(CAO) Hôm 2-2, CNN dẫn số liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố cho thấy tổng dư nợ công hiện là trên 30 nghìn tỷ USD.
Việc vay nợ của chính phủ đã tăng nhanh trong đại dịch Covid-19 khi Washington chi mạnh tay để chống đỡ nền kinh tế bị thiệt hại từ cuộc khủng hoảng. Nợ quốc gia đã tăng khoảng 7 nghìn tỷ USD kể từ cuối năm 2019.
Không thể biết bao nhiêu nợ là quá nhiều, và các nhà kinh tế vẫn chia rẽ về mức độ thực sự của vấn đề này. Tuy nhiên, cột mốc nợ mới nhất đến vào thời điểm nhạy cảm vì chi phí đi vay dự kiến sẽ tăng.
Sau nhiều năm lãi suất chạm đáy, Cục Dự trữ Liên bang đang chuyển sang chế độ chống lạm phát. Fed đang có kế hoạch tung ra loạt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2015.
Chi phí đi vay cao hơn sẽ chỉ khiến việc tài trợ cho núi nợ đó trở nên khó khăn hơn.
Nợ công của Mỹ vượt ngưỡng 30 nghìn tỷ USD
David Kelly - Chiến lược gia toàn cầu của JPMorgan Asset Management cho biết: “Nó không có nghĩa là một cuộc khủng hoảng ngắn hạn, nhưng nó có nghĩa là chúng ta sẽ nghèo hơn trong dài hạn”.
Theo Quỹ Peter G. Peterson, một tổ chức tập trung vào việc nâng cao nhận thức về thách thức tài khóa, chỉ riêng chi phí lãi vay dự kiến sẽ vượt qua doanh thu 5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới và sẽ chiếm gần một nửa tổng doanh thu liên bang vào năm 2051.
Kelly chỉ ra rằng chi phí đi vay tăng sẽ hạn chế số tiền mà Washington có thể chi cho các ưu tiên khác như biến đổi khí hậu.