(CATP) Cuộc không kích của quân đội Mỹ vào sân bay Baghdad (Iraq) ngày 3-1, sát hại thiếu tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh lực lượng Quds thuộc vệ binh Cách mạng Iran và vụ đáp trả bằng 22 quả tên lửa của Iran vào các căn cứ có quân Mỹ đồn trú tại Iraq sáng 8-1 đã đẩy quan hệ Mỹ - Iran vào giai đoạn căng thẳng mới với những diễn biến khó lường, tiệm cận với “lằn ranh đỏ” của một cuộc chiến tranh toàn diện.
Có thể thấy, mặc dù đối lập về quan điểm, nhưng cả Mỹ và Iran đều đang “mềm nắn, rắn buông” trong quan hệ song phương, với những tính toán chiến lược trên thực tế đang lộ diện nhiều điểm tương đồng.
Từ cách tiếp cận “nước đôi” của Mỹ với Iran
Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ D.Trump đối với khu vực Trung Đông, được sử dụng khi ông Trump đưa ra các diễn ngôn thu hút dư luận vào một sự kiện nổi bật nhưng thực chất là để các mục tiêu chiến lược khác của Mỹ rơi vào “điểm mù” của dư luận quốc tế.
Cách tiếp cận này được các chuyên gia phát hiện lần đầu khi ông Trump gián tiếp kích hoạt mâu thuẫn giữa Saudi Arabia với Qatar (dẫn đến cuộc phong toả ngoại giao Qatar vào tháng 6-2017) ngay sau chuyến công du đầu tiên đến Trung Đông để dự Thượng đỉnh Mỹ - Ả rập với nhiều diễn ngôn củng cố sự đoàn kết các nước Ả rập Sunni và hứa hẹn thành lập một khối NATO “phiên bản Ả rập” vì sự thịnh vượng của toàn Trung Đông.
Căn cứ quân sự của liên quân Mỹ tại Iraq thiệt hại sau khi bị Iran nã tên lửa
Các hợp đồng vũ khí khổng lồ với cả hai phía Saudi Arabia và Qatar, cùng với sự bất ổn nguồn cung ở Trung Đông và chia rẽ trong lòng khối Ả rập Sunni là các lợi ích quan trọng của một nước Mỹ chuyên xuất khẩu vũ khí, đồng thời cũng vừa bước vào thị trường các nước xuất khẩu dầu mỏ nhưng lại có quan hệ thiết thân với Israel.
Cũng với cách tiếp cận này, đến 5-2018, đúng một năm sau đó, ông Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) với nhiều diễn ngôn về các thông tin tình báo của Israel cho rằng Iran đang vi phạm Thỏa thuận. Nghĩa là, chính phủ Mỹ muốn Iran phi hạt nhân hoàn toàn, nhưng lại không công nhận những cam kết phi hạt nhân hóa mà Iran đang thực hiện được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đảm bảo.
Từ việc rút khỏi JCPOA, Mỹ phục hồi được các lệnh cấm vận thứ cấp đối với Iran và các công ty nước ngoài có quan hệ kinh tế với Iran - một lợi ích quan trọng giúp Mỹ có thêm lợi thế trên thị trường cung dầu mỏ và khí đốt. Nói cách khác, vì muốn Iran phi hạt nhân hóa, chính phủ Mỹ lại tạo thêm sức ép kinh tế để Iran hiện giờ đang quay trở lại con đường phát triển vũ khí hạt nhân.
Đến cao trào đoàn kết đang định hình ở Trung Đông
Với lịch sử phải đối phó với sự can thiệp từ bên ngoài, đồng thời thấu hiểu chiến lược “Trung Đông lớn” của Mỹ, các nước Trung Đông dường như đã nhận thức được họ phải vượt qua được những chia rẽ nội bộ để hướng đến xu hướng khu vực hóa, từng bước ổn định và hòa giải các lớp mâu thuẫn bên trong để phát huy lợi thế nguồn cung năng lượng chủ yếu của cả thế giới.
Thời điểm Mỹ ám sát tướng Soleimani vào ngày 3-1 được nhìn nhận là một đòn ngăn cản vị Tư lệnh Iran này gửi thông điệp hòa bình mới đến với đối thủ chiến lược - Saudi Arabia thông qua trung gian là Thủ tướng Iraq. Sự kiện ám sát này cũng diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Quốc tế vịnh Ba Tư lần thứ 23 (7, 8-1), nơi mà Iran sẽ tổ chức thảo luận mở về Sáng kiến Hòa bình Hormuz (Hormuz Peace Endeavor - HOPE) - một kế hoạch đã được chính phủ Iran công bố từ tháng 7-2019 và đã gửi văn bản tham vấn đến Liên Hợp Quốc cùng các nước trong khu vực.
Có thể thấy, cách tiếp cận của ông Trump trên thực tế lại tạo nên một “sự hỗn loạn” khác lạ trong lòng Trung Đông và có tác động tích cực đến sự gia tăng kết nối giữa các đối tác tiềm năng vốn vẫn đang ở hai bờ chiến tuyến trong xung đột Sunni - Shia. Cụ thể như: (i) cuộc phong tỏa ngoại giao Qatar là một khủng hoảng nội bộ khối Sunni nhưng đã đẩy kết nối Qatar - Iran lên một tầm cao mới khi Iran trở thành quốc gia Hồi giáo Shia duy nhất có khả năng giúp đỡ Qatar lúc đó, (ii) kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Mỹ lại khiến các nước Ả rập thêm thống nhất về phương án “hai nhà nước” mà trước giờ họ vẫn tranh cãi, (iii) việc Mỹ rút khỏi JCPOA và đưa ra sáng kiến thành lập hải quân đa quốc gia đảm bảo an ninh hàng hải Hormuz khiến Iran nhận thức rõ được tầm quan trọng của một sáng kiến HOPE mà Iran có thể cùng với các nước trong khu vực điều phối Hormuz (thay cho trước đó Iran giữ độc quyền kiểm soát).
Sự kiện Saudi Arabia gửi thư mời Quốc vương Qatar đến dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Vùng Vịnh (GCC) vào tháng 12-2019, đi cùng với tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia vào cùng thời gian này, kết hợp với các sáng kiến Hòa bình Trung Đông đang được thúc đẩy bởi tự thân các nước Trung Đông đang tạo nên một làn sóng khu vực hóa mới mà chính “mối đe dọa” và cách tiếp cận “nước đôi” của Tổng thống Mỹ D. Trump đã gián tiếp kích hoạt và kiểm soát thiệt hại.
Dự báo những vận hội mới
Cuộc khủng hoảng ngắn ngủi vừa qua giữa Mỹ và Iran là một cách tiếp cận khác lạ với công cụ chủ yếu là diễn ngôn chính trị và phương pháp “tấn công phẫu thuật” (đánh chính xác vào vị trí quy định để kiểm soát thiệt hại tối thiểu cho chủ thể), mà qua đó, chủ trương “tấn công để không tạo chiến tranh” thêm một lần nữa được Tổng thống Mỹ D.Trump áp dụng trên thực tiễn.
Ngoài ra, sau những đe dọa đáp trả quân sự của Iran, sự rút quân của các nước đồng minh ra khỏi Iraq và quyết định của Quốc hội Iraq muốn rút toàn bộ quân Mỹ, cùng với việc Mỹ có cớ để rút quân khỏi các căn cứ đang chiếm đóng trái phép ở Syria cũng phù hợp với chủ trương rút quân từng bước khỏi Trung Đông của ông Trump. Xung đột Mỹ - Iran còn giúp cho một Israel đang bất ổn chính trị tạm thời thoát khỏi mối đe dọa từ Iran đang phải dồn lực đối phó với các căn cứ Mỹ đã phân bổ ở khắp Trung Đông.
Mặc dù chưa thể lường trước các nguy cơ của cách tiếp cận khác lạ này, nhưng dường như xu hướng gia tăng hợp tác nội khối của các nước Trung Đông đang được tạo thêm xung lực để đạt được các bước đi thực chất trong việc hoàn thành hòa giải giữa các trục quan hệ Saudi Arabia - Qatar, Saudi Arabia - Iran... và hơn cả là giữa hai khối ý thức hệ truyền thống Sunni - Shia.
Ngay cả với sự mềm mỏng khác thường trong thông điệp của Tổng thống D.Trump, không ít người cho rằng là vì Hạ viện bởi trong bối cảnh hiện tại rất có thể làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai đảng phái. Tuy vậy, thật khó mà lường trước được vụ việc theo cách tiếp cận như phân tích ở trên của ông Trump.
TS.Bùi Hải Đăng, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM