Tổng thống Mỹ cho biết ông đã mất "một thời gian để bị thuyết phục làm điều đó", nhưng ông đã hành động vì "người Ukraine sắp hết đạn".
Nhà lãnh đạo Ukraine ca ngợi động thái "đúng lúc", trong khi một đặc phái viên của Moscow chỉ trích quyết định này của Washington.
Bom chùm bị hơn 120 quốc gia cấm sử dụng.
Ông Biden nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn hôm 7-7 rằng ông đã nói chuyện với các đồng minh về quyết định này, trước thềm hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Litva vào tuần tới.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng hôm 7-7 rằng các quan chức "nhận thấy bom, đạn chùm tạo ra nguy cơ gây hại cho dân thường" từ những quả bom chưa nổ. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã trì hoãn quyết định".
Ông Sullivan cho biết Ukraine đang cạn kiệt pháo và cần "cầu nối tiếp tế" trong khi Mỹ đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ không để Ukraine không có khả năng tự vệ tại bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn xung đột này”.
Các loại vũ khí này đã gây ra tranh cãi về tỷ lệ thất bại - hay tỷ lệ hỏng hóc của chúng, nghĩa là những quả bom nhỏ chưa nổ có thể tồn tại trên mặt đất trong nhiều năm và phát nổ bừa bãi sau đó.
Ông Sullivan nói với các phóng viên rằng bom chùm của Mỹ được gửi đến Ukraine 'an toàn hơn nhiều' so với những quả bom mà ông nói đã được Nga sử dụng trong cuộc xung đột.
Bom chùm khi nổ giải phóng những mảnh vỡ có tính sát thương cao - Ảnh: BBC
Động thái của ông Biden sẽ lách luật Mỹ cấm sản xuất, sử dụng hoặc chuyển giao bom, đạn chùm có tỷ lệ thất bại trên 1%.
Ngay từ đầu cuộc chiến, khi Nhà Trắng được hỏi về những cáo buộc rằng Nga đang sử dụng bom chùm và bom chân không, thư ký báo chí khi đó nói rằng đó sẽ là một "tội ác chiến tranh" nếu đó là sự thật.
Marta Hurtado, phát ngôn viên của văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc đã lên án quyết định của Mỹ: "Việc sử dụng các loại đạn như vậy nên dừng lại ngay lập tức và không được sử dụng ở bất kỳ nơi nào".
Đại sứ Nga tại Mỹ chỉ trích quyết định của ông Biden.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đây đã cáo buộc Mỹ và các đồng minh tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang mở rộng ở Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Tổng thống Mỹ về gói viện trợ quân sự "kịp thời, rộng rãi và rất cần thiết" trị giá 800 triệu đô la (626 triệu bảng Anh).
Cuộc phản công của Ukraine, bắt đầu từ tháng trước, đang diễn ra gay gắt ở các khu vực phía đông Donetsk và đông nam Zaporizhzhia.
Tuần trước, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny cho biết chiến dịch đã bị cản trở do thiếu hỏa lực, đồng thời bày tỏ sự thất vọng với việc phương Tây chậm chuyển giao vũ khí như đã hứa.
Barbara Lee, một đảng viên Đảng Dân chủ của bang California, gọi quyết định giao bom chùm cho Ukraine là "đáng báo động". Betty McCollum, một đảng viên Đảng Dân chủ ở bang Minnesota, nói rằng đó là "một sai lầm khủng khiếp".
Jim McGovern, một đảng viên Đảng Dân chủ của bang Massachusetts, cho biết nguy cơ đối với dân thường từ những loại đạn dược như vậy kéo dài "thường rất lâu sau khi xung đột kết thúc".
Nhưng Adam Smith, một đảng viên Đảng Dân chủ của bang Washington trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói với BBC rằng Nhà Trắng đã thực hiện "quyết định đúng đắn".
"Đảm bảo rằng người Ukraine có thể giành lại lãnh thổ của họ là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng tôi có thể làm để giúp giảm thiểu thương vong dân sự" - ông nói.
Và trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa trong ủy ban đối ngoại của Hạ viện và Thượng viện cho biết động thái của tổng thống đảng Dân chủ sẽ cho phép các lực lượng Ukraine "nhắm mục tiêu và loại bỏ các lực lượng Nga hiệu quả hơn".
Không có phản ứng dữ dội ngay lập tức từ các đồng minh đối với kế hoạch của ông Biden.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự không có lập trường nào về bom, đạn chùm.
Hơn 120 quốc gia đã ký cam kết với Công ước về bom, đạn chùm, đồng ý không sử dụng, sản xuất, vận chuyển hoặc lưu trữ các thiết bị như vậy. Mỹ, Ukraine và Nga không tham gia thỏa thuận.
Đức, quốc gia đã ký hiệp ước cấm, cho biết họ sẽ không cung cấp những quả bom như vậy cho Ukraine, nhưng bày tỏ sự thấu hiểu đối với lập trường của Mỹ.
Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói với các phóng viên ở Berlin: “Chúng tôi chắc chắn rằng những người bạn Mỹ của chúng tôi đã không xem nhẹ quyết định cung cấp loại đạn như vậy”.