Vừa kịp xuống máy bay trên đất Pháp, Thủ tướng Valls đã tuyên bố ngay: “Câu hỏi đặt ra bây giờ không phải là sẽ có thêm những vụ khủng bố nữa hay không? Mà là khi nào một cuộc khủng bố khác nữa sẽ xảy ra tiếp theo?”.
Phải nói là, thiệt hại của vụ khủng bố vừa qua do thủ phạm Yassin Salhi gây ra tuy nhỏ, chỉ có một người chết và thủ phạm đã nhanh chóng bị bắt. Nhưng cái chết của nạn nhân này làm rúng động tinh thần của dân chúng Pháp. Họ còn chưa “hoàn hồn” vì sự kiện ba đời tổng thống Pháp đã bị theo dõi bởi NSA, qua một hệ thống thu thập thông tin đặt ngay trên nóc Tòa đại sứ Mỹ tại Paris, chỉ cách cung điện Elysee khoảng 200 mét đường chim bay.
Cảnh sát Pháp áp giải một phụ nữ trong vụ điều tra về Yassin Salhi
Hệ thống này được ngụy trang bằng những tấm bạt vẽ hình những khung cửa sổ giả. Tại sao tình báo Pháp lại không biết điều ấy? Trong con mắt của dân chúng thì phản ứng của Tổng thống Pháp và Chính phủ Pháp về sự kiện bị theo dõi là quá yếu ớt.
Người dân Pháp của thế kỷ thứ 21 vẫn hãnh diện với tinh thần yêu chuộng tự do, bình đẳng và tương trợ của mình. Và họ còn hãnh diện thêm về sự rộng lượng của mình.
Trên thực tế thì người Pháp đếm từng cắc từng xu cũng có, nhưng sự rộng lượng của họ thì không thiếu. Chính vì sự rộng lượng đó, vừa vật chất lẫn tinh thần, đã khiến cho cái sốc nặng thêm hơn khi có một sự kiện “chặt đầu treo hàng rào” tại Pháp vừa xảy ra.
Vụ thảm sát nạn nhân Herve Cornara đã thay đổi cái nhìn của người dân Pháp đối với những gì “quen thuộc” và “tin cậy”, chắc chắn là họ sẽ cảnh giác hơn, nghi ngờ hơn môi trường sinh hoạt thường ngày của chính mình.
Chiếc xe của thủ phạm đã được “vẫy” qua cho vào, không kiểm soát, không nghi ngờ vì những nhân viên gác cổng đã quen thuộc chiếc xe đó nhiều lần ra vào phân xưởng.
Người con trai của nạn nhân, ông Kévin Cornara, nói là ông không thể nào đoán biết trước được sự kiện: “Buổi sáng chúng tôi thức dậy, mọi chuyện bình thường, chỉ trong năm phút thì đời của chúng tôi thay đổi hoàn toàn...”.
Kévin Cornara diễn tả kẻ sát nhân: Yassin Salhi mới được nhận vào làm từ tháng 3-2015, 35 tuổi, có vợ và 3 đứa con, không có tiền án, là một người rất dễ thương, luôn luôn tươi cười, rất dễ chịu, rất lễ phép... Tôi không nghi ngờ gì cả. Cha tôi là người có tinh thần xã hội, thường hay muốn giúp đỡ mọi người. Ông làm hết sức cho gia đình, cho ông.
Yassin Salhi khai là hắn đã chụp một cái hình selfi của hắn và cái đầu của nạn nhân bằng điện thoại di động để gửi đến cho một số điện thoại bí mật.
Số điện thoại này của một người quen Salhi và người này hiện đang ở Syria, có thể cũng là một “trạm” chuyển thông tin đến một “trạm” khác.
Trong khi đó, các bác sĩ khám nghiệm tử thi chưa xác định chính xác được thời điểm cái chết của ông Herve Cornara, chủ nhân của Yassin Salhi, chỉ cho biết là ông có thể đã chết vì bị bóp cổ, cứa cổ và chặt đầu sau đó.
Hình ảnh Yassin Salhi, được diễn tả như là “một quả bom nổ chậm”, “một con chó sói đội lốt cừu non” và với hành động dã man của hắn, đã làm đánh mất sự tin tưởng của dân Pháp.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius đã cấp tốc triệu tập các công ty tổ chức du lịch để yêu cầu họ phải lập tức đưa du khách Pháp trở về Pháp khi có yêu cầu. Trong khi đó Bộ trưởng Cazeneuve tuyên bố tăng cường nhân sự và vật chất cho các cơ quan tình báo Pháp.
Tuy nhiên lời tuyên bố của thượng nghị sĩ Pietrasanta thuộc vùng Hauts-de-Seine như đổ dầu thêm vào lửa, trêu sự tức giận và lo lắng của dân chúng Pháp: “(Chúng tôi) Không thể theo dõi tất cả mọi người được. (Chúng tôi) Không có phương tiện vật chất và cũng không có khả năng để theo dõi tất cả mọi người. Phải thành thật nói như thế. (Chúng tôi) Cần phải có 25 nhân sự để theo dõi một người”.
Một tình huống “gần như là chiến tranh du kích toàn diện” đã hiện ra, khi mọi nơi sinh hoạt công cộng như chợ, trường học, nhà thờ, khách sạn, nhà ga, phi trường... cũng như những công ty, hãng xưởng đều phải đề phòng, canh chừng, cảnh giác cao độ.
Qua sự kiện Yassin Salhi thì xã hội Pháp không những phải đề phòng những kẻ xâm nhập “lạ nước lạ cái” từ bên ngoài, mà phải cẩn thận hơn đối với những cái “mầm mống” đã thâm nhập từ lâu trong nội địa.
Ông Jean-Luc Melenchon, Chủ tịch đảng PG (Parti de Gauche) kêu gọi dân chúng Pháp còn có một tinh thần “chiến đấu và kháng chiến”, “không sợ hãi”, “không mở cửa cho bọn khủng bố”.
Việc sinh sống và di tản, xin nhập cư của những người Hồi giáo tại các quốc gia châu Âu sẽ càng khó khăn hơn.