(CATP) Tính đến thời điểm hiện tại, một thanh niên Trung Quốc (TQ) đã trở thành "gương mặt thân quen" trên mạng xã hội khi tốt nghiệp nhiều trường đại học (ĐH) nổi tiếng thế giới là ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa (TQ), ĐH Oxford (Anh) và ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nhưng vì không xin được việc nên phải mưu sinh bằng nghề giao hàng, trở thành shipper có học vấn cao nhất TQ.
Sinh năm 1985 tại Phúc Kiến, Đinh Viễn Chiêu nắm trong tay bằng cử nhân Hóa của ĐH Thanh Hoa, bằng thạc sĩ về năng lượng do ĐH Bắc Kinh cấp, tiếp đến nhận bằng tiến sĩ Sinh học ở Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), bằng thạc sĩ về Đa dạng sinh học ở ĐH Oxford (Anh) đồng thời hoàn thành dự án nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Singapore.
Hầu hết những người biết họ Đinh đều tin anh sẽ làm việc tại một viện nghiên cứu hoặc trường ĐH sau tốt nghiệp, nhưng tháng 3/2024 khi hợp đồng nghiên cứu của tiến sĩ này tại ĐH Quốc gia Singapore không được gia hạn tiếp do các nhà tuyển dụng của đảo quốc sư tử không đặt nặng bằng cấp mà thường ưu tiên cơ hội việc làm cho người bản địa, sau đó tiếp tục thất bại trong nhiều cuộc phỏng vấn tuyển dụng, Tiến sĩ Đinh trở về nước, kỳ vọng sẽ tìm được việc đúng chuyên môn với mức lương tốt. Nhưng rồi "cao không với tới, thấp cũng chẳng thông", cuối cùng anh đành chọn việc giao hàng toàn thời gian, làm việc liên tục 11 - 12 tiếng mỗi ngày và kiếm được 250 - 500 nhân dân tệ (khoảng 900 ngàn - 1,8 triệu VND).

Shipper Đinh Viễn Chiêu và giấy chứng nhận học bổng của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) Ảnh: Weibo
Việc tiến sĩ 39 tuổi trở thành shipper khiến cư dân mạng TQ "sốc", cho rằng đây là sự lãng phí tài nguyên giáo dục, nhưng anh quan niệm đây là cách chủ động để có thể tự nuôi sống bản thân trong lúc chưa tìm được việc đúng ngành nghề, thời gian linh hoạt và quan trọng nhất là giữ được tinh thần thoải mái trong lúc chờ đợi. Khi có người phân tích rằng với bằng cấp đáng nể như vậy, anh có thể chuyển sang giảng dạy, nhưng Tiến sĩ Đinh giải thích, do thiếu kỹ năng sư phạm nên việc lên lớp sẽ không hiệu quả.
Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp ở TQ chọn việc giao hàng để duy trì cuộc sống. Theo thống kê năm 2024, 38% shipper có bằng cao đẳng trở lên. Câu chuyện của Tiến sĩ Đinh không chỉ phản ánh thực tế phũ phàng về sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động hiện nay, mà còn là bài học về khả năng thích nghi, biết lựa chọn lối sống tích cực giữa lúc đối diện với khó khăn.
Thực tế cho thấy những người có trình độ học vấn cao không phải không còn sự lựa chọn nào khác và trở thành shipper giao hàng với họ chính là giai đoạn "chuyển tiếp" trong cuộc mưu sinh.
(CATP) Họ là những người từng bước lên bục nhận bằng cử nhân sau nhiều năm dùi mài kinh sử và sau một thời gian gắn bó với những công việc "đáng mơ ước" trong mắt nhiều người, cuối cùng lại được xếp vào danh sách "trải nghiệm nghề nghiệp" với hàng loạt thay đổi và trạm dừng cuối hiện tại trong vai trò người giao hàng (shipper). Dù vì lý do gì, tất cả đều phản ánh những khó khăn và quan niệm nghề nghiệp mà người lao động phải đối mặt giữa thời đại kỹ thuật số.
NGUYỄN XUÂN (theo The Paper, 163)