặc yếu tim. Bắt đầu vào buổi tối, một thầy cúng được mời đến để cúng những cô hồn xung quanh ngôi mộ và linh hồn người quá cố - trong trường hợp này là ông Thắng. Xôi, gà luộc, mô hình ngựa giấy để người bảo vệ cho linh hồn ông Thắng cưỡi lên đưa ông siêu thoát. Theo quan niệm dân gian, linh hồn cải táng không thể thực hiện cuộc hành trình để siêu thoát nếu không có sự giúp đỡ của người thân, đứng ra làm điều đó cho họ.

Quan tài được làm nghi lễ cúng trước khi mở cất bốc hài cốt ra cải táng - Ảnh: AFP

Thầy cúng thực hiện nghi lễ hô vang lời tụng và tung đồng xu để có được sự “cho phép” cải táng từ linh hồn người chết và các vong đi theo bảo vệ linh hồn này để bắt đầu nghi lễ, trước khi quan tài được đào lên bởi những người đào mộ và người thân.

Khi quan tài đã được nâng lên khỏi mặt đất một cách cẩn thận, xương được nhẹ nhàng gỡ ra. Nếu phần còn lại của hài cốt là màu đen, trơ xương thì đó được xem như một sự giải thoát. Nếu không, nhiệm vụ của những người cải táng là phải cạo thịt bám lại trên hài cốt. Cảnh tượng người chồng quá cố được cải táng quá sức chịu đựng của người vợ. Cô Thua ngất đi khi hộp sọ, xương sườn, bàn tay và bàn chân nhỏ xíu của anh Thắng được rửa sạch bằng chậu nước ngâm thảo dược.

Bước cuối cùng sau nghi thức rửa xương là bọc lại xương và đặt chúng vào một một chiếc tiểu sành, đem chôn ở một ngôi mộ mới.

Theo hệ thống niềm tin dân gian, ngay cả linh hồn của người sống cũng có thể khó chịu vĩnh viễn nếu nghi thức cải táng không được thực hiện đúng.

Là một trong những nghi thức thiêng liêng được thực hiện vào dịp giáp Tết, cải táng đang mai một dần trước cơn lốc hiện đại hoá.

Bình luận (0)

Lên đầu trang